Sẽ nhân bản thành công động vật vô tính ở VN

333

Đó là một trong những mong muốn của giáo sư Nguyễn Văn Thuận (Đại học KonKuk, Hàn Quốc) khi chia sẻ về những dự định sắp tới nhân chuyến công tác tại Việt Nam mới đây của mình…

Trước đó, trên các phương tiện truyền thông, giáo sư Thuận đã bày tỏ mong muốn được trở về Việt Nam làm việc. Mặc dù tại Đại học Konkuk, ông đang có một công việc đáng mơ ước đối với nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học.

-Thưa giáo sư (GS), trường Đại học KonKuc có ý kiến gì khi họ biết được ý định trở về của ông?

Giáo sư Nguyễn Văn Thuận: Khi tôi thông báo ý định muốn trở về quê hương thì họ rất thông cảm và đồng tình với quyết định của tôi vì hầu hết các GS trong khoa tôi (Khoa Công nghệ sinh học động vật) là những nhà khoa học trở về từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản sau nhiều năm học và nghiên cứu. Hơn nữa, một nửa trong số các GS trong khoa là thành viên hội đồng khoa học của Hiệp hội Công Nghệ Sinh Học Sinh Sản Châu Á (ARBS) do tôi làm chủ tịch, vì vậy chúng tôi vẫn còn rất nhiều cơ hội để hợp tác và làm việc với nhau trong tương lai.

-Ý định trở về Việt Nam làm việc của GS có từ trước hay chỉ xuất hiện tại buổi nói chuyện của Bộ trưởng Nguyễn Quân với sinh viên của trường KonKuk?

Thực ra ý định trở về của tôi đã có từ trước. Gần đây trong những lần về tổ chức seminar cho các sinh viên Khoa sinh học và công nghệ sinh học tại Tp. Hồ Chí Minh, tôi đã có cơ duyên được gặp và làm việc với trường đại học quốc tế và đại học Tân Tạo. Từ cơ duyên này tôi đã nhận lời mời hợp tác mở bệnh viện điều trị vô sinh của đại học Tân Tạo và tham gia giảng dạy chương trình tiến sĩ tại đại học quốc tế. Nhưng tôi vẫn nói rõ với trường đại học quốc tế là tôi sẽ tiếp tục giảng dạy tại Konkuk. Kinh phí cho việc đi lại sẽ được lấy từ phần tiền lương của cá nhân tôi.

Tuy nhiên chính những tâm sự của các em sinh viên trường đại học Konkuk trước chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Nguyễn Quân đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi và tôi quyết định về hẳn.

-Vậy sao trước đó ông không công bố?

Mặc dù ý định trở về của tôi đã có từ lâu nhưng đó mới chỉ là ý định “đi đi về về” thì công bố làm gì, vì cũng như nhiều nhà khoa học và GS gốc Việt vẫn đang giúp Việt Nam theo cách đó, và họ rất xứng đáng được trân trọng. Đúng, chính những cảm xúc từ các sinh viên của tôi ở Konkuk là động lực lớn nhất để tôi quyết định trở về hẳn. Có lẽ đó là những giây phút xúc động nhất trong thời gian làm thầy của mình, và rất vui là gần đây nhiều em đã có quyết định sẽ về làm việc cùng tôi khi tôi đã xây dựng xong một phòng thí nghiệm vừa đủ để chúng tôi cùng nghiên cứu và đào tạo các thế hệ tiếp theo, việc này tôi đang tiến hành và kêu gọi sự giúp đỡ của cả phía nhà nước lẫn tư nhân.

– Ông cảm thấy thế nào khi ý định trở về của mình nhận được tới 60% lời khuyên của độc giả là không nên về? Những người bạn, đồng nghiệp, đặc biệt là gia đình có ủng hộ cho ý định trở về của ông?

Ở mỗi góc độ khác nhau suy xét một vấn đề, đương nhiên sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên tôi cảm ơn tất cả những lời khuyên và phản biện của bạn đọc, vì chính họ giúp tôi quyết định đúng và quyết tâm hơn. Gia đình của tôi lúc đầu cũng không đồng ý lắm, nhưng cuối cùng bà xã và các con cũng hiểu và ủng hộ đối với quyết định của tôi.

-Những công việc chính ông sẽ làm sau khi trở về Việt Nam là gì?

Hiện nay tôi đang chuẩn bị cho sự ra đời của Bệnh Viện vô sinh Tân Tạo trong sự hợp tác với IVF Nhật Bản và IVF Hàn Quốc. Các chuyên gia IVF Nhật Bản rất tin tưởng chúng tôi sẽ thành công tại Việt Nam và tôi đứng vai trò CEO, đồng thời phụ trách chuyên môn về kỹ thuật phôi cũng như nghiên cứu.

Ngoài ra tôi đã nhận lời mời phụ trách đào tạo chương trình Tiến sĩ về Công Nghệ Sinh học tại Đại học Quốc Tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó tôi cũng sẽ giúp Đại học Tân Tạo thành lập khoa Công nghệ sinh học động vật trong hợp tác với Hiệp Hội Công Nghệ Sinh Học Sinh Sản Châu Á.

Mong ước duy nhất bây giờ của tôi là trong vòng 2-3 năm tới tôi có thể nghiên cứu thành công nhân bản vô tính động vật tại Việt Nam. Vì đây là bước quyết định cho thành công hay không của các nghiên cứu tiếp theo về chuyển cấy gen trên động vật ứng dụng cho sản xuất dược phẩm sinh học “Pharming or green biomedical industry”, và sản xuất nội trạng phục vụ cho cấy ghép nội tạng trên người. Tôi đã thành công công việc này khi đến Hàn Quốc và tôi tin rằng mình sẽ thành công bước đầu tiên này tại quê hương mình.

-Điều kiện làm việc ở Việt Nam chắc chắn nhiều cái không thuận lợi như ở nước ngoài. Thậm chí phải nói thẳng là không bằng. Vậy ông đã chuẩn bị “tư tưởng” cho mình như thế nào?

Nếu chỉ nhìn trên bình diện chung thì đúng là điều kiện vật chất và sự hổ trợ của chính phủ về nghiên cứu và học thuật tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước đã phát triển. Tuy nhiên nhìn kỹ hơn thì chúng ta vẫn thấy những điểm sáng về học thuật của nước nhà và ngày càng có nhiều công bố quốc tế về học thuật đã xuất hiện từ những điểm sáng đó. Chính điều này đã làm cho tôi có niềm tin hơn trong quyết định trở về của mình.

Ngoài ra như các bạn đã biết, tại các nước phát triển, nhà nước chỉ tham gia khoảng 30% tổng đầu tư cho nghiên cứu phát triển, phần còn lại 70% là từ phía các công ty tư nhân. Tôi nghĩ nếu các nghiên cứu của mình có tính thực tiễn và làm ra sản phẩm cho xã hội thì các nhà đầu tư tư nhân chắc chắn họ sẽ nhảy vào đầu tư cho nghững nghiên cứu ban đầu. Việc ứng dụng các kỹ thuật sinh học tiên tiến trong điều trị vô sinh và chẩn đoán sớm bệnh di truyền tại bệnh Viện Vô Sinh Tân Tạo mà tôi đang chuẩn bị là một ví dụ, và nơi đây cũng sẽ là một nơi học tập và nghiên cứu cho sinh viên của tôi sau này.

-Ông kỳ vọng khi trở về sẽ góp sức thay đổi cục diện và tình trạng của nước mình về khoa học như thế nào?

Nói thay đổi cục diện và tình trạng của đất nước về khoa học thì quá lớn lao đối với một mình tôi. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng hết sức mình để truyền đạt cho các em sinh viên trong chuyên ngành của tôi những gì tôi đã được học về chuyên môn trên thế giới. Tôi tin các em sẽ biến Việt Nam thành công như Hàn Quốc ngày nay nếu các em có niềm tin cùng chúng tôi.

-Gần đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết rất cảm động trước tấm lòng và mong muốn trở về của GS. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ KH-CN rất cần và sẽ tạo điều kiện để người tài trở về cống hiến. Vậy phía Bộ đã “trải thảm đỏ” để đón ông về hay chưa?

Qua những nhắn gửi của Bộ Trưởng Nguyễn Quân đến sinh viên, tôi biết Bộ trưởng rất nóng lòng cho sự phát triển của khoa học nước nhà thông qua những chính sách đổi mới gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ. Gần đây hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn kiện dự thảo về những ưu đãi cho các nhà khoa học và chuyên gia người Việt ở nước ngoài trở về làm việc tại quê hương như miễn thuế thu nhập, ưu đãi việc đi lại và nơi ăn chốn ở v.v. và đang chuẩn bị trình chính phủ, mong rằng chính phủ sẽ đồng thuận.

Tôi nghĩ nếu chỉ một phía các nhà quản lý nóng lòng thúc đẩy khoa học đất nước mà thiếu vắng sự hợp tác của các nhà khoa học thì chắn chắn sẽ không thành công. Vì vậy các nhà khoa học đã thành đạt ở nước ngoài nếu muốn thấy đất nước phát triển thì phải có một phần trách nhiệm.

Theo suy nghĩ của một người làm khoa học và đào tạo, tôi nghĩ thảm đỏ không cần thiết lắm, một lời động viên chân tình nhiều khi làm chúng tôi cống hiến nhiều hơn là những thảm đỏ ngắn hạn. Tôi mong rằng những chính sách ưu đãi gần đây sẽ thành hiện thực và sẽ dành cho tất cả những nhà khoa học và chuyên gia thực thụ trở về làm việc cho đất nước, điều đó đã là thảm đỏ đối với tôi rồi.

-Nếu mọi việc thuận lợi, khi nào ông sẽ chính thức về Việt Nam làm việc?

Tôi sẽ chính thức về Việc Nam làm việc từ tháng 3/2013.

-Xin cám ơn giáo sư.

Giáo sư Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1966, tốt nghiệp Tiến sỹ tại Đại học Kobe vào năm 2002. Năm 2002-2007, ông làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Công Nghệ Sinh học thuộc Viện RIKEN, Nhật Bản. Từ tháng 3/2007 đến nay, giáo sư Nguyễn Văn Thuận giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại Đại học Kiến Quốc (Konkuk), Seoul, Hàn Quốc. Hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á.