GS.Thạch Nguyễn- người mở đường Y học tim mạch can thiệp VN

32

GS. Nguyễn Ngọc Thạch (thường được gọi là Thạch Nguyễn) là người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất hiện nay được bầu vào Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội can thiệp Tim mạch học Hoa Kỳ, Giám đốc Tim mạch học Trung tâm Y khoa Saint Mary.

Ông cũng có tên trong các cuốn sách các Danh nhân “Ai là ai” (Who’s Who in America, Who’s Who in the World, Who’s Who in Science and Engineering, Who’s Who in Health Care and Medicin).

Người khai sáng cho tim mạch can thiệp Việt Nam

Mùa thu năm 1997, theo đề xuất và sự sắp xếp của GS. Thạch Nguyễn, 1 phái đoàn Hoa Kỳ gồm các bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực Tim mạch can thiệp đã đến Hà Nội để hướng dẫn, hỗ trợ, huấn luyện đội ngũ bác sĩ những kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến nhất lúc bấy giờ.

Họ giảng dạy bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”: cứ 1 chuyên gia Hoa Kỳ hướng dẫn 1 bác sĩ Việt Nam thực hiện từng kỹ thuật cụ thể trên lâm sàng. Có thể nói, đó là phương pháp giảng dạy vô cùng hiệu quả, rút ngắn thời gian đào tạo.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ: “Đến lượt mình, chúng tôi cũng áp dụng phương pháp đó để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác ở Việt Nam. Nhờ vào phương pháp truyền thụ hiệu quả đó, mà nền y học nước nhà giờ đây có thêm nhiều thế hệ bác sĩ tim mạch tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có thể làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt giá đỡ stent, đốt điện trong buồng tim, đóng các lỗ thông bẩm sinh trong buồng tim”.

Người mở đường cho sinh viên Việt Nam bước ra thế giới

Những ngày giữa tháng 10/2016, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin: “Sinh viên Việt Nam được trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị Tim mạch thế giới. Đó cũng là 3 người trẻ tuổi nhất Hội nghị, duy nhất đại diện Việt Nam tham dự sự kiện trọng đại này”.

3 sinh viên ưu tú được vinh danh chính là những học trò xuất sắc của GS. Thạch Nguyễn tại khoa Y, đại học Tân Tạo. Nghiên cứu mang tên “Phương pháp không can thiệp mới kiểm tra chính xác tình trạng mạch chất lỏng ở bệnh nhân bị giảm huyết áp” do sinh viên Trần Triển trình bày trong hội nghị được đánh giá cao bởi nó có tính ứng dụng và chi phí thấp.

Trước đó, ông cũng đã từng dẫn đoàn sinh viên tham gia thuyết trình các đề tài nghiên cứu về tim mạch được các chuyên gia đánh giá cao. Nghiên cứu này sau đó đã được đăng trên tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ: Journal of the American College of Cardiology (JACC).

Phạm Hồng Gia Nguyên, sau khi dự hội nghị, xúc động nói: “Em không ngờ mình có cơ hội được tham gia 1 hội nghị lớn đến thế. Phút đầu tiên, em bị choáng ngợp đến mức không thể thốt nên lời. Nếu không có Thầy Thạch Nguyễn, chúng em sẽ chẳng thể đi xa đến thế”.

 Đau đáu với sứ mệnh “trồng người”

Hơn ai hết, GS. Thạch Nguyễn hiểu rõ vì sao Hoa Kỳ là “thánh địa” sản sinh những nhà nghiên cứu, những phát minh khoa học có tầm ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Một trong những nguyên nhân chính nằm ở phương pháp giáo dục.

“Làm sao học Y theo phương pháp của Hoa Kỳ” là bài học nhập môn cho các sinh viên Y năm Nhất, đồng thời cũng là cốt lõi trong giáo trình đào tạo, huấn luyện các bác sĩ tương lai của khoa Y, đại học Tân Tạo.

Sinh viên được dạy cách tư duy kiểu Mỹ “luôn tìm tòi và tạo ra cái mới”, được khuyến khích “đi thẳng vào vấn đề và giải quyết đến cùng”. Kiến thức được thu thập, trau dồi, mài sắc bằng việc “học tập trên ca bệnh”.

Thầy mổ xẻ các diễn biến của ca bệnh, thuyết trình cách điều trị và giải thích cặn kẽ để sinh viên hiểu lý do. Mỗi một hồ sơ bệnh án được phân tích là mỗi lần sinh viên được trau dồi kiến thức chuyên môn, được “làm gương” về thái độ, cách ứng xử và tấm lòng nhân ái.

Sinh viên Lê Nguyễn Minh Quân tâm sự: “Em hoàn toàn bị thuyết phục bởi kinh nghiệm làm việc và giảng dạy của Thầy Thạch, và cảm thấy lựa chọn vào ngành Y của mình là đúng đắn, vì Thầy đã truyền cho em ‘lửa’. Ngọn lửa ấy tỏa ra từ 1 trái tim nhân hậu, 1 cuộc đời cao quý”.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/gs-thach-nguyen-nguoi-mo-duong-y-hoc-tim-mach-can-thiep-vn-359184.html