Công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số vấn đề qui định trong hoạt động của trường đại học

32

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TẠO

——–——–

Số:   199/CV-TTU-2016

V/v: Một số vấn đề về quy định trong hoạt động của trường đại học  

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–——–

            

Long An, ngày 14 tháng 11 năm 2016

 

Kính gửi:

  • Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
  • Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

 

Trước hết, thay mặt Trường Đại học Tân Tạo, tôi xin gửi lời chào trân trọng đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và  Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe và thành công.

 Trường Đại học Tân Tạo (TTU) được thành lập theo quyết định số 2154/QĐ-TTg ngày 25/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định điều kiện cấp phép mở 11 mã ngành đào tạo theo chương trình nước ngoài, giảng dạy bằng tiếng Anh, trong đó có các ngành:  Kinh tế và Quản trị Kinh doanh;  Kỹ thuật; Nhân văn và Ngôn ngữ; Công nghệ Sinh học;  và Y đa khoa.

 Ngay từ ngày đầu thành lập, TTU đã đặt mục tiêu theo đuổi mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ và đang hết sức nỗ lực theo đuổi mục tiêu đạt được kiểm định chất lượng giáo dục Hoa Kỳ và áp dụng chương trình giảng dạy của Đại học Rice. Với triết lý giáo dục, tiêu chuẩn và thực tiễn dựa trên mô hình giáo dục Đại học khai phóng của Mỹ, trường Đại học Tân Tạo khuyến khích suy nghĩ độc lập, rèn luyện phẩm chất kiên trì, tôn trọng sự đa dạng và ngôn ngữ. Đại học Tân Tạo sẽ đào tạo nên những con người có tính sáng tạo, tư duy logic, học tập suốt đời, trung thực, có trách nhiệm với đất nước và có khả năng lãnh đạo. Đại học Tân Tạo khát khao được trở thành một trường đại học nổi tiếng trên thế giới, cung cấp nền giáo dục chất lượng cao, thực hành trên nền tảng kiến thức đã nghiên cứu, phục vụ người dân Việt Nam, Đông Nam Á và trên Thế giới.

Hiện nay toàn bộ tập thể lãnh đạo, giảng viên, CB- CNV và sinh viên  trường Đại học Tân Tạo đang nỗ lực từng ngày với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất để đưa TTU đạt kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ. Để đạt được mục tiêu trên là cả một chặng đường dài đầy khó khăn chông gai mà tập thể trường Đại học cần phải vượt qua. Nhưng có những vấn đề tồn tại về cơ chế mà Trường cần phải được Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giải quyết. Nếu giải quyết được những vấn đề này không riêng Đại học Tân Tạo mà các trường đại học khác của Việt Nam sẽ được áp dụng chung một cơ chế bình đẳng như các trường đại học nước ngoài mở tại Việt Nam và chỉ có như vậy mới có thể giúp cho Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam nâng cao được chất lượng đang là vấn đề nhức nhối của đất  nước. Sau đây là những vấn đề cơ bản cần sự quan tâm, tháo gỡ:

  1. Về quy định mẫu bằng tốt nghiệp:

Trường Đại học Tân Tạo được đào tạo giảng dạy theo chương trình nước ngoài, vừa theo đuổi mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ và khi sinh viên tốt nghiệp, TTU vừa phải thực hiện theo Thông tư 19/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mẫu bằng đại học.  Do vậy, TTU đã phải áp dụng phát 2 mẫu bằng tốt nghiệp đại học: một là theo mẫu của các trường đại học Hoa Kỳ  và một mẫu theo quy định của Bộ Giáo dục và đại học Việt Nam. Cả hai mẫu bằng tốt nghiệp đại học này đều đã được TTU báo cáo đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Tuy nhiên thực tế với toàn bộ các sinh viên khóa đầu của TTU đã tốt nghiệp chỉ đăng ký xin được cấp bằng theo mẫu của Đại học Hoa Kỳ. Bởi vì 100 % các em sinh viên đều đã tìm được việc làm và đi học tiếp trên đại học ở Hoa Kỳ và các nước khác hoàn toàn không gặp trở ngại gì mà lại được lợi thế khi sử dụng bằng tốt nghiệp theo mẫu của đại học Hoa Kỳ. Đặc biệt đối với các sinh viên du học sau đại học tại Mỹ, đã không phải tốn chi phí và thời gian cho việc tái thẩm định bằng theo Mẫu của Việt Nam. Do vậy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét bỏ quy định bắt buộc các Trường Đại học phải đăng ký mẫu bằng đại học theo quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT, mà chỉ nên đưa ra yêu cầu các trường đại học đăng ký mẫu bằng của mình là đủ.

Chúng tôi xin gởi kèm theo đây trong Phụ Lục 1 mẫu bằng theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và mẫu bằng của MOET để Ngài Phó Thủ tướng và Bộ trưởng tham khảo thấy sự ưu việt và bất lợi của từng mẫu bằng tốt nghiệp xin được được liệt kê như sau:

  • Kích thước Bằng tốt nghiệp của các Đại học Hoa Kỳ và các nước tiên tiến khác đều có kích thức hợp lý để có thể treo một cách trang trọng tại nơi làm việc – Đặc biệt Các bác sĩ y khoa đều thực hiện công khai treo bằng tại nơi làm việc. Trong khi Bằng tốt nghiệp của Việt Nam đã cấp qua nhiều thập kỷ có kích thức rất nhỏ, bằng ½ mẫu bằng của các đại học Hoa Kỳ và các nước tiên tiến.
  • Hình thức và nội dung chung: Tại các trường Đại học Hoa Kỳ và các nước tiến bộ khác, mỗi trường có những biểu tượng, màu sắc đặc trưng của mình thể hiện ngay trong bằng tốt nghiệp để có thể nhận dạng ngay được bằng cấp của họ. Trong khi bằng của Việt Nam được cấp theo mẫu mã, màu sắc, thiết kế và nội dung đồng loạt như nhau cho mọi trường đại học.
  • Nội dung: Bằng đại học của các trường đại học Hoa Kỳ mang tính nhân văn cao, do vậy nội dung chỉ ghi loại tốt nghiệp đối với các sinh viên đạt tốt nghiệp cao từ khá trở lên. Các sinh viên tốt nghiệp loại trung bình không bị ám ảnh mặc cảm suốt đời bởi tấm bằng như nội dung ghi trong bằng tốt nghiệp của Việt Nam.
  • Ngôn ngữ sử dụng trong Bằng tốt nghiệp của Đại học Tân Tạo (TTU) được cấp theo hai thứ tiếng: Anh và Việt thể hiện ngay chương trình học thuật của TTU là trường giảng dạy bằng tiếng Anh và có giá trị Quốc tế mà không cần phải thực hiện qua việc dịch công chứng. Đồng thời vẫn đảm bảo tôn trọng quy định của Bộ giáo dục Đào tạo về ngôn ngữ và cũng thể hiện rõ TTU là trường của Việt Nam sánh vai các trường đại học thế giới.
  • Bằng tốt nghiệp của TTU được không những Chủ tịch HĐQT/Hiệu trưởng ký mà còn được Giáo sư Chủ tịch hội đồng học thuật – Ông Malcom Gillis và Phó Chủ tịch Giáo sư Eugene Levy – Những học giả nổi tiếng hàng đầu của Hoa Kỳ cùng ký tên. GS. Gillis là cựu Chủ tịch của Đại học Rice – Trường đại học đứng TOP 10 của Hoa Kỳ, đã từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị giáo dục đại học Việt Nam – Hoa Kỳ. GS. Levy là là nhà Vật lý học danh tiếng thế giới, cựu Hiệu Trưởng của Đại học Rice, Hiện vẫn đang giữ chức vụ của hàng trăm tổ chức khoa học và học thuật của Hoa Kỳ và thế giới, trong đó là Chủ tịch của Hội không gian và thiên văn Thế giới, Chủ tịch Hội thiên văn của Nasa. Việc các ông ký vào Bằng tốt nghiệp của sinh viên TTU là sự khẳng định về chất lượng đào tạo của Đại học Hoa Kỳ và đây chính là điều quan trọng để Bằng tốt nghiệp của TTU được công nhận tại Hoa Kỳ và thế giới. Chính nhờ vậy các sinh viên dễ dàng nộp đơn học tiếp lên trên đại học tại Hoa Kỳ và thế giới.

Trong khi Bằng tốt nghiệp của Việc Nam chỉ duy nhất chữ ký của Hiệu trưởng – Người mà theo Luật giáo dục đại học Việt Nam phải có quốc tịch Việt Nam, do vậy sẽ không được công nhận tại Hoa Kỳ và buộc phải thực hiện kiểm định quy đổi sang hệ thống bằng của Hoa Kỳ bởi một tổ chức đánh giá quy đổi của Hoa Kỳ nếu muốn đăng ký xin học trên đại học tại Hoa Kỳ.

  1. Quy định bắt buộc Hội đồng quản trị nhà trường phải có một thành viên của chính quyền địa phương tham gia.

Hiện nay quy định Hội đồng Quản trị (HĐQT) của trường đại học tư thục Việt Nam theo khoản 3, điều 17, Luật Giáo dục 2012 và điểm C, khoản 1, điều 22 của Quyết định 70/2014/QĐ-TTg về Điều lệ Trường đại học quy định thành viên HĐQT của trường đại học bắt buộc phải có 01 thành viên từ chính quyền địa phương tham gia.  Những trường đại học nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như RMIT thì không bị ảnh hưởng bởi quy định này. Nhưng những trường đại học khác như Trường Đại học Tân Tạo và Đại học Fulbright đều đối mặt với khó khăn khi áp dụng  quy định bắt buộc về Hội đồng Quản trị này.

Trường Đại học Tân Tạo theo đuổi mô hình khai phóng Hoa Kỳ và kiểm định của Hoa Kỳ do vậy theo quy định của tổ chức kiểm định trường đại học phải là một tổ chức đào tạo hoàn toàn độc lập. Chúng tôi gởi kèm tại Phụ Lục 2: Báo cáo kiểm định gởi cho NEASC xin tham gia kiểm định Hoa Kỳ.

Tại sao Trường đại học Tân Tạo chúng tôi đủ điều kiện để thành lập trường đại học nước ngoài tại Việt Nam như đại học RMIT (và chúng tôi tin rằng kể cả đại học Fulbright cũng như vậy). Nhưng chúng tôi đã chọn thành lập trường đại học của Việt Nam với khao khát sẽ góp phần nâng cao chất lượng và góp phần cải tổ Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ủng hộ cho những mô hình như trường Đại học Tân Tạo và Fulbright. Không nên tự trói buộc các trường đại học của Việt Nam trong khi đó thì các đại học nước ngoài mở tại Việt Nam lại được tự do để tham gia vào kiểm định và phát triển. Kết quả là những đại học này kiếm lợi cho họ.

  1. Quy định Hiệu trưởng phải có Quốc tịch Việt Nam.

Chính những quy định này của Bộ giáo dục và Đào tạo đã hạn chế các trường đại học Việt Nam có thể tuyển dụng được Hiệu trưởng giỏi và thực sự có kinh nghiệm và uy tín trong học thuật trên thế giới về lãnh đạo các trường đại học của Việt Nam.

Đại học Tân Tạo theo đuổi mô hình khai phóng Hoa Kỳ, do vậy quy định này đã khiến chúng tôi không thể tuyển dụng được Hiệu trưởng vừa am hiểu hệ thống giáo dục đại học và Luật Pháp Việt Nam, vừa am hiểu mô hình khai phóng Hoa Kỳ. Đó là lý do vì sao Bà Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas) phải kiêm nhiệm, trong khi các nhà học giả nổi tiếng như giáo sư Gillis và Levy không thể trở thành Hiệu trưởng của Trường.

Trong khi nền giáo dục đại học của Hoa Kỳ đứng hàng đầu thế giới, nhưng không hề có quy định bắt buộc phải có bằng Tiến sĩ mới được giữ chức vụ Hiệu trưởng như Việt Nam.  Thời đại hiện nay thực tế đã chứng minh nhiều thiên tài như Bill Gate, Steve Jobs, nhà sáng lập Facebook, … tất cả đều chưa tốt nghiệp đại học. Do vậy đề nghị nên xem xét lại quy định này. Hiện nay TTU đang đối mặt với quy định bất hợp lý này và tạo kẽ hở cho những kẻ xấu bịa đặt bôi nhọ phá hoại TTU nhằm phá hoại công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas) đã tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ về Quản trị Lãnh đạo với điểm số GPA 4.0/4.0, hiện đang theo học Tiến sĩ về Quản trị lãnh đạo trong giáo dục đại học của Hoa Kỳ. Tuy nhiên mặc dù hồ sơ nộp cho cơ quan chức năng xin công nhận Hiệu trưởng, nhưng tạm thời “treo” đó chờ khi có bằng tốt nghiệp Tiến sĩ. Trên thực tế bà Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas) vẫn đang điều hành TTU với cương vị Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng và đưa TTU đi theo đúng định hướng theo đuổi mô hình khai phóng Hoa Kỳ. Kết quả sinh viên hai khoá tốt nghiệp với khả năng tiếng Anh 100% đạt Toefl 600 điểm hoặc tương đương và 100% các em đều nhận được công việc với mức lương cao từ 2 đến 10 lần so với các đại học khác, trong đó đã có em Phạm Hoàng Mẫn nhận được học bổng của Tổng Thống Obama. Điều đó là minh chứng cho sự thành công của TTU trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

  1. Các quy định về môn học bắc buộc trong chương trình đào tạo hệ Đại học

Các môn học bắt buộc như: triết học; triết học Mác – Lê nin, lý luận chính trị…hiện nay Bộ giáo dục và Đào tạo đang quy định chiếm tới 25 % tổng các tín chỉ của  bốn năm đại học theo điều tra của Đại học Harvard (Vallely and Wilkinson, 2008, p.2) [i]. Chính điều này đã góp phần làm cho chất lượng giáo dục không đảm bảo, sinh viên ra trường khó xin việc làm vì không có đầy đủ các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Trường Đại học Tân Tạo đã phải khắc phục bằng cách tổ chức giảng dạy các môn học này trong khóa học hè để cho sinh viên đảm bảo đầy đủ các tín chỉ học tập như trường đại học nước ngoài và cộng thêm 25 % tín chỉ của các môn triết học và lý luận bắt buộc của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và Bộ giáo dục và Đào tạo không nên khống chế số lượng tín chỉ và nội dung của những môn bắt buộc về triết học và lý luận, mà hãy để cho các trường đại học Việt Nam được tự quyết định. Tại sao các trường đại học nước ngoài đóng tại Việt Nam như RMIT thì không bắt buộc phải giảng dạy những môn triết học và lý luận này?  Chính điều này đã tạo ra một lỗ hổng lớn khiến cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam càng ngày càng tụt hậu so với chính ngay những trường đại học nước ngoài đóng tại Việt Nam.

Hiện nay nội dung chương trình của các môn Triết học của Mác đang giảng dạy chỉ gói gọn trong tuyển tập số một của ông, trong khi đó cả cuộc đời và sự nghiệp của ông có tám tuyển tập. Những tuyển tập sau đồ sộ và có những học thuyết đã phủ nhận hoặc sửa đổi lại các học thuyết được đưa ra tại tuyển tập đầu tiên ông viết khi còn rất trẻ, nhưng chúng ta đang hạn chế và giảng dạy bắt buộc theo tuyển tập đầu tiên này khiến sinh viên không có được một cái nhìn toàn diện và đúng đắn về chủ nghĩa Mác.

  1. Quy định Thời hạn Hợp đồng giảng viên cơ hữu phải 03 năm.

Thời hạn ký hợp đồng giảng viên tại các Trường Đại học Hoa Kỳ là một việc quan trọng quyết định sống còn đến chất lượng giáo dục và nhằm mục tiêu xây dựng văn hoá, đạo đức của một trường đại học. Chính vì vậy, việc quyết định ký hợp đồng dài hạn với một giảng viên là một việc hệ trọng và vinh dự lớn đối với các giảng viên. Việc quy định buộc phải ký hợp đồng lao động với thời hạn 03 năm tạo ra một bất lợi lớn cho các trường đại học trong việc đánh giá, lựa chọn giảng viên chất lượng cao và có thể gây ra những kiện cáo không cần thiết về hợp đồng lao động nếu sa thải trước thời hạn với các giảng viên không đảm bảo tiêu chí đề ra. Đặc biệt Đại học Tân Tạo dạy theo các chương trình của Hoa Kỳ và giảng dạy bằng tiếng Anh thì việc kiểm định chất lượng giảng viên càng khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian đánh giá.

Chúng tôi kiến nghị: Cho phép các trường đại học Việt Nam được chủ động trong việc quyết định thời hạn hợp đồng lao động với các giảng viên cơ hữu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên đưa điều kiện buộc phải khẳng định rõ trong hợp đồng là ‘giảng viên cơ hữu’ và các trường đại học Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo Luật lao động của Việt Nam.

Với mục tiêu đưa chất lượng giáo dục của TTU và góp phần cải tổ chất lượng giáo dục đại học Việt Nam ngang bằng với các đại học uy tín quốc tế, cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của sinh viên. Trường Đại học Tân Tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính Phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét các ý kiến và kiến nghị nêu trên. Nếu các kiến nghị này được giải quyết, không những trường Đại học Tân Tạo có thể thành công theo đuổi kiểm định Hoa Kỳ và trở thành mô hình cho các trường đại học Việt Nam làm theo, mà còn góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

Chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào.

 

Nơi nhận:

  • Như trên
  • Thứ Trưởng Phụ trách GD ĐH – MOET
  • Chủ tịch Hiệp hội GD ĐH ‘để hỗ trợ’
  • Thanh tra Bộ GD ĐT – “Kiến nghị”
  • Ban Giám Hiệu – Để nắm và Phối hợp
  • Lưu TTU

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TẠO

CHỦ TỊCH HĐQT

(đã ký)

ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN
(A.k.a Maya Dangelas)

 

 

 

[i]Tham khảo

Vallely, T. and Wilkinson, B. (2008). Journal of Vietnamese Higher Education: Crisis and Response. Retrieved from https://www.hks.harvard.edu/innovations/asia/Documents/HigherEducationOverview112008.pdf