Để thôi sợ những “lần đầu tiên”

263

“Lần đầu mình đi nước ngoài, lần đầu sống trong môi trường ‘rặc’ Tiếng Anh, và cũng là lần đầu mình thật sự học được cách để ‘thăng hoa’ từ nỗi sợ những ‘lần đầu’” là những chia sẻ của Duy trong chuyến đi Mỹ thực học lần này.

Đó cũng là cảm nhận chung của năm bạn sinh viên Khoa Kinh Tế và Quản Trị Kinh Doanh Trường ĐH Tân Tạo về chuyến đi kiến tập và thực tập tại Mỹ. Năm sinh viên này gồm Trần Thanh Bình, Nguyễn Huỳnh Minh Duy, Phạm Tiểu My, Phạm Đoàn Nhật Quan và Nguyễn Dương Tri. Với một số trong năm bạn này, đây là lần đầu tiên được đi nước ngoài, và đến Mỹ thì chắc chắn đây là lần đầu tiên. Trong chuyến đi này, các bạn sẽ có thể học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới từ những trải nghiệm mới lạ rất hữu ích để hoàn thiện bản thân.

Sinh viên Khoa Kinh tế & Quản trị Kinh doanh chụp hình lưu niệm cùng Thượng nghị sĩ Joe Pittman và đại diện của các văn phòng khác thuộc Indiana, bang Pennsylvania

Một cộng đồng tự giác đến…lạ

Theo Tri thì cái cách mà những người nước ngoài ở đây hễ gặp nhau là liền ngỏ lời chào, cho dù có quen biết trước hay không có gì đó rất… “nước ngoài”. Cứ theo các tiêu chuẩn của một người đến từ đất nước mà ai thường chỉ lo việc người ấy để đánh giá thì ở Pennsylvania (Hoa Kỳ), người ta thiệt là… lạ.

Nhưng đó lại là một trải nghiệm “dễ thương đến lạ”. Những thái độ cởi mở rất ấm áp này dường như lại chính là những thứ giúp năm sinh viên mới “chân ướt chân ráo” đến Mỹ làm quen và bắt nhịp nhanh hơn trong khoảng thời gian ít ỏi mà họ được ở lại nơi đây.

“Vẻ ngoài đáng mến của mọi người thực sự đã giúp mình tự tin và cởi mở hơn rất nhiều ở một nơi mà cái gì cũng mới như vậy. Mình không thể diễn tả được điều này đã giúp ích cho kỹ năng giao tiếp của mình nhiều như thế nào.” Tri, hiện đang thực tập tại Trung Tâm Phát Triển Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ thuộc Đại học Indiana, bang Pennsylvania chia sẻ.

Nguyễn Dương Tri tại nơi thực tập

Những trải nghiệm “đời thường” này là dịp rất tốt để các “mọt” nuôi dưỡng sự tự tin về chính mình như những người đặc biệt theo cách rất riêng. Sự tự tin này sau đó sẽ trở thành sự hỗ trợ rất đắc lực khi các bạn cần thuyết trình trước đám đông hay trao đổi với khách hàng.

Với Duy thì người Mỹ không chỉ có xe hơi là to thôi, mà họ cũng có trái tim rất rộng nữa. Họ rất có ý thức nhường nhịn và tôn trọng người đi bộ, rất khác với cảnh xe máy leo cả lên lề, chen nhau từng khoảng trống nhỏ nhất.

“Ở đây có rất nhiều giao lộ mà họ không cần phải đặt đèn tín hiệu. Suốt thời gian ở đây, chưa bao giờ mình thấy có chiếc xe nào mà không dừng lại và quan sát kĩ mỗi khi đến giao lộ cần rẽ cả.” Duy, hiện đang thực tập tại Văn Phòng Đại Diện Chính Phủ Bang Pennsylvania Jim Struzzi nói.

Cho dù từ những điều nhỏ nhất như sự tôn trọng trật tự chung trong cộng đồng, hay từ cách đối đãi với nhau rất nồng hậu thì năm bạn sinh viên này, ai cũng đồng ý rằng mình đã học hỏi được rất nhiều điều mới từ những người dân ở nơi đây.

Văn hóa làm việc rất gắn kết nhưng cũng không kém phần độc lập

Nói về công việc tại văn phòng Jim Struzzi, Duy cho biết các công việc đa dạng từ thiết kế poster, tiếp nhận cuộc gọi, kiểm tra các thiết bị điện tử đảm bảo hoạt động trơn tru, phân loại và sắp xếp lịch làm việc, cho đến họp lấy ý kiến cử tri.

“Mình ấn tượng nhất là cách mà văn hóa công sở rất cởi mở và tích cực luôn được củng cố. Ngay cả với một người mới như mình thì vẫn luôn cảm thấy được khuyến khích nói lên ý kiến cá nhân để đóng góp vào mỗi cuộc họp.” Duy nói.

Cách mà mọi người sẵn lòng gác lại công việc đang dang dở của mình để giúp đỡ những người mới, Duy cho biết, cũng làm bạn cảm thấy rất được khích lệ. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là kiểu văn hóa dễ dãi, đánh đổi hiệu suất mà trái lại, mỗi người đều cần phải nhận biết những yêu cầu công việc riêng của mình để phấn đấu và hoàn thành nó tốt nhất. Theo Duy, đây là một nét văn hóa làm việc rất gắn kết nhưng cũng rất độc lập. Được cọ sát với văn hóa làm việc này sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý giá giúp các bạn phát triển cho mình thái độ làm việc chuyên nghiệp về sau.

Nguyễn Huỳnh Minh Duy cùng ông Jim Struzzi

Học cách “làm khung”, không phải học để bị “đóng khung”

Khi các bạn kể về trải nghiệm học môn Academic Research and Writing (Nghiên Cứu và Viết Luận trong Học Thuật) tại Mỹ, có một điểm chung được thường xuyên nhắc lại đó là sự “tự do khám phá”. Thay vì “sao y” từng lời của giảng viên như thông thường, năm sinh viên này học bằng cách thảo luận và trao đổi ý kiến với giảng viên, từ đó tự tìm ra một hướng tiếp cận phù hợp nhất với từng người. Phương pháp học tập này đảm bảo rằng mỗi sinh viên đều có khoảng không gian sáng tạo thiết yếu để phát triển.

Lớp học Academic Research and Writing của Tiến sĩ Henry Webb

Hơn nữa, lớp học này được TS Henry Webb xây dựng theo hướng mà sinh viên luôn nhận được các phản hồi về những gì mà họ đang thực hiện. Phương pháp tiếp cận giảng dạy này đảm bảo các bạn sẽ luôn xây dựng bài học của mình theo định hướng đúng nhất.

“Cứ nghĩ về viễn cảnh phải thuyết trình trước toàn bộ Khoa Kinh Tế Kỹ Thuật trường IUP là mình bủn rủn hết tay chân, Nhưng vậy mà mình càng thấm thía hơn câu ‘vàng thật thử lửa’.” Duy cho biết.

Buổi báo cáo đã diễn ra thành công cùng với sự tham dự của Tiến sĩ Cynthia Streetmatter – Trợ lý Trưởng Khoa Trường Công nghệ và Kinh doanh Eberly

Sinh viên Khoa Kinh tế & Quản trị Kinh doanh chụp hình lưu niệm với các giáo sư của IUP sau phần báo cáo khoa học

Chuyến đi thực học tại Hoa Kỳ lần này của năm sinh viên Khoa Kinh Tế TTU sẽ là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Sau chuyến đi, các bạn chắc chắn sẽ trang bị cho mình thêm vô vàn những kỹ năng mới có được từ một đất nước cách Việt Nam nửa vòng thế giới. Với những trải nghiệm này, như lời Duy thì các bạn sẽ học cách để không phải sợ những “lần đầu tiên” nữa.