Huỳnh Trọng Ân: Đồng tác giả sách y học về Quản lý các vấn đề tim mạch phức tạp

66
Cùng với Lê Hoàng Đức Toàn, Huỳnh Trọng Ân – sinh viên năm thứ 2 khoa Y – Đại học Tân Tạo (TTU) – được giáo sư Thạch Nguyễn chọn vào dự án viết sách của ông.
Nhiệm vụ của Toàn và Ân là cùng làm chung chương Stable coronary artery disease(CAD) – Bệnh động mạch vành ổn định.
“Đây là một dự án lớn và rất khó nên đòi hỏi sự cộng tác cao giữa các thành viên. Đọc trước tài liệu và tóm tắt lại trong các buổi họp nhóm rất quan trọng, điều này sẽ giúp ích cho tiến độ công việc”, theo giáo sư Thạch Nguyễn thì tiến độ của dự án đang rất khẩn trương.
Khi hai sinh viên khoa Y của TTU được chọn vào dự án này, các sinh viên cùng khoa khác có thể sẽ tự hỏi: Các sinh viên y khoa TTU có thể làm gì để nâng cao kiến thức và kỹ năng? Giáo sư Thạch Nguyễn trả lời cho câu hỏi này như sau: “Đây là thử nghiệm đầu tiên của một dự án lớn. Cơ hội cho mỗi sinh viên khoa Y TTU trong dự án này là như nhau. Trong nền giáo dục tại Hoa Kỳ đó cũng chính là nguyên tắc quan trọng nhất: Tất cả các sinh viên đều có cơ hội và công cụ để học tập, phát triển, trưởng thành và thành công mà không phân biệt giới tính, chủng tộc, độ tuổi hoặc địa vị xã hội. Tuy nhiên, đây là một dự án tình nguyện, cộng tác viên còn cần có thời gian và sự cống hiến ngoài chương trình học trên lớp thông thường. Chính vì thế sinh viên cần tham vấn giảng viên hoặc thầy Trưởng khoa Bùi Duy Tâm khi muốn tham gia vào dự án”.

Giáo sư Thạch Nguyễn cũng nhấn mạnh sẽ không có sinh viên nào bị tụt hậu cả. Mục tiêu của TTU đó là giúp sinh viên từ cấp độ 1 lên cấp độ 2; sau đó từ lên cấp độ 3, 4, 5 theo phân loại của Bloom.

SV Huỳnh Trọng Ân (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn đồng khóa
Có một số giảng viên hỗ trợ cho dự án lo ngại về khả năng của sinh viên khi phải làm việc trong một dự án trình độ cao mà kiến thức y khoa còn hạn chế. Giáo sư Thạch Nguyễn giải thích: “Đây là một phương pháp giáo dục quan trọng tại Mỹ. Sinh viên được giao bài tập với độ khó ngày càng tăng. Khi sinh viên được giao những dự án khó, họ tự học được cách giải quyết vấn đề theo nhóm. Giảng viên sẽ chỉ ra nơi có thể tìm thấy câu trả lời cho vấn đề, hướng dẫn giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, người giải quyết vấn đề là sinh viên chứ không phải giảng viên. Qua đó, sinh viên có thể đạt tới cấp độ 3 trong phân loại của Bloom: Áp dụng kiến thức vào những tình huống mới để giải quyết vấn đề”. Đây chính là mục tiêu trong dự án viết sách này.
Mặc dù khi thực hiện chuyên đề này Ân mới chỉ là sinh viên năm thứ 2 nhưng Ân có một đam mê cháy bỏng với lĩnh vực này. “Nó khiến em say mê đến kỳ lạ, cứ như cách mà trái tim có thể làm việc suốt đời người mà không hề mệt mỏi”, Ân tâm sự.
Mỗi khi nhắc tới chủ đề tim mạch đôi mắt Ân như ánh lên một ngọn lửa, ngọn lửa của sự đam mê. Ân kể, hai năm trước, khi vô tình xem các bài viết, chương trình trên mạng và truyền hình nói về chủ đề tim mạch, Ân đã bị nó thật mê hoặc. Ân nói: “Em thích lĩnh vực tim mạch không phải vì nó khó nên ít người nhắm tới. Mỗi một ca phẫu thuật tim mạch như là một trận chiến giữa người bác sĩ và tử thần, không một sai sót nào có thể xảy ra dù là nhỏ nhất vì chính nó có thể biến thành nguyên nhân cướp đi sinh mạng của bệnh nhân”.
Nhờ lòng nhiệt huyết cùng với thành tích học tập đáng nể mà Huỳnh Trọng Ân đã được giáo sư Thạch Nguyễn chọn tham gia vào dự án viết sách của ông. Năm học chuyên ngành vừa qua điểm tích lũy học kỳ 1 của Ân đạt 3,8, học kỳ 2 đạt 4 (theo thang điểm 4 của Hoa Kỳ). Kể về ngôi trường thân yêu của mình Ân nói: “Em cũng như các bạn cùng khoa đặt toàn bộ niềm tin vào trường, tin tưởng vào giáo trình y khoa mà tụi em đang được học. Em nghĩ đây là hướng đi đúng để đào tạo chúng em thành những người bác sĩ có thể tự nghiên cứu trong tương lai”.
Tôi thực sự bất ngờ khi trong câu chuyện của cậu sinh viên mới 20 tuổi này, đôi lúc có những nốt trầm, và có những suy nghĩ thực sự sâu sắc. Ân nói: “Có quá nhiều thứ trong cuộc sống này chi phối cái tâm trong sáng của người bác sĩ chị ạ”.
“Bệnh tim mạch ở Việt Nam trong những năm gần đây gia tăng lên rất nhiều và giá một ca phẫu thuật có thể lên đến hàng trăm triệu đồng thì làm sao các bệnh nhân nghèo có thể chi trả. Em hi vọng sau này nếu có thể trở thành một bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì trên bàn mổ, đối với em ai cũng là người bệnh không hơn không kém”, Ân chia sẻ.
Sự kiện hai sinh viên khoa Y Đại học Tân Tạo được chọn làm đồng tác giả trong một cuốn sách y học mang tầm quốc tế của giáo sư Thạch Nguyễn là một điều vô cùng đáng tự hào. Đây không chỉ là cơ hội để các em nâng cao trình độ lĩnh vực tim mạch mà còn rèn luyện được khả năng tiếng Anh y học, bên cạnh đó còn khẳng định được cam kết và nỗ lực của TTU và khoa Y TTU trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên để phát triển, trưởng thành và thành công.