Ngôn ngữ Anh – ngành học không lỗi thời

51

Học một ngành khác và học thêm tiếng Anh hay học chuyên sâu về ngôn ngữ Anh, cái nào dễ tìm việc hơn

ThS Jonathan W. Lankaford đến từ Mỹ hướng dẫn sinh viên trong giờ học ngôn ngữ Anh

Nhiều người cho rằng chỉ nên coi tiếng Anh là một kỹ năng bổ trợ cho một chuyên ngành khác, không cần học chuyên sâu. Tuy nhiên, học chuyên sâu ngôn ngữ Anh, sinh viên có nhiều lợi thế khi được trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu nhiều lĩnh vực, làm được rất nhiều việc khác nhau.

Không lo thất nghiệp

Theo ThS Đặng Thanh Nhơn, phó trưởng khoa Nhân văn và ngôn ngữ Trường ĐH Tân Tạo (TTU), đúng là có quan điểm cho rằng học ngành ngôn ngữ Anh chỉ giúp cải thiện năng lực ngoại ngữ chứ không trang bị kiến thức chuyên môn, còn gọi là kỹ năng cứng như những ngành khác. Tuy nhiên theo ông Nhơn, tôi cho rằng ngôn ngữ Anh là ngành có ảnh hưởng lớn nhất trong mọi lĩnh vực.

Lý giải về quan điểm này, ông Nhơn cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ của Internet, của thông tin và tri thức. Nếu 10, 15, thậm chí 20 năm trước học ngôn ngữ Anh, bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, luôn có đất dụng võ, luôn có việc làm trong thị trường khắc nghiệt toàn cầu.

Nếu không nói về sự mất đi của một số ngành nghề trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng khi học một chuyên ngành nào đó và sau đó nhận ra mình không hứng thú nữa thì kiến thức đó sẽ bị mai một và lãng quên, làm lãng phí thời gian. Vì vậy, học ngôn ngữ Anh vẫn an toàn hơn rất nhiều ngành khác, vì là ngành học không lỗi thời.

Chính vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của ngành này rất rộng mở. Ngoài đi dạy tiếng Anh như mọi người thường nghĩ, sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác như chuyên viên sáng tạo nội dung, chuyên viên truyền thông doanh nghiệp, viết bài, quảng cáo chương trình hay sự kiện, biên phiên dịch cho nhà xuất bản hay cơ quan công chứng.


Mô hình lớp học nhỏ giúp tăng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Mỗi sinh viên được chú ý và phát triển năng lực tối đa và thực hành tại chỗ.

— Th.S Đặng Thanh Nhơn —

Bên cạnh đó có thể tham gia các đề án chuyển ngữ của giải trí phim ảnh, âm nhạc, các đề án giáo dục, đề án song ngữ Anh – Việt, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ hoặc làm nghề tự do cung cấp dịch vụ liên quan đến ngoại ngữ.

Chương trình và phương pháp chuyên biệt

Chia sẻ về chương trình đào tạo, ông Nhơn cho biết sinh viên ngành này không phải chỉ học Anh văn giao tiếp, dừng lại ở mức nói chuyện với người nước ngoài mà phải thành thạo sử dụng tiếng Anh, có khả năng soạn thảo văn bản nhiều thể loại đúng phong cách, giao tiếp chuẩn, phù hợp với văn hóa và xã hội bản địa, hiểu và giải mã văn bản chuẩn xác, nắm vững nguyên do của biểu thức ngôn ngữ.

Sinh viên khoa Nhân văn và ngôn ngữ TTU tham gia chương trình Phát triển cộng đồng tại Indonesia

Với những đặc điểm chung ngành nghề như vậy, Trường ĐH Tân Tạo thực hiện phương pháp đào tạo khác biệt để tạo nên giá trị tri thức lớn hơn cho người học, tạo ưu thế trong cạnh tranh việc làm tốt.

Theo ông Nhơn, mô hình giáo dục khai phóng, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Tân Tạo được trang bị toàn diện kiến thức từ ngôn ngữ, văn hóa, xã hội đến kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên lẫn kinh tế, tài chính. Sinh viên sẽ được dạy “cách học” và cách sử dụng phương tiện để tiếp cận, xử lý thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0, phục vụ nhu cầu học tập, cá nhân và nghề nghiệp sau này.

Song song với đó là đội ngũ giảng dạy phần lớn là người bản ngữ đến từ Mỹ và Anh, cùng với giảng viên người Việt có học vị tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài với bằng cấp quốc tế, giàu kinh nghiệm làm việc với học viên người Việt.

Đặc biệt, quy mô lớp học nhỏ cho phép tối đa hóa sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên; việc trao đổi trực tiếp nội dung bài giảng và thực hành tại chỗ giúp sinh viên nắm vững và hiểu rõ từng vấn đề luận bàn.

Ngoài ra, trường tăng cường hợp tác để sinh viên được thực tập, trực tiếp trải nghiệm thực tế ở nước ngoài, vận dụng những gì đã học, cọ xát thực tiễn, “đắm” mình trong môi trường 100% là tiếng Anh.

Ngoài ra, sinh viên được trang bị các kỹ năng mềm như nghệ thuật giao tiếp trước công chúng, kỹ năng thuyết trình, phân tích, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, kết nối, rèn luyện đạo đức, tác phong nghề nghiệp và rèn luyện sức khỏe để có thể làm việc hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh.

Sinh viên chủ động nắm bắt cơ hội

Nói về môi trường học tập, phương pháp và chất lượng đào tạo, Trần Thị Thủy Tiên – sinh viên năm 3 ngành ngữ Anh Trường ĐH Tân Tạo – chia sẻ hơn 70% giảng viên là người bản xứ, sinh viên học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế, tiếp xúc với nền văn hóa những nước tiên tiến ngay tại Long An. Môi trường học tập văn minh, hiện đại, sinh viên chủ động nắm bắt cơ hội.

“Đặt câu hỏi, thoải mái nêu ý kiến cá nhân trong từng tiết học, thẳng thắng trình bày khó khăn, đóng góp ý tưởng là điều tôi thích nhất khi học ở đây” – Tiên cho biết.

Lê Thị Xuân Mai, cựu sinh viên khóa 3, hiện là tư vấn viên cấp cao tại Công ty cổ phần Kết Nối Nhân Tài – Talentnet Corporation. Chia sẻ về học ngôn ngữ Anh tại TTU, Mai cho biết nhiều thầy cô rất nhiệt tình đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Điều đặc biệt là những thầy cô không đơn giản chỉ là giảng dạy sinh viên mà họ đến là để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với mục đích khuyến khích sinh viên tự mình khám phá và học hỏi. Điều này đã giúp sinh viên trang bị kỹ năng tự học, luôn chủ động, tự tin nêu lên quan điểm của mình và trở nên độc lập trong cuộc sống.