TS Nguyễn Đình Đăng – “Hãy tưởng tượng”

289

Ngày 29 tháng 10 năm 2014 TS Nguyễn Đình Đăng từ Viện nghiên cứu vật lý và hóa học (RIKEN) Nhật Bản đã đến thăm và thuyết trình tại Đại học Tân Tạo. Trong buổi nói chuyện mang chủ đề “Lựa chọn khoa học và nghệ thuật“, với tư cách một nhà vật lý kiêm nghệ sĩ, ông đã chia sẻ về sự nghiệp của mình trong gần 35 năm sống tại Nga, Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

TS Nguyễn Đình Đăng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thời chiến tranh Việt Nam. Năm 1976 ông dành được học bổng du học tại Đại học Quốc gia Maxcơva, Liên Xô cũ, và tốt nghiệp vào năm 1982. Năm 1985 ông bảo vệ luận án tiến sĩ về lý thuyết hạt nhân, năm 1990 ông nhận bằng tiến sĩ khoa học về vật lý và toán, học vị cao nhất của Liên Xô Cũ (nay là Nga). Sau vài năm làm nghiên cứu tại Châu Âu và Việt Nam, ông đến Nhật vào năm 1994, tại đây ông đã làm việc tại Viện nghiên cứu vật lý và hóa học (RIKEN) trong suốt 20 năm qua.

Bên cạnh công việc là một nhà vật lý hạt nhân lý thuyết, ông còn là một nghệ sĩ, hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên hội Mỹ thuật Chủ thể Nhật Bản. Tranh sơn dầu của ông đã được trưng bày tại nhiều triển lãm cá nhân và tập thể tại Việt Nam, Nga, Italia và Nhật Bản, cũng như có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân tại Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ. Ông đoạt một số giải thưởng hội họa trong đó có giải thưởng “Nghệ sĩ xuất sắc đang nổi lên” của quỹ Mỹ thuật Sompo-Japan, Nhật Bản.

Nguyen Dinh Dang
The forgotten giant locusts (2010)
oil on canvas, 130 x 162 cm

Trong suốt buổi nói chuyện, thông qua những bức hoạ của mình, TS Nguyễn Đình Đăng đã chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm về nghiên cứu khoa học cũng như nghệ thuật. Một số chia sẻ quý báu đó đã được chúng tôi ghi lại:

Giáo dục của nhà trường không thể thay thế được giáo dục của gia đình và việc tự học.

Theo lời kể của tiến sĩ, song thân của ông là những trí thức Việt Nam hàng đầu thời bấy giờ. Cha ông là một cử nhân toán học tốt nghiệp tại Đại học Sorbonne (Paris), mẹ tốt nghiệp chuyên khoa nhi tại Đại học Y khoa Paris. Cha mẹ ông hồi hương năm 1954, mẹ ông trở thành nữ bác sĩ đầu tiên ở Hà Nội.

Chính vì thế ngay từ nhỏ TS Nguyễn Đình Đăng đã được nhận một nền giáo dục rất tốt từ gia đình. Ông được học những kiến thức văn chương, nghệ thuật và âm nhạc. Từ kinh nghiệm của bản thân ông khẳng định rằng: “Giáo dục của nhà trường không thể thay thế được giáo dục của gia đình và việc tự học“.

Tự tin vào khả năng của bản thân và điều mình theo đuổi.

Chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với các bạn trẻ, ông nhắc lại lời của Giáo sư Akito Arima, nhà vật lý lý thuyết hạt nhân danh tiếng Nhật Bản, nguyên chủ tịch viện RIKEN và nguyên bộ trưởng Giáo dục – Khoa học – Công nghệ Nhật Bản: “Bạn đừng bao giờ bỏ cuộc, kể cả khi người khác phê phán bạn” – điều này rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Ông giải thích thêm: “Nghiên cứu khoa học là tìm ra cái mới, chắc chắn sẽ có vài người hoặc thậm chí nhiều người phê bình bạn vì đó là bản chất của xã hội con người, nhưng nếu vì những phê bình đó mà bạn nản chí thì sẽ không bao giờ làm được điều bạn muốn. Đó cũng là sự thử thách tính kiên trì của các bạn. Chính vì thế tự tin vào khả năng của mình và điều mình theo đuổi là điều rất quan trọng không chỉ trong nghiên cứu mà cả trong mọi việc khác“.

Thời du học tại Nga – Quyết tâm tự học vẽ.

Ngay từ năm lên 4 tuổi TS Nguyễn Đình Đăng đã bắt đầu thể hiện đam mê vẽ. Ông có thể đứng vẽ hàng giờ liền trước tấm bảng đen hoặc ngồi vẽ trên trên giấy thậm chí cả trên sân nhà. Ngoài ra ông còn mê chơi piano và từng tham gia trình diễn trong các buổi hòa nhạc hàng năm do trường nhạc Yamaha tổ chức tại Ima Hall ở Tokyo.

Đối với ông Maxcơva không chỉ là một trường học lớn trong khoa học tự nhiên mà còn cả trong nghệ thuật. Chính tại đây ông đã lần đầu được chiêm ngưỡng những kiệt tác nguyên bản của các danh họa nổi tiếng tại các viện bảo tàng của Nga.

Ông đã dành phần lớn thời gian nghỉ hè và nghỉ đông để vẽ tranh. Sau khoảng hai năm, ông đã mang tranh tới cho một vị giáo sư tại Đại học Mỹ thuật Surikov, Maxcơva và nhận được một lời đề nghị: nếu từ bỏ vật lý thì ông sẽ được giúp đỡ để trở thành một họa sĩ lớn. Mặc dù ông không thể bỏ vật lý, lời đề nghị đó đã khích lệ ông rất nhiều, chính vì thế ông đã quyết tâm tự học vẽ. TS Nguyễn Đình Đăng chia sẻ: “Lúc đó tôi thật sự không quan tâm lắm đến việc có thể trở thành một họa sĩ lớn hay không mà chỉ thấy rằng mình có một niềm đam mê lớn đối với hội họa“. Sau đó ông thường vào bảo tàng chép tranh, tham gia các câu lạc bộ vẽ vào buổi tối và tìm đọc các sách về hội họa.

Nếu chỉ dựa vào cảm hứng thì đó chưa phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Khi vẽ, không nên chỉ ỉ lại vào cảm hứng. Nếu chỉ đợi khi nào có cảm hứng mới vẽ thì đó chưa phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bạn phải vẽ ngay cả lúc bạn không có cảm hứng. Kể cả trong khi bạn làm việc tưởng chừng như một người thợ, cảm hứng sẽ xuất hiện. Lời khuyên của ông là: có thể giải quyết tình trạng bí ý tưởng bằng cách thay đổi trạng thái hoạt động như đọc sách, đi dạo hay đi du lịch…Tuy nhiên không nên nản chí. Đừng đợi khi cảm hứng xuất hiện rồi mới làm mà nên có kỷ luật làm việc một cách đều đặn.

Hãy tưởng tượng.

Kết thúc bài nói chuyện, tiến sĩ nhấn mạnh “Hãy tưởng tượng.” Ông nhắc lại câu nói của Albert Einstein: “Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức“. “Kiến thức có thể cũ đi, có thể sai nhưng nếu các bạn không có trí tưởng tượng các bạn không thể tìm ra được cái mới“, TS Nguyễn Đình Đăng khẳng định.

Lê Chi – TTU Media