Giáo sư Ngô Bảo Châu: ‘Người thầy vĩ đại là người biết đặt câu hỏi hay’

302

Theo Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu, cái khó nhất là cần người thầy hướng dẫn, người không phải trả lời câu hỏi mà đặt ra những câu hỏi.

GS Ngô Bảo Châu và thầy mình, GS Laumon, trong buổi lễ đón tiếp các thành viên nước ngoài mới của Viện hàn lâm khoa học Pháp

Sáng nay 21.4, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi nói chuyện trực tuyến với hàng trăm sinh viên Việt Nam. Tại đây, ông đã chia sẻ nhiều góc nhìn về việc học, vai trò người thầy hiện nay.

“Biết cách tìm kiếm thông tin bổ ích là điều quan trọng”

Mở đầu buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu đặt vấn đề bằng một câu hỏi đơn giản – việc học nay khác xưa ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông bắt đầu bằng bối cảnh thực tế của chính buổi trao đổi trực tuyến này.

GS Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện trực tuyến sáng nay

“Thực ra mọi thứ khác rất nhiều. Nay, nhờ internet, tôi đang ở Chicago (Mỹ) nhưng có thể nói chuyện với 400-500 bạn trẻ ở Việt Nam. Mạng xã hội dù có những tiêu cực, nhưng mặt khác cho loài người cơ hội chưa từng có, là để học”, GS dẫn dắt.

Nói về vai trò của mạng internet, theo GS Ngô Bảo Châu, cái hay là khi đặt ra một câu hỏi trên mạng sẽ có rất nhiều câu trả lời, đặc biệt trong các diễn đàn – trong số rất nhiều câu trả lời này sẽ có những câu trả lời rất chất lượng. Có thể không phải đó là đáp án cuối cùng nhưng từ đó chỉ cho chúng ta nơi tìm thấy câu trả lời từ đâu.

‘Tôi hy vọng con người thân thiện hơn với thiên nhiên’

Trước câu hỏi của về thách thức và cơ hội do dịch bệnh Covid-19 đặt ra, theo GS Ngô Bảo Châu, thách thức rất lớn, có thể nói là rúng động vì tất cả thế giới đều phải dừng lại (chỉ trừ những người phải làm nhiệm vụ).

Nhưng cơ hội ở đây chính là đa số mọi người sẽ có sự thức tỉnh lớn, nhu cầu thay đổi về cuộc sống là cần thiết. Đây là cảnh báo cho từng cá nhân suy nghĩ lại cuộc sống từng người, từng gia đình, từng tổ chức xã hội.

“Từ sự thay đổi nhận thức đó, tôi hy vọng sẽ có những sự thay đổi trong tổ chức cuộc sống, sống nhịp nhàng và đơn giản hơn, con người thân thiện hơn với thiên nhiên”, GS bày tỏ.

Khác hẳn ngày xưa, nay vai trò của mạng, sự chia sẻ thông tin vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sử dụng mạng mà không bị phân tán, thay vào đó biết cách tìm kiếm thông tin bổ ích là điều quan trọng. Trong điều kiện quá nhiều thông tin và thông tin nhiễu, làm sao để biết được thông tin đúng là khó. Khó nhưng theo GS vẫn có thể làm được bằng cách chịu khó đọc, so sánh những nguồn khác nhau. Khi chúng ta có thói quen tìm hiểu vấn đề thì sẽ có đường dẫn ta tới thông tin đúng.

Quay lại với việc học, GS Châu cho rằng: “Ngày nay, thực chất chúng ta không cần phải học trong một ngôi trường tốt, có thư viện tốt như xưa. Cái khó nhất là cần người thầy hướng dẫn, người không phải trả lời câu hỏi mà đặt ra những câu hỏi”.

GS nhấn mạnh: “Người thầy giỏi biết đặt câu hỏi giỏi và để trả lời cần phải học rất nhiều thứ, qua đó không chỉ trả lời câu hỏi này mà rất nhiều câu hỏi khác”.

“Nên bắt đầu từ một câu hỏi”

Về vai trò người thầy, GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ góc nhìn khác giữa nay và xưa. “Ngày xưa, thầy nói cho chúng ta biết chân lý là gì. Nhưng nay, tôi nghĩ quan điểm này không đúng nữa. Người thầy vĩ đại là người biết cách đặt ra những câu hỏi hay, thôi thúc chúng ta đi tìm chân lý”.

Theo GS, khi có hàng nghìn vấn đề không thể nhớ hết thì quan trọng là phải ngăn nắp và đơn giản hóa. “Để đầu ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ, hãy tập thói quen truyền đạt cho người khác. Truyền đạt mà gạt bỏ thông tin thừa, trong đầu mình sẽ sáng sủa hơn. Khi bạn nói người khác hiểu ngay thì bạn đã rất hiểu vấn đề”, GS Châu nhấn mạnh.

Động lực của việc học tập là động lực sống của mình. Khi con người sinh ra đã có bản năng cơ bản là muốn mỗi ngày tốt hơn, cải thiện chính bản thân mình, môi trường xung quanh và thế giới. Mỗi ngày chúng ta tự hoàn thiện bản thân mình hơn, đó chính là động lực cơ bản cho việc học tập.

GS Ngô Bảo Châu

Trước câu hỏi của sinh viên về phương pháp học ĐH, GS Châu giải đáp: “Học ĐH và sau ĐH khác phổ thông là không phải cầm giáo trình đọc từ đầu đến cuối quyển sách. Thay vào đó nên bắt đầu từ một câu hỏi để từ đó đi tìm những gì liên quan. Câu hỏi là vô cùng quan trọng, là cơ hội và giúp chúng ta có mục đích để tìm tòi trả lời câu hỏi đó”.

Trong khi trao đổi, GS đặt ra câu hỏi “làm thế nào để có phát kiến mới?”. Trả lời câu hỏi này, ông nói: “Tôi nghĩ không thể nào phát kiến tự nảy ra trong đầu chúng ta. Thực ra, tất cả phát kiến là do chúng ta có kinh nghiệm. Khi chưa đi làm thì kinh nghiệm này có thể đến từ việc giải quyết nhiều tình huống trong học tập”.

Trước câu hỏi của sinh viên, làm sao để không bị bạn bè lôi kéo vào việc vô bổ, GS Châu có những chia sẻ cặn kẽ. Ông nói: “Cá nhân tôi gần 1,5 tháng nay không tiếp xúc với xã hội mà chỉ làm việc qua mạng. Ngày nào cũng trao đổi với sinh viên nhưng không có gì thay thế được sự gặp gỡ trực tiếp. Chỉ sự tương tác giữa người với người là động lực lớn để làm việc và học tập”.

Từ đó, trả lời câu hỏi trên, GS cho rằng: “Đơn giản, tôi nghĩ chúng ta cần xã hội, trong đó có bạn bè. Từ đó chúng ta có thể học được từ người khác và học được từ chính những điều chúng ta truyền đạt cho người khác”. Nhưng theo ông, không cần 1 hay 2 nghìn người hưởng ứng hô hào, không được chạy theo sự thể hiện của mình và thậm chí cần cảnh giác trước sự tán đồng của người khác.

Buổi nói chuyện trên phần mềm trực tuyến của GS Ngô Bảo Châu do Trường ĐH Tân Tạo tổ chức sáng nay đã thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên, giảng viên.

Nguồn: thanhnien.vn