“Nói tiếng Anh như gió” có phải giỏi?

266

Thời niên thiếu tôi “một dại, một khờ, một ngu ngơ” mê tiếng Anh đến độ “tụng” tự điển như “niệm kinh Phật” vì thế cứ học trước quên sau, và học sau quên trước!

Bằng những trải nghiệm hơn nửa đời người du học, làm việc và sinh sống ở Mỹ, TS. Michael Lộc Phạm, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Tân Tạo, Long An chia sẻ với độc giả bí quyết “Làm thế nào để nói tiếng Anh giỏi?”.

Sinh năm 1947, TS. Michael Lộc Phạm tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế, Đại học Luật Sài Gòn năm 1970. Rời Việt Nam, đến Mỹ năm 1971, 2 năm sau Ông bảo vệ thành công luận án Thạc Sĩ Kinh Tế tại Đai học San Francisco & Lincoln khi mới 26 tuổi.

Năm 1988, Ông bảo vệ thành công Luận án Thạc Sĩ Luật Thuế Vụ tại Đại học Golden Gate, Mỹ. Năm 1993, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật tại Đại học Luật San Francisco & Đại học Luật California.

45 năm kinh nghiệm hành nghề Luật sư tại Mỹ, Ông Sáng lập và Điều hành 2 công ty luật tại San Jose, California, Mỹ (Công ty Luật Michael L. Pham và Công ty Tư Vấn Thương Mại Quốc Tế).

Ông là tác giả của cuốn sách “Doanh Nhân Hoàn Hảo – Người Là Ai?” và là Nhà Sáng lập chương trình huấn luyện về Doanh Nhân tại Công ty IBCN – Hoa Kỳ cho sinh Viên Việt Nam tốt nghiệp tại đại học nước ngoài với mục đích thu hút nhân tài phục vụ quê nhà.

Nói Tiếng Anh phải quên Tiếng Việt!

Tiếng Anh không có quy luật đánh vần như tiếng Việt, nên phải học phát âm từng chữ một cho chuẩn. Khi phát âm tiếng Anh, sinh viên thường mắc lỗi dùng những âm của tiếng mẹ đẻ. Thí dụ chữ “it”, “bit” thường được người Việt phát âm là “ít” và “bít”, trong khi tiếng Anh Mỹ nên phát âm là “iết”, “biết”; Chỉ phát âm là “bít” trong trường hợp “beet” hay “beat”. Có nhiều chữ Anh phát âm không có âm tương đương bằng âm Việt. Thí dụ chữ “little”, chữ này vần cuối phát âm tổng hợp giữa ba chữ “tđl” đọc nhanh thì chỉ còn “liếtđl”.

“Tụng” tự điển như “niệm kinh Phật”

Khi đã phát âm chuẩn, các bạn còn phải nhấn cho đúng âm tiết của từ nữa. Bạn nhấn nhầm thì có thể người ta không hiểu hoặc hiểu sang chữ khác. Thí dụ chữ “desert” nghĩa là “rời bỏ” nhấn mạnh ở đơn vị “sert”. Nếu bạn nhấn mạnh ở đơn vị “de” thì họ hiểu là bạn muốn nói tới sa mạc.

Nói về học từ vựng tiếng Anh, thời niên thiếu tôi “một dại, một khờ, một ngu ngơ” mê tiếng Anh đến độ “tụng” tự điển như “niệm kinh Phật” vì thế cứ học trước quên sau, và học sau quên trước. May mắn nhớ được một số từ, nhưng không biết cách dùng hay dùng không đúng chỗ, đâm ra khi nói câu văn tuy dài nhưng ý nghĩa rất vớ vẩn. Sau này, trình độ tiếng Anh khá hơn, tôi biết một chữ có nhiều nghĩa, dùng không đúng chỗ có khi mang ý nghĩa “nhảm nhí” là đằng khác. Như vậy, tôi khuyên các bạn nên đọc thật nhiều sách tiếng Anh, nhất là tiểu thuyết xem tác giả sử dụng từ đó như thế nào trong câu và trong tình huống ra sao để tránh trường hợp tôi vừa nói.

Nói tiếng Anh như gió, tiếng có tiếng không!

Sau khi phát âm chuẩn, dùng từ chính xác, nói lên làm sao cho hay đây? Muốn nói cho hay thì phải sắp xếp ý tưởng cho mạch lạc, lời nói phải “du dương” như tiếng hát. Khi đã luyện phát âm chuẩn và nhấn đúng âm tiết, bạn cứ nói từ từ và biểu lộ cảm xúc của câu nói, ngữ điệu sẽ tự nhiên xuất hiện. Người ta hay “khen”: “Cô ấy nói tiếng Anh như gió!” nhưng tôi lại hiểu theo nghĩa ngược lại “nói tiếng Anh như gió, tiếng có tiếng không!” Nói nhanh sẽ mắc rất nhiều khuyết điểm và đáng chê hơn là khen. Thứ nhất phát âm sẽ không chuẩn, thứ hai nhấn sai âm tiết và thứ ba ngữ điệu “lạc lối”. Đơn giản nhất là chữ “world” phải phát âm hết tất cả các chữ “rld”, nếu phát âm nhanh mà chưa vững thì sẽ tắt ở chữ “wor” và rất dễ bị hiểu nhầm sang chữ “war” là chiến tranh.

Tôi có một anh bạn học gốc Huế đã biểu diễn “nói tiếng Anh giọng Huế” cả câu nói là: “When you drive to the next stop-light, please take the right turn”. Ngoài cách anh lên xuống theo giọng Huế anh còn phát âm chữ “right turn” thành “rải tơn”. Khiến tôi được một trận cười vỡ bụng! Vì vậy, khi nói tiếng Anh bạn đừng đánh dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, bạn nhé!

Bí quyết nói hay như Winfrey Oprah

Sự duyên dáng của người nói còn thể hiện ở tài nói lưu loát, hùng biện và sức hút. Thứ nhất, phải biết sắp xếp ý tưởng để truyền đạt đến người nghe một cách nhanh nhất. Những ý tưởng đó lại được đúc kết bởi kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm cuộc sống, đây chính là linh hồn của câu nói. Sau đó, nhờ giọng nói quyến rũ trời cho sẽ khiến thính giả của bạn có cảm tình ngay. Tôi nhắc lại lần nữa, nói cũng như hát, phải luyện tập từng chữ, hiểu ý nghĩa, phát âm “tròn vành rõ chữ”, lên bổng xuống trầm cho có tình cảm. Những ý tưởng mới lạ đôi khi cả sự hài hước được dùng đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo thêm nét duyên dáng của lời nói.

Chấp nhận cái tương đối

Những người nhập cư vào nước Anh hoặc Mỹ dù có sinh sôi nảy nở bao nhiêu đời ở đó, họ nói tiếng Anh vẫn khác người bản địa. Thí dụ con cháu người di dân Việt Nam sinh ở bên Mỹ nếu không kết hôn với người da trắng thì con họ nói tiếng Anh vẫn khác người da trắng, người Mỹ gốc Mexico, gốc Á, Phi nói tiếng Anh cũng vậy. Theo nhân chủng và di truyền học, sự cấu tạo cổ họng khác nhau nên sắc tiếng tạo ra giọng nói sẽ khác nhau. Điều này cũng không sao, miễn nói đạt chuẩn mức của phát âm, âm tiết, âm điệu là được rồi!

Lời kết

Tôi cũng phải nhấn mạnh tôi không phải là người nói tiếng Anh giỏi và hay vì đôi khi tiếng Anh của tôi nói vẫn còn phảng phất “mùi nước mắm pha chanh đường” dù đã sống ở Mỹ hơn nữa đời người vì thế, phải học suốt đời bạn à! Ông Bà ta đã dạy: “học ăn, học nói, học gói, học mở!”

Tác giả: TS. Michael Lộc Phạm

Nguồn Kenh 14