Sinh viên Y Khoa Đại học Tân Tạo chuẩn bị lên đường sang Mỹ thực tập

35

Nhân sự kiện 15 sinh viên năm thứ 3 xuất sắc nhất và đủ điều kiện của Khoa Y – Đại học Tân Tạo (TTU) được lựa chọn để lên đường sang Hoa Kỳ thực tập tại các bệnh viện theo chương trình hợp tác với TTU.  Khoa Y Tân Tạo đã mời các Bác sĩ tại các bệnh viện Hoa Kỳ về thuyết giảng để sinh viên hiểu rõ hơn về nghề Y tại Mỹ cũng như việc thực tập của sinh viên tại đây.

Khoa Y Tân Tạo cũng cho biết, nhóm 8 sinh viên đầu tiên sẽ bắt đầu thực tập từ ngày 23/5/2016 đến 15/7/2016, nhóm thứ 2 sẽ thực tập trong khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9/2016. Sinh viên Y Tân Tạo sẽ được thực tập tại nhiều bệnh viện tại San Francisco, Chicago, Hobart IN và tham dự các khóa học lớn như khóa học y tổng quát tổ chức từ 19/5 đến 20/5 tại McCormick Place, Chicago.

Đối với những sinh viên quan tâm đến lĩnh vực tim mạch can thiệp có thể tham gia Hội nghị C3 lần thứ 12 tại Orlando FL được tổ chức từ ngày 28/6 đến 1/7; Hội thảo tim mạch Chicago lần thứ 5 (5th Annual Chicago Cardiovascular Update) được Bệnh viện Northwestern Memorial tổ chức ngày 7 đến ngày 9 tháng 7/2016.

Tham gia chương trình thực tập còn có các sinh viên y khoa đến từ Đại học Indiana, các bang khác như Michigan, Ohio, Illinois… sinh viên các nước Đức, Tây Ban Nha…Sinh viên sẽ được chia thành các nhóm nhỏ thực hành về các vấn đề như chăm sóc bệnh nhân đặc biệt, y học hạt nhân, tim mạch, phẫu thuật và thực hành khám bệnh. Hàng ngày sinh viên sẽ nghe giảng, thuyết trình, thực hành khám lâm sàng, trình bày về từng ca bệnh… Đặc biệt, trong 2 tháng thực tập sinh viên sẽ có 1 chuyến thăm trụ sở chính của Đại học Y Indiana tại Indianapolis và nói chuyện với Ông Peter Visclosky – Đại Biểu Quốc Hội vùng Bắc Indiana và Thượng nghị sĩ Joe Donnelly của Indiana.

Bác sĩ Trần Văn Hậu

Ngành học lâu nhất và tốn tiền nhất

Tại Mỹ, ngành Y là ngành học lâu nhất và tốn tiền nhất. Thời gian trung bình để thành Bác sĩ tại Mỹ là 11năm (trong đó 4 năm học đại học, 4 năm học trường Y, 3 năm (hoặc 5 năm tùy theo từng ngành) làm bác sĩ nội trú và sau đó là chuyên khoa sâu). Bác sĩ Trần Văn Hậu, tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Y của Viện Công Nghệ New York NYIT, Mỹ thông tin đến sinh viên Khoa Y Tân Tạo: “Chương trình Y khoa của Mỹ được chia làm 2 phần: Tiền lâm sàng và Lâm sàng. Chương trình Tiền lâm sàng thường học trong 2 năm đầu, sinh viên được học tại lớp học và phòng thí nghiệm những môn học cốt lõi như: giải phẫu học, sinh hóa, sinh lý học, dược học, mô học, phôi sinh học, vi sinh học, bệnh lý học, sinh lý bệnh, và thần kinh học. Sau khi sinh viên đã hoàn thành chương trình Tiền lâm sàng, họ sẽ thi USMLE step 1 đối với chương trình M.D. (Doctor of Medicine) và COMLEX level 1 đối với DO (Doctor of Osteopathic Medicine).”

Bác sĩ Thạch Nguyễn

Phân biệt M.D. và D.O.

Bác sĩ Thạch Nguyễn, Phó Khoa Y Tân Tạo cho biết: “MD ở Mỹ có nghĩa là bác sĩ. Tất cả các bác sĩ là MD. Các chuyên gia gọi là MDs. DO cũng giống như MD nhưng sinh viên học thêm về điều trị xương và cơ. Tại Đại học Michigan, sinh viên y DO và MD học cùng nhau. Sinh viên DO sẽ học riêng những khóa học về cơ và xương. Trước đây phần lớn bác sĩ DO là bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ gia đình, vậy có thể hiểu DO trong tiếng Việt là bác sĩ đa khoa. Nhưng hiện nay, DO được hiểu là bác sĩ chuyên khoa. Trước đây sinh viên dễ vào trường DO hơn trường MD, nên nhiều người chọn học trường DO. Tuy nhiên ngày nay việc tuyển sinh vào trường DO cũng rất cạnh tranh. “

Bác sĩ Hậu bổ sung thêm: ” Bác sỹ MD hoặc DO đều có vai trò như nhau, làm việc trong tất cả các chuyên khoa (nội, ngoại, sản, nhi,…). Bác sỹ DO chỉ duy nhất được đào tạo tại Hoa Kỳ, được công nhận trên 60 nước, chương trình học giống MD nhưng cộng thêm 300-500 giờ học OMM (Osteopathic Manipulation Medicine – điều trị không dùng thuốc mà sử dụng các thao tác nắn chỉnh hệ cơ xương, thần kinh, giúp đẩy nhanh tiến trình lành bệnh, làm giảm đau,…).Hiện tại, 2 chương trình MD và DO đã thống nhất lộ trình hợp nhất thành một chương trình chung.”

Sau khi tốt nghiệp trường y, sinh viên được gọi là bác sĩ, được cấp bằng M.D. hoặc D.O. nhưng vẫn chưa được hành nghề cho đến khi hoàn thành bác sĩ nội trú năm thứ nhất và kỳ thi USMLE step 3 đối với M.D. và COMLEX level 3 đối với D.O. Nhiều trường Y ở Mỹ giảng dạy theo hệ thống, như hệ thống về tim mạch, thần kinh, cơ xương…Mỗi hệ thống lại bao gồm những môn như giải phẫu học, sinh lý học, bệnh lý học, vi sinh học…

Sinh viên Khoa Y, Đại học Tân Tạo

Giai đoạn học lâm sàng

Giai đoạn học lâm sàng thường vào 2 năm cuối, sinh viên chủ yếu học tại bệnh viện. Sinh viên học cách quan sát và chăm sóc bệnh nhân dưới sự giám sát của bác sĩ nội trú và các bác sĩ chính. Giai đoạn này, thực tập là bắt buộc đối với nội khoa, phẫu thuật, nhi khoa, y khoa gia đình, phụ sản / phụ khoa, tâm thần học. Ngoài ra sinh viên còn phải học môn học chuyên ngành tự chọn khác. Thêm vào đó, sinh viên còn phải học những khóa dự bị thực tập với trách nhiệm tương đương Bác sỹ nội trú năm thứ nhất. Năm thứ 3 và thứ 4, hầu hết sinh viên y khoa thi USMLE step 2 (USMLE Clinical Knowledge (CK) & Clinical Skills (CS) (đối với M.D.) hoặc COMLEX Cognitive Evaluation & Performance Evaluation (đối với D.O.). Khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, sinh viên năm cuối (MD hoặc DO) sẽ bắt đầu thủ tục nộp hồ sơ xin phỏng vấn để vào nội trú. Một sinh viên cần tối thiểu 3 thư tiến cử của các bác sỹ, giáo sư trực tiếp hướng dẫn cũng như kết quả cao của các kỳ thi USMLE step 1, step 2 CS và CK (cho sinh viên MD) và COMPLEX level 1, level 2 CE và PE (Cho sinh viên DO). Kết quả sẽ được công bố vào tháng 2 hoặc 3 năm sau.

Quỳnh Anh

Theo Dantri

Xem thêm clip phỏng vấn Ban giảng huấn và Sinh viên Khoa Y Đại học Tân Tạo

https://www.youtube.com/watch?v=6PSVltyCVw0

Bài viết có liên quan:

Tin nhanh: Sinh viên Y Khoa TTU chuẩn bị sang Mỹ thực thập