Đạo diễn Ash Mayfair: Ngay cả bóng tối cũng là món quà quý giá

255

Trước khi bắt tay làm tác phẩm Vợ ba, Ash Mayfair đã góp mặt vào giới làm phim quốc tế với nhiều phim ngắn như: The Silver Man, Sam, Heart of a Doll, Grasshoppers, Lupo, Walking the Dead, No Exit.

Độc đáo, đậm đặc tính nữ và dấu ấn cá nhân, Vợ ba – bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) không chỉ là một bộ phim “kể câu chuyện lấy cảm hứng từ gia đình” mà còn thể hiện cách nghĩ, quan điểm của cô về vai trò của những người phụ nữ trong xã hội xưa, nay và tương lai.

Ash Mayfair tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Đại học Oxford, Anh, sau đó, cô học thạc sĩ ngành sân khấu rồi học làm phim ở Mỹ với bằng MFA tại Đại học New York. Trước khi bắt tay làm Vợ ba, Ash Mayfair đã góp mặt vào giới làm phim quốc tế với nhiều phim ngắn như: The Silver Man, Sam, Heart of a Doll, Grasshoppers, Lupo, Walking the Dead, No Exit.

Khuôn hình đầy chất điện ảnh trong phim Vợ ba

Vợ ba là kịch bản tốt nghiệp của Ash Mayfair, từng đoạt được nhiều giải thưởng quan trọng trước khi được dựng thành phim như: Quỹ sản xuất Spike Lee (nhà làm phim da màu nổi tiếng tại Hollywood, vừa được Oscar 2019 vinh danh) và lọt vào danh sách NYC Purple List 2015 dành cho những kịch bản phim tốt nhất do sinh viên tốt nghiệp viết. Sau đó, dự án này tiếp tục thắng giải Grand Prix tại diễn đàn Gặp gỡ mùa thu 2015 tại Đà Nẵng và giải Grand Prix tại Hongkong Asia Film Forum 2016. Hành trình sau đó của Vợ ba tại các liên hoan phim quốc tế, có lẽ không cần phải nói nhiều nữa.

Rất khó để có thể thuyết phục được Ash Mayfair cho một cuộc gặp. Càng không dễ để chụp ảnh cô, vì cô quan niệm: “Khi bộ phim hoàn tất, nó sẽ sống cuộc đời độc lập của nó” và cô thì “không muốn giải thích những gì đã làm với khán giả”.

Phụ nữ luôn mạnh mẽ và đẹp

Phóng viên: Vợ ba đi gần một vòng thế giới, gặt hái được nhiều giải thưởng. Nhưng tôi tin, khi phim ra mắt khán giả Việt Nam, cảm xúc của bạn đặc biệt hơn rất nhiều lần?

Đạo diễn Ash Mayfair: Tôi vô cùng sung sướng, bởi chỉ ở lần này tôi mới được chia sẻ với khán giả bằng tiếng Việt, và tôi biết mọi người sẽ hiểu tâm tư, tình cảm mình gởi gắm ở từng lời hát, câu thơ trong phim. Đây cũng là buổi công chiếu đầu tiên có đầy đủ “gia đình” tôi trong rạp, từ người thân cho đến gia đình làm phim. Đặc biệt nhất là sự có mặt của ông bà tôi từ quê lên. Đây là lần đầu tiên ông bà ra rạp xem phim và xem phim của cháu. Tuổi đã ngoài 90, sức khỏe ông không tốt, phải ngồi xe lăn nhưng ông rất hào hứng, dù mấy chục năm qua, ông chưa bao giờ thức quá 7 giờ tối. Lúc chữ chạy cuối phim, mọi người cứ thế ôm nhau khóc… Đó thực sự là khoảnh khắc tuyệt vời và ý nghĩa với tôi.

* Tại sao bạn chọn đề tài này chứ không phải đề tài khác?

– Tôi yêu phụ nữ và có thể dành cả ngày, cả cuộc đời mình để làm điều gì đó về những người phụ nữ sinh con đẻ cái, về tình yêu, tình dục, về sự trưởng thành, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, trước kia và cả tương lai. Đây chỉ mới là bước khởi đầu. Một trong những lý do thôi thúc tôi làm phim ở Việt Nam trước dù những nước khác dễ làm hơn và chi phí có thể rẻ hơn, vì đây là một phần lịch sử không thể tránh được, đã thực sự xảy ra cho bà ngoại, bà cố của tôi. Những bé gái phải kết hôn, bị đẩy vào vòng luẩn quẩn, không thể tự quyết cho bản thân. Không chỉ Việt Nam, trên thế giới vẫn còn rất nhiều trường hợp như vậy.

* Nhưng hẳn là phải có một sự đặc biệt nào đó hình thành nên tình yêu này chứ?

– Bố tôi mất khi tôi vừa 4 tuổi. Sau tôi còn có hai đứa em gái. Mẹ tôi, rồi bà ngoại, bà cố… xung quanh tôi đều là những người phụ nữ cực kỳ mạnh mẽ. Gia đình nhỏ ấy sống bên nhau, đùm bọc, san sẻ cho nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện hồi xửa hồi xưa. Tôi lớn lên và chứng kiến tất cả điều đó, những người phụ nữ mang bầu, đẻ con, nuôi nấng con. Cứ thế, mọi thứ tự nhiên đi vào máu thịt. Có lẽ vậy nên khi bước ra cuộc sống riêng, tôi thấy lòng mình rất vững vì tôi biết những người phụ nữ này sẽ luôn đứng sau mình, ủng hộ, nâng đỡ mình. Tôi có đi đâu, làm gì, cũng biết được rằng mình có nhà để trở về.

* Ngoài mạnh mẽ, hẳn bạn cũng thấy họ yếu đuối, họ khát khao và cô đơn…

– Tôi cho rằng, tất cả điều đó đều là sự mạnh mẽ của phụ nữ. Nếu yêu phụ nữ thì phải yêu tất cả những gì liên quan đến nữ tính và nữ quyền. Trong nữ tính có sự mềm mại, dẻo dai, nhưng trong cái mềm mại ấy cũng tiềm ẩn sự mạnh mẽ. Vợ ba là câu chuyện về những người phụ nữ xung quanh tôi. Câu chuyện của bà Lao trong phim chính là người cô đã ở bên cạnh và chăm sóc mấy chị em tôi lúc còn bé xíu. Nhân vật người vợ cả gần như dựa hoàn toàn vào mẹ của tôi khi bà còn trẻ. Vợ ba là cá nhân tôi, là tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của bà cố.

Đương nhiên, phụ nữ không ai giống ai. Tôi yêu cả sự khác biệt đó. Chính điểm yếu, nỗi khát khao và có khi là sự cô đơn của những người phụ nữ này mang đến cho người xem cái đẹp.

* Một mình mẹ nuôi ba chị em, cuộc sống lúc ấy chắc chẳng dễ dàng gì…

– Mẹ tôi rất giỏi và cực kỳ mạnh mẽ. Chưa bao giờ trong tuổi thơ tôi có cảm giác nghèo khó. Tất cả đều được mẹ che chở hết. Những khó khăn, mãi sau này tôi mới biết.

Đạo diễn phim Vợ ba – Ash Mayfair

* Bao nhiêu tuổi thì bạn ý thức được điều đó?

– Khoảng gần cuối những năm 20 đầu 30, tôi mới thấy thời xưa mẹ rất khổ. Còn lúc mười mấy, hai mươi tuổi, tôi khá ích kỷ. Thời điểm đó tôi chỉ muốn làm nghệ thuật, muốn chứng tỏ bản thân, muốn thể hiện cá nhân.

* Có phải vì tình thương và sự chở che của mẹ quá lớn khiến bạn trở nên ích kỷ?

– Tôi nghĩ, nếu đã là nghệ sĩ và yêu nghệ thuật thực sự, chắc chắn sẽ có hạt giống ích kỷ trong lòng. Phải như vậy mới bảo vệ được ngôn ngữ rất riêng tư của công việc sáng tác. Tuy nhiên, mình phải làm sao để uốn nắn nó giống như uốn một cây kiểng, không để tán cành lan tỏa quá, che mờ hết những góc nhìn khác của cuộc sống. Sự uốn nắn và thăng bằng đó, đến sau này, tôi mới học được. Còn thì, rất khó để làm một phép so sánh. Vì tôi chỉ có một cuộc đời, chẳng thể giả sử nếu mẹ không bảo bọc thì mình có bớt ích kỷ hay không.

* Với nhiều người, để trưởng thành, họ phải trải qua nhiều mất mát, đớn đau. Bạn thì sao?

– Có một câu ngạn ngữ Anh, đại ý: ngày xưa có người cho tôi một cái hộp mở ra trong đó đầy bóng tối. Cho đến hôm nay tôi mới nhận ra, bóng tối đó cũng là món quà quý giá. Tôi tin rằng trải nghiệm nào của cuộc đời cũng là quý giá cho bản thân mỗi người, đặc biệt là người làm nghệ thuật. Cho dù mất mát nặng nề thế nào chăng nữa, nếu chúng ta có thể vun vén nó, gặt hái nó, biến nó thành món quà cho nghệ thuật.

* Có khó không để tạo sợi dây liên kết giữa những người phụ nữ với nhau, khi ê-kíp bộ phim toàn là phụ nữ, từ đạo diễn, nhà sản xuất cho đến quay phim, giám đốc hình ảnh và cả dàn diễn viên ba thế hệ, vì thông thường lắm phụ nữ thì… lắm chuyện?

– Không có gì khó cả. Không phải đến khi làm phim, chúng tôi mới tìm đến nhau, mà trước đó, từ khâu kịch bản, bọn tôi đều nghĩ làm gì để có thể vun đắp cho phim. Hễ tôi đi quay thì bạn nấu ăn. Bạn đi học thì tôi dọn dẹp nhà cửa. Những đứa trẻ của hai người bạn ấy cũng gắn liền với giai đoạn sản xuất bộ phim. Mối quan hệ giữa những người phụ nữ với nhau rất thân thiết và tuyệt vời.

Dù là làm việc với ê-kíp sau màn ảnh hay diễn viên, quan điểm của tôi luôn là mở đường và mở đất để họ có thể vun đắp, tự trồng những loài cỏ hoa họ thích. Kết quả có khi ngoài sự mong đợi. Không gì tuyệt vời hơn khi để họ tự do sáng tạo. Tất nhiên, để làm được điều này, cần đặt lòng tin vào nhau.


“Ban đầu, Vợ ba là một cuốn tiểu thuyết”

* Điều gì khiến bạn chọn văn chương rồi chuyển sang điện ảnh?

– Tôi rất yêu văn học và sân khấu, do ba tôi trước đây rất yêu sách. Cả ba và mẹ trước khi sinh tôi có mua một tủ sách, ghi chú dành tặng cho con gái từng cuốn một. Bốn tuổi tôi đã bắt đầu biết đọc, văn chương Việt Nam, Trung Quốc. Ngay cả những truyện mà bố mẹ cất chỗ cao nhưng tôi cũng vớ lấy đọc hết. Hồi nhỏ, tôi xin mẹ học trường sân khấu nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo con gái học sân khấu khổ lắm. Tôi bèn hỏi mẹ: “Thế trường đại học nào khó nhất, giỏi nhất thế giới? Con vào học trường đấy xong thì mẹ cho con học sân khấu nhé?”. Mẹ “thách thức” con gái: “Thế thì Oxford”. Nhìn hết danh sách các ngành học ở trường, có văn chương là tôi yêu nhất. Vậy là tôi theo.

Ban đầu, kế hoạch của tôi với Vợ ba là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng khi học làm phim, kể cho các thầy cô, bạn bè nghe, mọi người khuyến khích tôi nên viết kịch bản. Mọi chuyện cứ thế kéo đến. Tôi tin mỗi tác phẩm nghệ thuật có số mệnh của nó. Chắc chắn phải có duyên thì Vợ ba mới ra đời và đạt những cột mốc như hôm nay.

* Trước và sau cuộc gặp với đạo diễn Trần Anh Hùng tạo chương trình Gặp gỡ mùa thu, tư duy làm phim của bạn thay đổi ra sao?

– Ngày đầu tiên trong lớp đạo diễn Gặp gỡ mùa thu, anh Hùng viết một câu lên bảng: “Cái gì là cái đẹp?”. Mọi người im lặng. Câu thứ hai: “Cái gì là sự thật?”. Thêm một câu hỏi thực sự quá lớn. Cho đến hôm nay chưa chắc tôi đã tìm được câu trả lời thực sự cho hai câu hỏi này. Nhưng điều anh Hùng chỉ ra cho bọn tôi rất ý nghĩa. Cái gì làm cho ngôn ngữ điện ảnh trở nên chính xác? Hình ảnh 1 đặt kế hình ảnh 2 chính là ngôn ngữ điện ảnh. Với điện ảnh, bạn có thể không có diễn viên, âm nhạc, thoại, câu chuyện nhưng luôn luôn có hình ảnh đặt kế nhau. Điều này nhỏ thôi nhưng như thể cái đèn trong đầu tôi được bật sáng.

Khi hiểu được vấn đề rồi thì mọi thứ trở nên khá đơn giản. Mỗi quyết định của tôi trong sản xuất phim luôn luôn có sự cân đo giữa hai câu hỏi: cái gì là cái đẹp và cái gì là sự thật.

Cảnh trong phim Vợ ba

* Không ít nhận định, phim của bạn phảng phất mùi vị, hình ảnh của Mùi đu đủ xanh, của Vĩnh cửu – những bộ phim khác của đạo diễn Trần Anh Hùng…

– Nhưng mọi người không nhắc đến Rừng Na-uy hay Xích lô vì ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn khác. Đương nhiên, nói về dòng phim tác giả, nhiều tác giả sẽ làm những phim liên tục giống nhau trong cả cuộc đời của họ. Anh Hùng không phải là người như thế. Những đạo diễn giỏi khi làm phim, mỗi phim là một thế giới riêng biệt. Đây là điều tôi đang muốn được học hỏi.

Nếu ai đó nghĩ Vợ ba phảng phất mùi vị của Mùi đu đủ xanh là lẽ đương nhiên. Vợ của anh (diễn viên Trần Nữ Yên Khê) diễn hỗ trợ cho tôi, con trai một người bạn nhạc sĩ của anh viết nhạc cho tôi kia mà. Ngay cả chủ đề về bếp núc, phụ nữ, gia đình, tình yêu… và về Việt Nam, giữa chúng tôi cũng có sự tương đồng. Muốn khác cũng không được. Nhưng tôi tin, nếu xem được phim thứ hai của tôi thì mọi người sẽ có câu hỏi khác.

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

 

“Tôi muốn người khác nhắc đến mình là một đạo diễn”

Hiện tại, số đạo diễn nữ làm việc thường xuyên ở Mỹ, tại các studio hoặc series truyền hình là dưới 9%. Riêng ngành phê bình điện ảnh thì chỉ số còn thấp hơn nữa. Bạn có tin là trong số 250 cây bút phê bình tại Liên hoan phim Toronto thì chỉ có một cây bút nữ?

Chiến dịch #metoo bắt đầu khi tôi đang dựng phim Vợ ba. Trên mạng xã hội, rất nhiều phụ nữ tôi quen biết, tôi thấy đã có thể mở lòng kể câu chuyện về quá khứ, để cùng chia sẻ nỗi đau đó. Tôi không biết trong thế hệ của mình, chuyện này có xảy ra hay không, nhưng tôi rất hy vọng một ngày nào đó khi nhìn vào tác phẩm và tác giả, người ta chỉ nghĩ tôi là đạo diễn, thay vì là đạo diễn nữ, da màu.

Trong thế hệ của mình, những chỉ số nghiên cứu chỉ ra rất rõ, phụ nữ từ giai đoạn hai mấy đến ba mấy tuổi, sẽ vắng mặt một khoảng thời gian dài, để tập trung sức lực và năng lượng cho gia đình, con cái. Họ không có điều kiện để tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp, nhất là sự nghiệp nghệ thuật. Đặc biệt, công việc làm phim yêu cầu thời gian và đam mê. Khi họ bắt đầu làm việc trở lại thì lúc này họ đã khoảng bốn mươi tuổi. Một thế hệ mới đã lên rồi. Cứ lần lượt như một vòng lặp. Tôi nghĩ, nếu không có mạng lưới nào để đỡ đần, giúp đỡ phụ nữ thì rất khó. Và cần phải thay đổi cả những quan điểm lâu nay vẫn gán ghép cho phụ nữ. Chẳng hạn, việc ngẫu nhiên trông chờ, làm mẹ thì phải nuôi con, làm mẹ thì phải làm việc nhà.Nghiên cứu của Virginia Woolf (tiểu thuyết gia, nhà tiểu luận nổi tiếng của Anh) trong cuốn Căn phòng của riêng ta rất thú vị. Theo Woolf, tất cả do tài chính hết. Bà chỉ nói hoàn cảnh cụ thể của một đất nước thôi nhưng quá khứ vài trăm năm trước, phụ nữ không được sở hữu tài chính, họ sẽ không có thời gian để sáng tác, chưa thể điều khiển cuộc sống của riêng họ, chưa có căn phòng riêng, phụ thuộc vào người khác.Tôi tin, nghệ thuật chỉ có thể sáng tác khi tất cả cơm-áo-gạo-tiền căn bản nhất được thỏa mãn trước. Phải có một mái nhà, chén cơm, lo cho gia đình mới có thể viết được.

Đạo diễn Ash Mayfair

 

Nguồn: phunuonline