Sinh viên y khoa Việt choáng ngợp với hệ thống chăm sóc y tế Mỹ

258
Hai sinh viên y khoa Trần Triển và Xuân Trường đã có một cuộc nói chuyện thân mật với Bác sĩ Vijay Dave trong chương trình thực tập Y khoa mùa hè tại bệnh viện St. Mary (bang Indiana, Hoa Kỳ)

Xuân Trường bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 8, nhưng mỗi tuần chỉ học vài chục phút. Trường vẫn miệt mài học tiếng Anh trong suốt thời gian học tại Đại học Tân Tạo.

Trần Triển bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 6, nhưng ngôi trường ở vùng quê của Triển lại không chú trọng vào việc dạy tiếng Anh. Mãi cho đến khi vào năm nhất tại khoa Y Đại học Tân Tạo, việc học tiếng Anh của Triển bắt đầu được đẩy mạnh.

“Đây có lẽ là lý do mà em không thể nào nói được một câu tiếng Anh đơn giản” – Triển thật thà chia sẻ với tôi

Tôi không đồng tình lắm với chia sẻ của Triển, bởi vì, giống như tất cả các sinh viên y khoa Tân Tạo đã đến thực tập tại bang Indiana này, Triển khá khiêm tốn. Tất cả 12 sinh viên y khoa Đại học Tân Tạo (sang Mỹ thực tập) hiếm khi phát biểu ý kiến của mình và luôn tỏ ra lịch thiệp – đây có lẽ là truyền thống của đất nước họ.

Tiến sĩ Vijay Dave, giám đốc chương trình thực tập y khoa mùa hè cho biết: “Tôi đang nỗ lực để họ trở nên cứng rắn và quyết đoán hơn, và mạnh dạn phát biểu quan điểm của mình. Họ đang cải thiện từ từ.” Các bác sỹ Tân Tạo tương lai đã bắt đầu chương trình thực tập vào cuối tháng 5 để học hỏi từ các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khoẻ tốt nhất trong tiểu bang. Tôi đã theo chân các bác sĩ và sinh viên y khoa năm thứ ba kể từ lúc bắt đầu chương trình thực tập tại Trung tâm Y tế St. Mary ở Hobart.

Chương trình thực tập đã diễn ra trong suốt 38 năm qua, đã đào tạo hơn 1.100 sinh viên y khoa từ khắp Tây Bắc Indiana và từ nhiều quốc gia, bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Nigeria và Việt Nam. Xuân Trường với niềm đam mê giải phẫu hào hứng kể lại: “Em được luân chuyển qua rất nhiều phòng ban, đặc biệt là phụ tá cho các bác sỹ phụ sản. Em mong ước trở thành một chuyên gia về OB-GYN, vì vậy em dành nhiều thời gian hơn cho phẫu thuật.” Giống như nhiều sinh viên Việt Nam ở đây vào giữa tháng 7, Trường sống ở Hobart. Người đỡ đầu cho Xuân Trường là một y tá của Trung tâm Y khoa St. Mary. “Mẹ nuôi của em rất tốt với em, mọi người đều xem em như là người thân trong gia đình vậy” Trường xúc động kể lại.

Trong thời gian rảnh rỗi, Xuân Trường thường đi chơi với bạn bè, đi mua sắm hay đi tham quan. “Đây là khu vực tuyệt vời, an toàn và yên bình, mọi người thân thiện. Thỉnh thoảng, khi em gặp những bài tập khó, em dành thời gian rảnh rỗi đó để học hay thảo luận với bạn bè của mình.” Trường giữ liên lạc với gia đình ở Việt Nam, nhắn tin với mẹ mỗi ngày và gọi về gia đình mỗi tuần một lần. “Em cũng thường hay nhớ nhà, nhưng nỗi nhớ ấy không thường trực bởi vì công việc thực tập tại bệnh viện khá bận rộn.”

Chương trình thực tập y khoa đã hợp tác với Bệnh viện Methodist và Trường Y khoa Indiana, nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên được tham gia vào khóa học về giải phẫu vào tuần tới. “Em đã học được rất nhiều điều từ chương trình thực tập tại Hoa Kỳ này. Em cảm thấy rất may mắn vì được trao cho cơ hội này. Việc thực tập tại Mỹ là một trải nghiệm rất khác biệt. Điều tuyệt vời nhất em học được từ các bác sĩ là làm việc theo nhóm, thực sự khác với ở Việt Nam. Hệ thống y tế hoàn toàn tốt hơn ở Việt Nam. Dù thành viên trong nhóm ở đây có tốt đến đâu đi nữa, dù vị trí của họ cao đến đâu đi nữa, họ vẫn phải tôn trọng mọi người trong nhóm của họ và trước khi làm việc gì đều phải có sự đồng thuận của cả nhóm. Điều quan trọng nhất là phải làm được những điều tốt nhất cho bệnh nhân,” Triển chia sẻ với tôi.

“Đó là chìa khoá để thành công, mà em đã học được từ Bác sĩ Dave”, Triển tiếp tục “Em không thể quên một câu nói mà bác sĩ Dave đã dạy em: “Nếu bạn muốn kiếm tiền, hãy tìm một công việc khác. Đừng đuổi theo tiền, để tiền đuổi theo bạn”. Bác sĩ Dave cho biết thêm, sinh viên sẽ luân phiên thực tập trong tất cả lĩnh vực nghiên cứu cũng như phẫu thuật, phòng thí nghiệm tim mạch, phòng cấp cứu và chụp X quang. Các sinh viên thực tập cũng đi tham quan một ngày tại trường đại học y khoa Indiana ở Indianapolis. “Trên đường trở về, tôi đưa họ đến Fair Oak Farms để làm kem,” Dave nói. “Họ cũng đến nhà tôi để xem một sự kiện gây quỹ chính trị giống như ở Hoa Kỳ, họ thích thức ăn Ấn Độ của chúng tôi.” Trần Triển đã nghe rất nhiều về Hoa Kỳ, vì vậy mà cậu ấy không quá ngạc nhiên, bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến đây. “Em thực sự thích văn hoá giao thông của người Mỹ, rất lịch sự và văn minh. Các phương tiện luôn dừng lại để nhường đường cho người đi bộ, điều mà em chưa bao giờ thấy khi ở Việt Nam.”

Đây là lần đầu tiên Triển xa nhà lâu như vậy. “Em nhớ gia đình, người yêu, bạn bè và những con đường mà em thường đi học.” Triển chia sẻ. “Người dân ở đây rất thân thiện, tử tế và văn minh.”

Các thực tập sinh đã thăm Chicago để xem Thủy cung Shedd, Garfield Park, Viện Nghệ thuật Chicago và Công viên Thiên niên kỷ. Hi vọng đây sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến thực tập tại Hoa Kỳ của các bác sĩ tương lai này.

Mặc dù tình trạng hỗn loạn hiện nay đối với chương trình chăm sóc sức khoẻ Obamacare, nhưng các sinh viên cho biết hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Mỹ vẫn rất ấn tượng. “Thành thật mà nói, hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Hoa Kỳ tuyệt vời hơn ở Việt Nam rất nhiều lần. Tất cả mọi thứ, từ cơ sở, trang thiết bị cho đến đội ngũ nhân lực như bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên …hợp tác làm việc theo nhóm vô cùng ăn ý và chuyên nghiệp.” Trường hào hứng kể lại những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thực tập tại Hoa Kỳ của mình.

Bác sĩ Dave phát biểu “Các sinh viên sẽ quay về Việt Nam với một ấn tượng rất tích cực về Tây Bắc Indiana và Hoa Kỳ. Tôi rất tự hào là một phần trong chương trình này.” Một trong những điều cuối cùng mà Xuân Trường nói với tôi, làm tôi thực sự rất bất ngờ “Cảm ơn vì sự quan tâm của mọi người dành cho các thực tập sinh tụi em.”

(dịch từ Bài báo đăng trên tạp chí Chicago với tựa đề Healthcare system impresses Vietnamese med students (tác giả: Jerry Davich)