Bài phát biểu của GS. Eugene H. Levy – Thành viên Sáng lập Đại học Tân Tạo nhân lễ tốt nghiệp của sinh viên khóa 2012-2016.

331

Cảm xúc vừa cay đắng vừa ngọt ngào

Lễ tốt nghiệp có thể nói là một trong những thành quả của trường đại học. Mỗi sinh viên tốt nghiệp đều làm nên một phần của giờ phút quan trọng này. Đối với tất cả các sinh viên tốt nghiệp, ngày hôm nay đánh dấu việc bạn sẽ sống tiếp một cuộc đời độc lập. Đối với cha mẹ của các bạn, một ngày như thế này cũng là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Với tư cách là một người cha có con tốt nghiệp, tôi đã 3 lần trải qua cảm giác vừa cay đắng vừa ngọt ngào này. Tôi chắc chắn rằng những phụ huynh ngồi đây đang trải qua cảm giác tuyệt vời đó, sự đan xen giữa nỗi buồn và tự hào khi chứng kiến những đứa con của mình, mới ngày hôm qua còn là những đứa trẻ, ngày hôm nay đã trở thành người lớn: độc lập và giỏi giang…cả chặng đường dài mà chúng ta cảm tưởng chỉ trong có vài năm. Các bậc phụ huynh thường cảm thấy khó khăn khi con cái mình trưởng thành và “bay đi mất”. Các bậc phụ huynh đang ngồi đây ngày hôm nay chắc chắn đang phải đấu tranh nội tâm với sự chuyển đổi này, tôi khuyên các bậc phụ huynh hãy nghĩ rằng: Mọi điều tồi tệ rồi sẽ qua!

Ảnh: GS.Eugene H.Levy – Thành viên sáng lập và Phó Chủ tịch Hội đồng học thuật ĐH Tân Tạo, phát biểu tại Lễ Tốt nghiệp TTU.

“Trái ngọt” của Đại học Tân Tạo

Lễ tốt nghiệp này là một thành quả theo một nghĩa khác. Đây là Lễ tốt nghiệp của những sinh viên khoá 2 của một trường đại học mới thành lập. Đại học Tân Tạo mới thành lập được 6 năm, TTU là trường đại học tư thục, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình các trường đại học Hoa Kỳ, theo mô hình của Đại học Rice tại Houston, Texas. (Tôi muốn nhấn mạnh tên của Đại học Rice, Rice ở đây không có nghĩa là hạt gạo. Đó là tên của người sáng lập – Ngài William Marsh Rice, ông đã hiến tặng tài sản của mình để thành lập nên Đại học Rice 1 thế kỷ trước.)

Cuộc đời của GS. Levy

Tôi là một giáo sư chuyên ngành Vật Lý thiên văn tại Đại học Rice. Tôi đã từng là Hiệu trưởng Đại học Rice trong 10 năm. Từ khi còn học trung học, tôi đã quyết định sau này sẽ trở thành một nhà Vật Lý. Nhưng khi học lớp 8, tôi lại không quyết định được sẽ đi theo hướng nào trong ngành Vật lý cho đến tận khi tôi học đại học. Tôi chọn chuyên ngành Vật lý Thiên văn Lý thuyết, vì tôi không thể nghĩ ra được một cách khác thú vị hơn việc dành cả đời để tìm ra cách thức hoạt động của một hành tinh.

Trở thành thành viên sáng lập đại học Tân Tạo

Đôi khi tôi cũng bị cuốn hút vào một số hoạt động, một số công việc gây sao nhãng đến chuyên ngành vật lý, như là tư vấn và điều hành hội đồng khoa học, và giữ chức vụ lãnh đạo ở một số trường đại học. Đó cũng chính là hoàn cảnh mà tôi gặp và biết Bà Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas) và trở thành thành viên Sáng lập của Đại học Tân Tạo. Tôi rất vinh dự khi được đề nghị phát biểu trong lễ tốt nghiệp của sinh viên khóa 2 của TTU.

Hội đồng Sáng lập Đại học Tân Tạo, bao gồm tôi và một số thành viên khác, chúng tôi đồng ý trở thành Thành viên của Hội đồng này với mục đích vì cộng đồng. Các thành viên Sáng lập đồng ý giúp bà Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas) định hướng TTU trên con đường phát triển trở thành một ngôi trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới.

2 con người đặc biệt đối với Đại học Tân Tạo

Tôi muốn dành vài phút để nói về 2 người rất đặc biệt đối với Đại học Tân Tạo. Người đầu tiên tôi muốn nói đến đó là Bà Đặng Thị Hoàng Yến (A.k.a Maya Dangelas). Đại học Tân Tạo tồn tại chính nhờ tầm nhìn của bà. Thật không may là Bà Yến không thể có mặt tại Việt Nam để tham dự buổi lễ ngày hôm nay. Tôi xin chuyển tới các bạn lời chào và những lời chúc tốt đẹp nhất của Bà Yến. Bà Yến đã ước gì bà có thể có mặt trong buổi lễ này.

Bà Yến bắt đầu sự nghiệp bằng việc trở thành một nhân viên của Chính phủ Việt Nam. Công việc của bà là giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài hiểu được những thuận lợi khi đặt nhà máy của họ tại Việt Nam, và giúp đỡ những công ty này thành lập nhà máy tại địa phương. Trong khi làm công việc này, bà đã nhìn thấy tiềm năng của những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam. Bà đã chuyển hướng sự nghiệp của mình sang lĩnh vực bất động sản cho ngành công nghiệp. Bà đã thành công và trở nên rất giàu có. Sau đó bà đã quyết định hiến tặng cả công sức lẫn tài sản để thành lập nên Đại học Tân Tạo. Tầm nhìn của bà Yến là vì lợi ích của cộng đồng, vì lợi ích của quốc gia và của người dân Việt Nam. Tầm nhìn, tinh thần và sự cao thượng của bà đối với cộng đồng đã truyền cảm hứng cho các thành viên của Hội đồng Sáng lập. Khi tôi hỏi bà Yến về điều gì đã truyền cảm hứng cho bà sáng lập nên Đại học Tân Tạo, bà đã trả lời rằng cha bà là người đã tác động lớn đến cuộc đời bà. Cha bà luôn nói đến sự quan trọng của việc học tập suốt đời, và ông vẫn tiếp tục học sau khi đã có gia đình. Bà nói với tôi rằng bà muốn mang cơ hội học tập với chất lượng cao nhất đến với người dân Việt Nam.

Tưởng nhớ GS. Malcolm Gillis

Một người đặc biệt khác mà tôi muốn nói đến đó là Giáo sư Malcolm Gillis. Giáo sư Gillis là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Sáng lập Đại học Tân Tạo. Ông là một người bạn tốt của tôi. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm. Tôi thực sự rất nhớ ông ấy. Gs. Gillis là một chuyên gia về kinh tế xuất sắc. Ông đã làm rất nhiều việc với tư cách chuyên gia kinh tế và cố vấn tại Đông Nam Á, ông là một người bạn lâu năm của Việt Nam. Ông là thành viên và Chủ tịch của Quỹ Giáo dục Việt Nam, ông đã nỗ lực rất nhiều trong việc thành lập các trường đại học tại Đức và Bắc Triều Tiên và TTU. Ông giữ cương vị Chủ tịch Đại học Rice trong vòng 11 năm, từ năm 1993 đến 2004. Sự ra đi của ông là một tổn thất to lớn đối với nhiều người và nhiều trường đại học.

Bài học từ 2 câu chuyện

Một trong những thách thức khi nhận trách nhiệm phát biểu tại các sự kiện đó là sẽ nói cái gì. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc kể cho các bạn nghe 2 câu chuyện. Khúc đầu của câu chuyện chắc sẽ không mấy liên quan. Nhưng tôi hi vọng rằng các bạn sẽ sớm hiểu dụng ý của tôi. Tôi đã kể câu chuyện này trước đây cho một nhóm sinh viên giống như các bạn ngày hôm nay. Những câu chuyện đó thực sự có ích và đánh trúng vào tình cảm của các bạn sinh viên. Thực sự, tôi đã từng được các sinh viên đề nghị kể lại câu chuyện lần nữa. Đối với tôi đó là niềm hạnh phúc thực sự. Với tư cách là một diễn giả, việc được thính giả yêu cầu kể lại đối với tôi chẳng khác gì đào được vàng.

Môn thể thao leo núi

1. Nhiều năm trước đây, khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi làm chung phòng với một anh chàng là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Như mọi người, tôi không bao giờ hiểu được tại sao lại có những người thích trèo lên những ngọn núi nguy hiểm, tôi hỏi dò anh ta để khám phá động lực của anh ấy dành cho môn leo núi. (Anh chàng này thực sự đam mê với môn này, vì có lần anh ta đã đối mặt với tử thần trong chuyến leo núi mạo hiểm tại Andes ở Nam Mỹ. Anh ta thật may mắn vì đã sống sót. Trên thực tế, anh ấy đã may mắn hơn nhiều lần so với người bạn của tôi, bạn tôi đã chết khi leo núi Kashmir thuộc dãy Himalayas, Ấn Độ chỉ sau đó vài năm.)

Tôi đã hiểu được động lực và sức hút của môn leo núi sau khi tôi hiểu khái niệm “đối mặt với độ cao và sự nguy hiểm, và cảm giác khi chinh phục được nó”. “độ cao và nguy hiểm” đối với những vận động viên leo núi lại rất kích thích. Tôi sẽ giải thích rõ hơn về khái niệm này cho những ai chưa hiểu. Về cơ bản là đó là khi bên dưới bạn là một khoảng không bao la, hùng vĩ, không có gì ràng buộc bạn giữa không gian đấy, cảm giác đó càng tuyệt vời. Các vận động viên leo núi tìm kiếm cơ hội “đối mặt và chinh phục”, trong khi những người khác cảm thấy khó chịu khi đối mặt với nó!

Khi tôi đang đứng tại đây, không gian dưới chân là sàn nhà thì chẳng có gì gọi là “đối mặt và chinh phục” cả. Điều này đối với những vận động viên leo núi thì thật nhàm chán.

Nếu như tôi đang đứng trên đỉnh núi, hay đỉnh của một vách đá cao, dốc đứng nhô ra biển, đó vẫn không được coi là thực sự “đối mặt và chinh phục”. Sự thật là tôi sợ độ cao, điều này sẽ chẳng gây ấn tượng gì đối với 1 vận động viên leo núi.

Nhưng nếu tôi dùng ngón tay để bám vào gờ của một bức tường dựng đứng: giờ mới là lúc bắt đầu thú vị, theo quan niệm của những vận động viên leo núi. Tuy nhiên trong trường hợp này vẫn chưa được gọi là “đỉnh cao” bởi không gian bên dưới vẫn có nhiều thứ.

Đỉnh cao của “đối mặt và chinh phục” đó là khi bạn dùng ngón tay bám vào mặt dưới của một bề mặt nằm ngang: như trần nhà hoặc tốt hơn là một vách đá nhô ra, bên dưới là một khoảng không, cách mặt đất cả ki-lô-mét,. Đó mới thực sự gọi là “đối mặt và chinh phục”.

Giá trị của “đối mặt và chinh phục” nằm ở việc bạn cảm thấy hài lòng khi làm được một việc khó mà không cần sự hỗ trợ hay sự bảo vệ mà chúng ta vẫn thường cần đến. Hầu hết chúng ta hài lòng khi sống mà không có khái niệm “đối mặt và chinh phục” khó khăn. Chúng ta chẳng tìm kiếm nó, và nhiều người phải chịu đau đớn khi cố tránh nó. Tôi cũng giống như vậy.

Nhà Vật lý Thiên văn vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới – Subramanyan Chandrasekhar

2. Câu chuyện thứ 2 tôi muốn kể cho các bạn đó là về 1 quyển sách tôi đã đọc từ rất lâu rồi. Đó là tiểu sử của Nhà vật lý Subramanyan Chandrasekhar. Nó không hẳn là 1 cuốn sách đặc biệt hay. Khi tôi còn là sinh viên của Đại học Chicago, tôi làm việc cách hội trường Chandrasekhar khoảng 20 mét. Chandra là một trong những Nhà Vật lý Thiên văn vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Năm 1983 ông được trao giải thưởng Nobel khi 73 tuổi. Ông giành giải Nobel cho sự nghiệp nghiên cứu mà ông bắt đầu từ 53 trước, khi đó ông mới 20 tuổi, di cư trên một chiếc thuyền từ Ấn Độ tới Anh Quốc, tại đây ông đã học Đại học Cambridge. Ở thập niên 1930, việc nghiên cứu của ông khi mới 20 tuổi đã bị những “người khổng lồ” trong ngành Vật lý thiên văn nhạo báng. Phải nhiều năm sau đó nghiên cứu của Chandra mới được chấp nhận và đánh giá cao, nửa thế kỷ sau ông đã được trao giải thưởng Nobel cho công việc nghiên cứu của mình. (Trong suốt sự nghiệp của mình, Chandra đã làm nhiều việc quan trọng khác. Chandra là một con người kiệt xuất.) Ngày nay nghiên cứu của Chandra là nền tảng, là bước ngoặt cho hiểu biết của chúng ta về những vì sao và vũ trụ.

Một trong những điều mà cuốn sách làm tôi xúc động đó là đoạn trích Chandra nói ở cuối sách, sau khi ông đã nhận giải Nobel:

“Đến giai đoạn này của cuộc đời, khi tôi xuất bản cuốn sách này, Tôi vẫn không ngừng lo lắng liệu nó có được chấp nhận không”

Hãy nghĩ về điều này, người đàn ông này đã được trao giải thưởng Nobel về Vật Lý. Đây là cuốn sách đầu tiên và cuối cùng ông viết. Ông đã từng là Tổng Biên tập của Tạp chí Thiên Văn học trong 20 năm, đây là tạp chí hàng đầu về thiên văn học trên thế giới. Vậy mà ông nói khi đã gần 80 tuổi:

“Đến giai đoạn này của cuộc đời, khi tôi xuất bản cuốn sách này, Tôi vẫn không ngừng lo lắng liệu nó có được chấp nhận không”

Câu nói của Chandrasekhar thể hiện suy nghĩ của ông về khái niệm “đối diện và chinh phục thử thách”. Ông thể hiện sự lo lắng khi sáng tạo những điều mới: lo lắng về việc phải đối diện với những người phản đối, lo lắng về việc phải giữ vai trò lãnh đạo. Ý nghĩa câu chuyện của Chandra: khi thực hiện thành công 1 công việc quan trọng, chúng ta phải sẵn sàng “đối diện với khó khăn và chiến đấu để chiến thắng thử thách”. Không có điều đó sẽ không bao giờ có thành công thực sự.

Mỗi chúng ta đang phải không ngừng đối mặt với những thách thức lớn. Một trong số các bạn sẽ nổi lên như những nhà lãnh đạo, khi điều đó đến, thế hệ các bạn sẽ gánh trách nhiệm cho toàn xã hội. Các bạn có thể là lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh… lĩnh vực giáo dục…lĩnh vực chính trị…có khi là một số lĩnh vực khác.

Để sử dụng tốt nhất kiến thức mà các bạn đã được học – để trở thành một nhà lãnh đạo, một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực khoa học như Chandrasekhar, hay một nhà lãnh đạo thuộc lĩnh vực khác – các bạn cần chuẩn bị sẵn sàng đối diện với thử thách, sẵn sàng đối diện với sự mạo hiểm – không chỉ vì bạn thích cảm giác manh, mà vì những mục đích tốt đẹp hơn, có tính xây dựng hơn, và hiệu quả hơn.

Tôi mong và khuyến khích các bạn nghĩ về điều này, vì những người lãnh đạo được giáo dục đầy đủ như các bạn sẽ là những nguồn lực quý giá nhất trong xã hội mà các bạn đang kế thừa. Một nhà lãnh đạo thực sự bên cạnh sự sáng tạo, óc tưởng tượng, nhiệt huyết, khả năng quyết đoán- còn cần đến sự sẵn sàng chấp nhận đối mặt với thử thách.

Lời kết

Để kết lại, tôi muốn nhắc nhở các bạn một số điều sau: các bạn nên nhớ phải tiếp tục học suốt đời và các bạn không được cho rằng ngày hôm nay đánh dấu sự kết thúc của sự nghiệp học hành. Học ở đại học quan trọng, nhưng tự học suốt đời còn quan trọng hơn. Điều này luôn luôn đúng. Và nó càng đúng trong bối cảnh ngày này khi tốc độ của sự thay đổi đang ngày càng diễn ra nhanh hơn.

Các bạn đã tốt nghiệp đại học, tôi mong các bạn sẽ đóng vai trò như những nhà giáo dục. Hãy nhớ rằng những người vì một lý do nào đó không có cơ hội để tiếp tục học cao hơn, hoặc những người không có cơ hội học tập lại luôn chứa đựng tài năng tiềm tàng. Tôi mong các bạn sẽ giúp đỡ những người đó, mang lại cho họ cơ hội mà họ chưa bao giờ có được.

Sau cùng, tôi muốn nhân cơ hội này, khi tôi còn đứng tại đây để khuyên các bạn, với tư cách cá nhân, hãy tìm ra sự cân bằng trong cuộc sống. Cân bằng bản thân giữa kiến thức, tính nhân văn, làm việc chăm chỉ, lòng trắc ẩn cũng như mối quan hệ giữa người với người, làm được điều này, bạn đã thực sự thành công. Trong tất cả các điều đó, hãy nhớ rằng bạn phải có trách nhiệm đối với cuộc đời của chính bạn.

Tôi sẽ kết thúc bài phát biểu này với lời của một nhà triết học, nhà văn Tây Ban Nha:

Chúng ta ở đây để sáng tác, dàn dựng, và diễn vở kịch của cuộc đời mình.

Chúng ta là duy nhất.

Chúng ta có thể chọn việc mình làm mỗi ngày.

Chúng ta sẽ biến cuộc đời mình thành 1 tác phẩm nghệ thuật.

Các bạn có thể biến cuộc đời của các bạn thành một tác phẩm nghệ thuật … và bạn là người duy nhất có thể làm được điều đó.

Tôi xin được chúc mừng những sinh viên tốt nghiệp ngày hôm nay, mong các bạn hạnh phúc, thành công, sống một cuộc đời thành đạt và đáng sống!