Giảng viên Trường Đại học Tân Tạo góp sức vào nghiên cứu quốc tế về giáo dục

630

Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, Hội nghị Quốc tế ASIACALL lần thứ 21 đã diễn ra từ ngày 22-24/12/2024 tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Với chủ đề “Trợ năng cho người dạy: Tích hợp các công cụ trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa việc dạy và học tiếng Anh”, hội nghị quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển tri thức và công nghệ trong bối cảnh toàn cầu.

TS. Đặng Thanh Nhơn – Trưởng Khoa Ngôn ngữ trường Đại học Tân Tạo cùng các chuyên gia và đại diện từ các trường đại học quốc tế tham gia hội nghị

Tại hội nghị, TS. Đặng Thanh Nhơn – Trưởng Khoa Ngôn ngữ trường Đại học Tân Tạo, đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày đề tài “Sự chấp nhận sử dụng AI của sinh viên Việt Nam: Các nhân tố ảnh hưởng chính”. Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả gồm TS. Đặng Thanh Nhơn, TS. Dũng Cao, TS. Mai-Lâm Nguyễn, TS. Trung Nguyễn, TS. Long Nguyễn và TS. Điền Nguyễn.

TS. Đặng Thanh Nhơn trình bày nghiên cứu tại Hội nghị

Nghiên cứu tập trung xác định các yếu tố tác động đến mức độ chấp nhận sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) của sinh viên Việt Nam. Kết quả cho thấy tính hữu ích của AI là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, trong khi những rào cản về nhận thức và kỹ năng vẫn là thách thức cần khắc phục. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong ứng dụng AI, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ sinh viên và nhà trường tận dụng AI một cách hiệu quả để đổi mới giáo dục.

Ban tổ chức trao tặng giấy chứng nhận cho TS. Đặng Thanh Nhơn

Trong những năm gần đây, công nghệ đã và đang thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh. Việc tích hợp AI và các phần mềm hỗ trợ giúp việc dạy và học trở nên thuận tiện, linh hoạt hơn, đồng thời cung cấp nguồn học liệu đa dạng và phong phú.

Nghiên cứu này đã nhấn mạnh tiềm năng của AI trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là khả năng cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Công trình không chỉ là niềm tự hào của trường Đại học Tân Tạo mà còn góp phần định hình tầm nhìn mới cho giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.