Từ tháng 11/2017, “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, được khởi động tại các trường THPT trên địa bàn TP. HCM.
Hơn 10.000 học sinh thuộc các trường: THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), THPT Lê Hồng Phong (quận 5), THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), THPT Ngô Quyền (quận 7), trường Marie Curie (Quận 3)… sẽ được lắng nghe các chuyên gia tư vấn, các vị giáo sư, tiến sĩ chia sẻ về những kỹ năng để học sinh hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được cho là những kiến thức cần thiết cho các em học sinh trước ngưỡng cửa bước chân vào đại học của mình.
Những ước mơ đang chắp cánh
Ngô Ánh Linh (Trường Bùi Thị Xuân) cho biết từ nhỏ em đã có ước mơ trở thành công an. Để đam mê trở thành hiện thực, nữ sinh tìm hiểu nhiều thông tin về nghề này, cố gắng học văn hóa thật tốt và học võ để rèn luyện thể chất. Ánh rèn khả năng tư duy nhanh nhẹn bằng cách tính, giải những bài toán khó, nhưng bạn cho biết bản thân vẫn chưa đủ tự tin vì chưa biết mình còn thiếu những kỹ năng gì.
Trong khi đó, xuất phát từ thực trạng phim hoạt hình Việt Nam chưa bắt kịp với nhiều nước trên thế giới, Lương Duy Khang mong muốn đóng góp cho nền điện ảnh hoạt hình nước nhà phát triển hơn. Khang đang tìm hiểu về nền công nghiệp 4.0 và bạn cho biết, không phải bạn học sinh nào cũng biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?
Bên cạnh đó, không ít trường hợp học sinh lớp 12 vẫn chưa định hình được ngành nghề bản thân sắp lựa chọn. Có bạn chia sẻ do bản thân khá mơ hồ về những nghề nghiệp mà mình tìm hiểu, không đánh giá được cơ hội việc làm trong tương lai thậm chí các bạn cũng không rõ mình sẽ làm gì, là ai, như thế nào trong tương lai sắp tới.
Ngô Ngọc Tú Vi (trường THPT Thanh Đa) tỏ ra băn khoăn: “Mỗi cá nhân chúng em đều có những ước mơ riêng, tuy nhiên khi còn trên ghế nhà trường chúng em phải làm gì để trở thành công dân toàn cầu để nhanh chóng thực hiện những ước mơ của mình?”.
Hết lòng định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Theo ông Hà Thanh Tân (Giám đốc truyền thông và tuyển sinh trường ĐH Tân Tạo), việc tư vấn hướng nghiệp, xác định rõ con đường đi cho các em học sinh là cần thiết, nhất là học sinh lớp 12 đang có nhu cầu tìm hiểu về các ngành nghề và lựa chọn cánh cửa vào đại học cho mình.
Theo ông Tân, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai ở nhiều ngành nghề con người sẽ bị thay thế bởi máy móc, bên cạnh những thuận lợi còn mở ra những thách thức mới. Do đó đòi hỏi con người phải sáng tạo, phát triển hơn nữa, làm được những điều mà máy móc không làm được, nhất là trong những ngành nghề mà máy móc ít tiếp cận đến như du lịch, nhân văn.
Ông Tân cũng nhận định rằng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết người trẻ phải là những công dân toàn cầu. “Không phải cứ ra nước ngoài học tập mới là công dân toàn cầu. Du học chỉ tạo điều kiện trong việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ và học cách tư duy sáng tạo của những nước tiên tiến. Ngay tại Việt Nam, các em vẫn có thể hội nhập để trở thành những công dân toàn cầu”, ông Tân nói.
Mã hóa công thức công dân toàn cầu
Công dân toàn cầu là thuật ngữ không còn xa lạ với người học trong thời đại công nghệ 4.0. Nhưng không phải người học nào cũng biết cách mã hóa bản thân để trở hành một công dân toàn cầu.
Trước những thắc mắc của học sinh trong trường rằng bằng cách nào để ngay tại sân nhà vẫn có thể tự tin hội nhập với thế giới trong guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Tân khẳng định, các em phải học cách thế giới đang học. Hình thức du học tại chỗ và giáo dục khai phóng có thể giúp người học tiếp cận được với tư duy đặt vấn đề và suy nghĩ của các nước tiên tiến. Đặc biệt giáo dục khai phóng là phương pháp phổ quát nhất ở Mỹ, đào tạo theo hướng đa diện ở tất cả các môn học từ văn hóa, xã hội đến chuyên ngành, không đơn thuần là đơn diện như giáo dục truyền thống. “Tức là học một ngành vẫn có thể làm được nhiều nghề. Học kinh tế vẫn có thể làm được truyền thông, kinh doanh hay marketing”, ông Tân cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Tân, dù bất cứ hình thức nào, khi đã xác định hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người học cần phải xác định được rõ mục tiêu của mình, chủ động và cầu thị trong tinh thần tự học. “Các em phải biết được đam mê của bản thân là gì, thế mạnh là gì, kỹ năng biến những điểm yếu thành điểm mạnh, trang bị vốn ngoại ngữ. Đó chính là công thức để hội nhập”, ông Tân nhắn nhủ.