Học Y khoa trực tuyến với giáo sư khắp thế giới

310

Dịch COVID-19 bùng phát, sinh viên không thể đến trường. Thế nhưng, đó cũng là cơ hội để sinh viên được học với những giáo sư y khoa hàng đầu thế giới qua hình thức học trực tuyến.

GS Nguyễn Ngọc Thạch – phó hiệu trưởng ĐH Tân Tạo – cùng các tiến sĩ, bác sĩ hàng đầu của trường cùng giảng dạy trực tuyến

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại học Tân Tạo đã chuyển toàn bộ chương trình học sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Tại khoa y, ngoài những giảng viên cơ hữu, các bác sĩ hướng dẫn lâm sàng, sinh viên khoa y còn được các giáo sư nổi tiếng của Việt Nam và thế giới hướng dẫn.

Học lâm sàng trực tuyến

Chương trình giảng dạy trực tuyến bắt đầu cách đây 5 tuần khi giáo sư Ernest Talarico PhD, chuyên gia giải phẫu từ Chicago (Mỹ), dạy giải phẫu mỗi buổi sáng trong tinh thần tư duy phê phán áp dụng vào chẩn đoán và điều trị. GS Talarico đưa ra nhiều ví dụ và thách thức sinh viên với nhiều câu hỏi.

Cuộc thảo luận bằng tiếng Anh thật sôi nổi và tràn đầy hứng thú vì các sinh viên y Tân Tạo tương tác bằng cách trả lời và hỏi ngược lại.

Vào lúc 21h từ Merrillville, Indiana (Mỹ) tứ là 9h sáng tại Việt Nam, tiến sĩ Ernest Talarico Jr nói chuyện với các sinh viên y khoa năm thứ 3, hướng dẫn cách học y khoa trực tuyến

Vào lúc 21h từ Merrillville, Indiana (Mỹ) tứ là 9h sáng tại Việt Nam, tiến sĩ Ernest Talarico Jr nói chuyện với các sinh viên y khoa năm thứ 3, hướng dẫn cách học y khoa trực tuyến

Trong suốt hai tuần qua, mỗi buổi sáng, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thảo, giáo vụ bộ môn sản, hướng dẫn sinh viên xác định chính xác các chi tiết chính hoặc thông tin quan trọng mà các bác sĩ trẻ cần nhớ, khi đứng truớc một vấn đề của bệnh nhân.

Thông qua ứng dụng dạy học trực tuyến, tất cả các sinh viên đều có cơ hội để thảo luận, đặt câu hỏi và nhận xét. Như vậy phương pháp học Bedside Teaching của các trường y trên thế giới được áp dụng tối uư và rất hữu ích dù các sinh viên chưa thể thực hành tại bệnh viện trong thời gian này.

Để linh động hơn và đảm bảo cho phương pháp học hiệu quả, sáng hôm nay, thứ hai 23-3, thạc sĩ. BS Nguyễn Đình Huấn, giáo vụ và giảng viên bộ môn nhi, đã sắp xếp cho các sinh viên báo cáo và biện luận lâm sàng trực tuyến một ca bệnh nhi sơ sinh.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, chủ nhiệm bộ môn, chủ trì buổi giảng từ Bệnh viện Nhi Đồng 2; trong khi đó, cách một nửa vòng trái đất, tại thành phố Hobart, bang Indiana, TS BS Sudish Chandra, chuyên gia bệnh sơ sinh, góp ý phương pháp chẩn đoán và điều trị theo cách nhìn của một BS Hoa Kỳ.

Như vậy với ứng dụng học và dạy trực tuyến, các sinh viên y được học lý thuyết, tiếp thu thêm nhiều cách tiếp cận, góc nhìn từ các giáo sư đầu ngành Việt Nam. Bên cạnh đó, các giáo sư Hoa Kỳ như GS Peter Singer – từng giữ chức chủ tịch của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ – cũng thảo luận ca lâm sàng với sinh viên y như GS vẫn làm vào mỗi sáng thứ tư hàng tuần từ hơn một tháng nay.

Chia nhỏ nhóm thảo luận

Ngoài việc học trực tiếp trên các ca lâm sàng, sinh viên y cũng được tiếp cận gần hơn với những cập nhật mới nhất của y khoa thế giới nhờ có cơ hội làm việc và trao đổi với các giáo sư nổi tiếng trong ngành.

Chẳng hạn, GS Kenneth Rosenfield (Đại học Harvard) đã hướng dẫn và cập nhật thông tin mới nhất về thuyên tắc phổi cho khoa y Trường ĐH Tân Tạo. Ngày 27-3, GS Andy Nghia Nguyen, từ khoa y McGovern, ĐH Texas tại Houston sẽ giảng dạy mỗi thứ Sáu trong 8 tuần về huyết học lâm sàng cho sinh viên y Tân Tạo và hơn 800 sinh viên BS từ các trường y và bệnh viện trên toàn quốc.

BS Andy Nguyen sẽ trình bày vấn đề với tinh thần tư duy phê phán và thực tế trong chẩn đoán và điều trị. Cách nhìn này rất đặc trưng của nền y học Hoa Kỳ.

Theo GS Nguyễn Ngọc Thạch – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, việc học trực tuyến là cần thiết trong giai đoạn này. Hình thức học này vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, cũng như đem đến về sự linh hoạt về thời gian cho giảng viên lẫn học sinh.

GS Thạch so sánh: với phương pháp học truyền thống, một nhóm gồm 20 sinh viên thực tập tại bệnh viện, đây là một thách thức rất lớn cho giảng viên cần nói to để mọi sinh viên có thể nghe mà cùng hiểu và tích cực tham gia học tập. Nhưng, nhờ vào cách học trực tuyến, sinh viên có thể dễ dàng nêu ý kiến cho cả lớp cùng nghe và thảo luận.

Để hình thức thảo luận ca lâm sàng hiệu quả nhất, sinh viên được chia thành mỗi nhóm nhỏ thảo luận cùng với các giáo sư đầu ngành và các bác sĩ trong nước và Hoa Kỳ. Điều đó giúp các em vừa học mà còn nâng cao khả năng tiếng Anh. Trong đó, có các lớp như giải phẫu học, huyết học…

Những ca bệnh lâm sàng cũng được chú trọng để các sinh viên có được những kiến thức thực tế nhất từ bàn học trong lớp đến bên gường bệnh.

Bài giảng sẽ được ghi lại và sau đó được tải lên trên trang web của khoa y ĐH Tân Tạo để sinh viên có thể tải xuống và nghe đoạn ghi âm, nếu họ cần nghe lại một số phần nếu họ bỏ lỡ hoặc chưa hiểu bài. Thông thường ở Mỹ, sau một giờ giảng trong lớp, sinh viên cần 3 giờ ôn tập tại nhà để có thể hiểu và nhớ kỹ bài mới học.

Tài liệu trực tuyến của các giảng viên khoa y ĐH Tân Tạo được truyền tải thông qua ứng dụng online

Tài liệu trực tuyến của các giảng viên khoa y ĐH Tân Tạo được truyền tải thông qua ứng dụng online

Ở khía cạnh người học, sinh viên Vũ Trí Lộc cho biết bản thân mình và các bạn sinh viên rất hào hứng khi tham gia các lớp học online như hiện nay.

“Ngoài việc giúp sinh viên không bị chậm chương trình học, việc học online còn mang tới cho sinh viên cơ hội nâng cao khả năng tiếng Anh và đón nhận góc nhìn về y khoa của các GS hàng đầu tới từ Mỹ”, Lộc nói.

Cơ hội mời giáo sư Hoa Kỳ

GS Nguyễn Ngọc Thạch cho biết phương pháp giảng dạy trực tuyến sẽ được trường tiếp tục triển khai ngay cả sau khi COVID-19 kết thúc. “Với phương pháp này, chúng tôi có thể mời nhiều giảng viên từ Mỹ với chi phí rất phải chăng. Để mời TS Kenneth Rosenfield, từ Đại học Harvard đến VN, vé máy bay có giá ít nhất 5.000 USD và các chi phí từ khách sạn, thực phẩm, xe cộ… Với việc giảng dạy trực tuyến, trường chỉ mất hơn 10% toàn bộ chi phí. Giá rất phải chăng”, ông Thạch nói.

Một vấn đề khác là sự sắp xếp thời gian của các giảng viên Hoa Kỳ. Không phải ai cũng có thời gian để đến châu Á 3 hoặc 4 lần một năm bởi mỗi chuyến đi sẽ mất một tuần, bao gồm 3 ngày trên máy bay. Với định dạng trực tuyến, khoảng cách không gian không còn là rảo cản lớn.

“Có một vấn đề về thời gian. Điểm thuận lợi là các GS Hoa Kỳ có thể dạy một lần một tuần trong nhiều tháng, như vậy nhịp độ tiếp thu của sinh viên sẽ khá hơn. Điểm không thuận lợi là vào thời điểm hiện tại, 20h tại Boston là 9h sáng tại Việt Nam. Để giảng bài vào 9h sáng tại Việt Nam, giảng viên cần thức khuya. Tuy nhiên, nếu lòng đã quyết thì sẽ có cách”, ông Thạch cho biết. Hiện nay, khoa y ĐH Tân Tạo đang tìm cách chiêu sinh tại Ấn Độ, Tích Lan và các nuớc châu Á. Nếu có các GS Hoa Kỳ thì việc dạy bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn.

 

 Nguồn ĐỨC PHONG (tuoitre.vn)