GS Thạch Nguyễn: Người Thầy đáng kính

220

“Người đóng góp lớn cho tim mạch Việt Nam” – Đó là sự tri ân mà PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) dành cho GS Nguyễn Ngọc Thạch (thường được gọi là GS Thạch Nguyễn).

GS Thạch Nguyễn – người đã có những đóng góp lớn lao, “khai sáng” và thúc đẩy sự phát triển vượt bậc cả về trình độ chuyên môn lẫn phương pháp đào tạo cho nhiều thế hệ bác sĩ tim mạch can thiệp nước ta từ những ngày đầu còn rất sơ khai. Giờ đây, cùng với sứ mệnh “khai sáng”, vị GS đáng kính ấy lại viết tiếp vào đời mình sứ mệnh “trồng người”…

 Người đã có những đóng góp lớn cho tim mạch can thiệp Việt Nam

 

Ảnh: Sinh viên Y khoa năm I – TTU đặt câu hỏi giao lưu dành cho GS.Kenneth Resenfield – GS. Thạch Nguyễn.

Mùa thu năm 1997, theo đề xuất và sự sắp xếp của GS Thạch Nguyễn, 1 phái đoàn gồm các bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực Tim mạch can thiệp Mỹ đã đến Hà Nội để hướng dẫn, hỗ trợ, huấn luyện đội ngũ bác sĩ những kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Họ giảng dạy bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”: cứ một chuyên gia Mỹ hướng dẫn một bác sĩ Việt Nam thực hiện từng kỹ thuật cụ thể trên lâm sàng. Có thể nói, đây là phương pháp giảng dạy vô cùng hiệu quả, nhờ đó, “mà nền y học nước nhà giờ đây có thêm nhiều thế hệ bác sĩ tim mạch tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có thể làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt giá đỡ stent, đốt điện trong buồng tim, đóng các lỗ thông bẩm sinh trong buồng tim”.Cuộc gặp gỡ của 2 tư tưởng lớn

 GS Thạch Nguyễn, trong nhiều cơ duyên của cuộc đời, đã gặp gỡ Nhà sáng lập Trường ĐH Tân Tạo (TTU).

 Hai tư tưởng lớn gặp nhau, cùng chung 1 khát khao mãnh liệt: muốn đem tất cả những gì tốt đẹp nhất về cho đất nước, muốn đưa tinh hoa của thế giới về truyền thụ cho thế hệ trẻ Việt Nam, muốn đào tạo cho nước nhà những hế hệ bác sĩ tương lai có trình độ chuyên ngành được Hoa Kỳ và thế giới công nhận.

 Cuối tháng 10 năm 2016, GS Thạch Nguyễn chính thức trở thành Trưởng khoa Y đa khoa, TTU. Ông tâm sự: “Có nhiều nguyên cớ để tôi đồng ý nhận sứ mệnh quản lý giáo dục này. Trước hết, do nhân duyên giữa tôi và Nhà sáng lập ngôi trường này. Tôi cảm phục con người luôn suy nghĩ về đất nước, về thế hệ trẻ. Tôi cũng đồng tình quan điểm cho rằng, người Việt Nam giỏi nhưng ít cơ hội học hỏi và chứng minh bản thân trước thế giới. Tôi yêu quý những tài năng đang dần đến độ chín và không muốn các em bị chậm lại, dù chỉ một phút, tiến trình học tập và làm việc”. Thế nên, một người xưa nay chỉ “nói ít, làm nhiều”, coi phòng nghiên cứu là nhà đã nhận lãnh trách nhiệm “trồng người” với tất cả sự nhiệt thành và tận tụy.

 Tâm huyết đào tạo các bác sĩ tài – đức cho nước nhà

 Hơn ai hết, GS Thạch Nguyễn hiểu rõ vì sao Mỹ là “thánh địa” sản sinh những nhà nghiên cứu, những phát minh khoa học có tầm ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Một trong những nguyên nhân chính nằm ở phương pháp giáo dục. Các sinh viên được hướng dẫn “Làm sao học Y theo phương pháp của Mỹ”, học cách tư duy kiểu Mỹ “luôn tìm tòi và tạo ra cái mới”, “đi thẳng vào vấn đề và giải quyết đến cùng”, coi trọng sự tương quan và phối hợp giữa các kiến thức về giải phẫu, sinh lý, bệnh lý với các bệnh án hay tình huống cụ thể. Các em vừa “học tập qua ca bệnh”, vừa được các giáo sư, giảng viên “cầm tay chỉ việc” từ những điều đơn giản nhất; được thầy “làm gương” cả trong cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân lẫn đạo đức nghề nghiệp. Mỗi lần có đoàn bác sĩ Hoa Kỳ đến khám bệnh miễn phí cho người dân Long An, GS Thạch Nguyễn đều thông báo rộng rãi tới toàn thể sinh viên khoa Y và khích lệ các em đóng góp sức mình với tư cách phiên dịch viên, trợ lý bác sĩ. Thầy mong muốn các bác sĩ tương lai học được cách cảm thông và chia sẻ với bệnh nhân qua những hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa như thế, bên cạnh việc được nâng cao khả năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ.

 Những ngày giữa tháng 10.2016, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin: “Sinh viên Việt Nam được trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị Tim mạch thế giới. Đó cũng là 3 người trẻ tuổi nhất Hội nghị, duy nhất đại diện Việt Nam tham dự sự kiện trọng đại này”. 3 sinh viên ưu tú được vinh danh chính là những học trò xuất sắc của GS Thạch Nguyễn tại khoa Y, Đại học Tân Tạo. Chính họ, nhờ mỗi ngày được Thầy “truyền lửa”, đã hun đúc thêm ý chí và kiên định niềm tin: “lựa chọn vào ngành y là đúng đắn” !