Tuyển thẳng đại học phải kết hợp với phỏng vấn trực tiếp

230

ĐH Tân Tạo, Long An vừa mới công bố cơ chế tuyển thẳng năm 2016. Có nhiều ý kiến ủng hộ tuy nhiên cũng không ít người tỏ ra lo ngại vì tính công bằng cũng như chất lượng xét tuyển. Chúng tôi đã tìm gặp TS. Michael Lộc Phạm, Trợ lý Hiệu Trưởng, Trưởng Khoa Kinh tế để làm rõ thêm về vấn đề này.
Sinh năm 1947, TS. Michael Lộc Phạm tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế, Đại học Luật Sài Gòn năm 1970. Rời Việt Nam, đến Mỹ năm 1971, 2 năm sau Ông bảo vệ thành công luận án Thạc Sĩ Kinh Tế tại Đai học San Francisco & Lincoln khi mới 26 tuổi.

Năm 1988, Ông bảo vệ thành công Luận án Thạc Sĩ Luật Thuế Vụ tại Đại học Golden Gate, Mỹ. Năm 1993, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật tại Đại học Luật San Francisco & Đại học Luật California.

45 năm kinh nghiệm hành nghề Luật sư tại Mỹ, Ông Sáng lập và Điều hành 2 công ty luật tại San Jose, California, Mỹ (Công ty Luật Michael L. Pham và Công ty Tư Vấn Thương Mại Quốc Tế).

Ông là tác giả của cuốn sách “Doanh Nhân Hoàn Hảo – Người Là Ai?” và là Nhà Sáng lập chương trình huấn luyện về Doanh Nhân tại Công ty IBCN – Hoa Kỳ cho sinh Viên Việt Nam tốt nghiệp tại đại học nước ngoài với mục đích thu hút nhân tài phục vụ quê nhà.

Ngài Michael Michalak – Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thành Viên Hội đồng sáng lập Đại học Tân Tạo và TS. Michael Lộc Phạm (phải)

PV: Năm 2016, Đại học Tân Tạo (TTU) áp dụng cơ chế tuyển sinh tuyển thẳng đối với nhiều đối tượng, một hình thức tuyển sinh rất mới. Ông có thể cho biết thêm về xu hướng này trong tình hình giáo dục tại Việt Nam?

TS. Michael Lộc Phạm:

Trên thế giới đặc biệt tại các nước có nền giáo dục phát triển thì xu thế này không có gì là mới cả. Tại Việt Nam, đa số các trường đại học hiện đang tuyển sinh theo quy trình ngược, kiểm soát đầu vào và thả lỏng đầu ra.
Việt Nam nên theo xu thế Quốc tế để tuyển sinh theo hướng: Mở cửa đầu vào và kiểm soát chặt chẽ đầu ra. Các trường đại học phải tự chủ trên cơ sở chữ tín về chất lượng đào tạo của mình.

PV: Cơ chế tuyển thẳng của TTU 2016 cụ thể như thế nào?

TS. Michael Lộc Phạm:

Năm 2016, TTU tuyển thẳng đối với những đối tượng sau: 1. HS đoạt giải kỳ thi quốc tế; 2. HS đoạt giải 1,2,3, khuyến khích kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia. 3. HS đoạt giải nhất, nhì, ba, kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; 4. HS các trường THPT năng khiếu và THPT chuyên; 5. HS các trường THPT công lập, quốc tế, ngoài công lập. Điều kiện cụ thể đối với từng đối tượng đã được đăng tải trên website của trường www.ttu.edu.vn

PV: Khi tuyển thẳng đối với nhiều đối tượng như vậy, Trường ĐH Tân Tạo có biện pháp gì để đảm bảo công bằng?

TS. Michael Lộc Phạm:

Ngoài điều kiện phải đỗ tốt nghiệp THPT, các em còn phải vượt qua 1 vòng phỏng vấn. Chúng tôi sẽ nói chuyện trực tiếp để nắm bắt được nhiệt huyết và đam mê của từng thí sinh, như vậy sẽ công bằng hơn cho cả học sinh khối xã hội, tự nhiên và tránh tiêu cực xảy ra.

PV: Ông có thể cho biết thêm về ưu điểm của hình thức tuyển sinh này?

TS. Michael Lộc Phạm:

Thứ nhất, với cơ chế này sẽ đơn giản hoá chuyện tuyển sinh, học sinh sẽ không phải lo đến điểm xét tuyển vào đại học.

Thứ hai, thông qua phỏng vấn sẽ chắc chắn lựa chọn được ứng viên đủ năng lực theo học tại trường.

PV: Vậy chỉ tiêu tuyển thẳng của trường năm nay là bao nhiêu ạ?

TS. Michael Lộc Phạm:

Đại học Tân Tạo dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho cơ chế tuyển thẳng.

PV: Ông có lời khuyên gì cho các thí sinh lựa chọn hình thức tuyển thẳng?

TS. Michael Lộc Phạm:
Trước tiên các em lên website của trường để tìm hiểu cụ thể về thông tin tuyển sinh, về điều kiện xét tuyển thẳng. Tiếp đó tìm hiểu về ngành học xem có phù hợp với năng lực cũng như đam mê của mình hay không.
Nếu các em đã phù hợp với các tiêu chí của trường thì có thể chuẩn bị cho vòng phỏng vấn. Các câu hỏi vòng phỏng vấn thường liên quan đến hoàn cảnh gia đình, hiểu biết của em về trường, lý do chọn ngành học, sở thích, ước mơ hay khả năng tiếng Anh của em.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Anh

Theo Dantri.com