Sinh viên Đại học Tân Tạo cùng những dự án nghiên cứu khoa học đầu tay

336

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động then chốt luôn được các trường Đại học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đặt lên hàng đầu. Kết quả từ nghiên cứu khoa học chính là những phát hiện mới về kiến thức, về bản chất sự vật, phát triển nhận thức về khoa học thế giới, hoặc sáng tạo ra phương pháp, phương tiện kỹ thuật mới có giá trị cao. Hiện nay, các em sinh viên Việt Nam có rất ít cơ hội được tham gia vào công tác NCKH thực sự – nhất là những dự án quốc tế. Điều này là một thiệt thòi lớn cho thế hệ trẻ nước ta, đặc biệt hơn trong thời điểm hiện tại, Việt Nam lại đang thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao được quốc tế công nhận cho các ngành kỹ thuật, công nghệ cũng như khoa học ứng dụng. Nhận thấy được nhu cầu bức thiết đó, Trường Đại học Tân Tạo luôn hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, việc tham gia trực tiếp vào một dự án khoa học không chỉ giúp cho các bạn sinh viên đào sâu hơn kiến thức đã học mà còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn cũng như từ các giảng viên/chuyên viên nghiên cứu giàu kinh nghiệm. Dự án SEAWEED là một trong những dự án đầu tiên tạo điều kiện như vậy cho các bạn sinh viên nhà trường.

SEAWEED là tên viết tắt của Dự án nghiên cứu thiết bị chuyển hóa năng lượng sóng biển với tiêu chí đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm với mong muốn góp thêm ý tưởng nhằm cung cấp nhu cầu điện cơ bản cho các cộng đồng duyên hải sâu/xa của Việt Nam.
SEAWEED được thiết kế với tiêu chí tái sử dụng các nguyên vật liệu cơ khí có sẵn và khả năng triển khai sử dụng trong nhiều tháng không cần bảo trì. Thiết bị này có tiềm năng lưu trữ một loạt các cảm biến để thu thập dữ liệu từ đại dương (VD: hoạt động sóng, chất lượng nước, nhiệt độ, dòng nước, vv…) và sau đó chuyển đổi năng lượng thu thập để tạo ra điện.

Dự án SEAWEED do Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo thuộc Trường Đại học Tân Tạo (viết tắt là TTU) quản lý. Dự án được vinh dự là một trong ba dự án nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc những trường đại học địa phương tại Việt Nam được tổ chức USAID – chính phủ Hoa Kỳ – tài trợ thông qua chương trình Partnerships of Enhenced Engagement in Research (PEER) năm 2013.
Kết thúc năm hoạt động thứ nhất (tháng 7/2014) dự án được USAID đánh giá cao, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ từ các bạn sinh viên TTU với vai trò là tình nguyện viên và trợ lý nghiên cứu. Đây cũng chính là cơ hội rất tốt để sinh viên nhà trường tham gia chế tạo cơ khí và điện tử, các hoạt động quản lý và quảng bá hình ảnh cho một dự án nghiên cứu khoa học cụ thể. Các công việc này sẽ giúp ích rất nhiều khi các em ra trường.
Đào Minh Hùng, Lê Quốc Khánh, Lê Đình Đam – Sinh viên Khoa Kỹ Thuật TTU –  tham gia dự án SEAWEED với vai trò trợ lý nghiên cứu thuộc Ban Kỹ Thuật. Mới đây, dưới danh nghĩa tình nguyện viên của dự án Lê  Quốc Khánh và Lê Đình Đam là 2 trong số 200 ứng viên xuất sắc tham dự Trường hè khoa học được tổ chức tại  Hà Nội từ 20 đến ngày 22/8/2014.  Các ứng viên được lựa chọn tham gia Trường hè đều có kết quả học tập nổi bật và bước đầu có thành tựu trong nghiên cứu khoa học.

https://www.facebook.com/truonghekhoahocvietnam; http://truonghekhoahocvietnam.wordpress.com/

Dưới vai trò trợ lý nghiên cứu các sinh viên Khoa Kỹ thuật TTU đã hỗ trợ dự án thiết kế 4 phiên bản khác nhau của mô hình SEAWEED và trực tiếp tham gia thử nghiệm tại các bờ biển Tân Thành (huyện Gò Công – Tiền Giang) và Cần Giờ (TPHCM).

h3
Nhóm Kỹ thuật trong buổi thí nghiệm phiên bản đầu tiên của mô hình SEAWEED tại biển Tân Thành, Tiền Giang.
h2
Toàn thể tình nguyện viên dự án và Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thi Thơ – Chủ nhiệm dự án SEAWEED

Trong năm thứ hai của dự án, phiên bản SEAWEED hoạt động tốt nhất sẽ được thử nghiệm lâu dài tại các cộng đồng dân cư ven biển khó khăn đúng như mục tiêu ban đầu mà dự án hướng tới.
Đi cùng với sứ mệnh của tổ chức USAID nhằm viện trợ các nước đang phát triển trên thế giới, dự án SEAWEED ngoài việc hướng đến giải quyết nhu cầu điện năng cơ bản của những vùng kém phát triển, và cộng đồng ven biển xa xôi, SEAWEED còn mong muốn khơi gợi cảm hứng tìm hiểu về năng lượng sạch, ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Theo mục tiêu đó, các bạn sinh viên khoa Kinh tế và khoa Nhân văn & Ngôn ngữ của TTU như Đặng Dương Phương Trúc, Nguyễn Lê Thục Oanh và Lê Thị Thảo Trang đã kết hợp với nhiều bạn sinh viên tại một số trường đại học khác ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công chương trình “SEAWEED Infoshare” tại Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vào tháng 5 năm 2014.

hi
Nhóm tình nguyện viên tại Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vào tháng 5 năm 2014

Chương trình chia sẻ thông tin này đã thu hút hơn 800 bạn học sinh và các thầy cô giáo ở khu vực nông thôn, miền núi. Các em học sinh đã  có cơ hội tìm hiểu chi tiết về mô hình và cách vận hành máy phát điện từ năng lượng sóng biển của dự án SEAWEED như là một ví dụ cụ thể về những nỗ lực nhằm cung cấp điện năng từ các nguồn năng lượng tự nhiên. Bên cạnh đó, các em còn được trang bị thêm kiến thức cơ bản về việc sử dụng năng lượng sạch cũng như ý thức bảo vệ môi trường.

Hiện nay, dự án SEAWEED cùng với sự hỗ trợ từ các bạn tình nguyện viên  đang tổ chức Cuộc thi ảnh “Câu chuyện của năng lượng” –  bước  đầu xây dựng  mối liên hệ giữa học sinh, sinh viên các địa phương với một dự án khoa học.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Tiến sỹ Nguyễn Huỳnh Thi Thơ – Chủ nhiệm dự án – tho.nguyen@ttu.edu.vn
Ông Bùi Nguyên Vọng – Phụ trách kỹ thuật – vong.bui@ttu.edu.vn
Bà Đỗ Hồng Liên – Điều phối viên – lien.do@ttu.edu.vn
Hoặc tại https://www.facebook.com/seaweedproject