Với mô hình giáo dục khai phóng và điều kiện thực tập tối ưu, sinh viên Y khoa Đại học Tân Tạo đặc biệt được chú trọng bồi dưỡng tính nhân văn, khả năng diễn đạt để trở thành những người bác sĩ đủ đức lẫn tài trong tương lai.
Phỏng vấn trực tiếp thí sinh đầu vào
Tại Mỹ và các nước phương Tây, các thí sinh ngành y ngoài việc phải đạt điểm tuyển sinh còn phải vượt qua một vòng phỏng vấn để đánh giá tính cách của thí sinh có phù hợp với việc làm bác sĩ không. Tại Việt Nam, Khoa Y thuộc Đại học Tân Tạo đã thực hiện rất tốt khâu tuyển sinh này. Mỗi thí sinh khoa Y đều viết một bài luận ngắn về bản thân và được phỏng vấn trực tiếp để đánh giá tính nhân văn, nhạy bén, bền bỉ và khả năng chịu được áp lực công việc cứu người.
Tiếp xúc với môi trường quốc tế
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bác sĩ cũng như bất kỳ ngành nghề nào trong thế giới toàn cầu hóa, họ phải được tiếp xúc với nền y học tiên tiến để nâng cao hiểu biết, trình độ của bản thân. Để thực hiện điều đó, sinh viên Y khoa Đại học Tân Tạo đã được tiếp xúc với các bác sĩ quốc tế từ năm thứ nhất, đến năm thứ 3 các sinh viên đủ điểu kiện sẽ được gửi sang Mỹ thực tập.
Vũ Mạnh Dũng, sinh viên Y khoa Đại học Tân Tạo vừa hoàn thành khoá thực tập lâm sàng tại trường Y Wonju của Đại học Yonsei (Đại học Top 1 của Hàn Quốc) chia sẻ: “Tim mạch là một trong những khoa bận rộn nhưng lại chăm sóc sinh viên rất kỹ, tại đây có các chuyên ngành: Y khoa tổng quát, rối loạn chuyển hoá, can thiệp loạn nhịp, và chẩn đoán hình ảnh. Tuy các chuyên ngành với từng tên gọi rạch rọi nhưng luôn thống nhất với nhau. Một bệnh nhân luôn có nhiều hơn hai bác sĩ với chuyên môn khác nhau đến thăm khám để đảm bảo tính toàn diện và tránh bỏ sót. Đối với sinh viên, những bác sĩ tại đây luôn là những bậc thầy đáng kính, những lần trình ca lâm sàng, không phải một mà hầu hết bác sĩ trong khoa đều có mặt để chỉ ra từng điểm tốt cũng như mặt còn hạn chế khi khai thác trong mỗi phần khác nhau như bệnh sử, tiền căn, các xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị. Có những buổi sinh viên có mặt lúc 4 giờ sáng đo điện tâm đồ hay cho bệnh nhân để kịp giờ bác sĩ thăm khám, đi theo các bác sĩ với thời tiết xấp xỉ 10 độ C tại Hàn Quốc, tay chân lập bập nhưng mọi người vẫn hào hứng vì biết mình sẽ có thể cứu giúp thêm một mạng người nữa. Thực sự đó là một trải nghiệm khó quên”.
Vũ Mạnh Dũng (thứ 3 từ trái sang) cùng các thực tập sinh Hàn Quốc tại Đại học Yonsei
Rèn luyện y đức khi đi thực tập
Hoàng Quốc Bảo (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) và nhóm sinh viên Y khoa Tân Tạo dùng cơm tối với GS. Ngô Bảo Châu trong kỳ thực tập tại Hoa Kỳ năm 2016
Hoàng Quốc Bảo, sinh viên Y khoa Đại học Tân Tạo đã thực tập tại Bệnh viện St Mary, Hoa Kỳ vào năm 2016 nói: “Tại Mỹ, bác sĩ phải giới thiệu bản thân cho bệnh nhân, giải thích các thủ thuật phải thực hiện. Sau đó, bác sĩ sẽ tóm tắt và kết luận mọi thứ với người bệnh. Khi làm bệnh sử và khám bệnh bác sĩ cần phải đặc biệt chú ý tới cảm xúc của người bệnh để cho họ cảm thấy thoải mái nhất”.
Bảo chia sẻ: “Sau chuyến đi em cảm thấy rất vui sướng vì những gì mình đã học được và thêm quyết tâm theo đuổi ngành y”.
Sinh viên Đỗ Hoàng (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị SCAI ở New Orleans trong chuyến sang Mỹ thực tập từ tháng 5/2017
Đỗ Hoàng, sinh viên Y Tân Tạo hiện đang thực tập tại Bệnh viện Saint Marry, Hoa Kỳ. chia sẻ: “Điều làm em ấn tượng nhất trong quá trình thực tập tại Hoa Kỳ đó là cách bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ luôn luôn để bệnh nhân được nói những gì họ muốn. Điều này làm cho bệnh nhân cảm thấy như “tôi đã đi khám đúng chỗ, đây là người bác sĩ của tôi” và họ cảm nhận được bác sĩ thật sự quan tâm đến sức khoẻ của họ”.
Thật vậy, đam mê và đạo đức là yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngành Y, bởi trong tay các bạn là sinh mạng của rất nhiều người. Đó cũng là tâm niệm của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas) khi thành lập khoa Y Đại học Tân Tạo. đào tạo ra những thế hệ bác sĩ có tài năng và đức độ, phục vụ cho công cuộc cứu người giúp đời.