Hội thảo mở tiếng Anh (TESOL Unconferencevn) 2023-2024 với chủ đề “Transforming English Education Together” diễn ra tại Đại học Tân Tạo

1565

Sáng nay ngày 15/12/2023, khai mạc chào mừng Hội thảo mở tiếng Anh (TESOL Unconferencevn) 2023 -2024 với chủ đề “Transform English Education Together”. Tham gia buổi Hội thảo tổ chức tại Hội trường Levy Đại học Tân Tạo, có hơn 120 Quý Thầy Cô đến từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các cơ sở giáo dục, các tổ chức, doanh nghiệp ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo mở về tiếng Anh 2023 – 2024 tại Đại học Tân Tạo (TTU) đã ghi dấu ấn trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh và cũng là cơ hội quý báu cho quý Thầy Cô đại biểu, các nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục trao đổi chuyên môn, học hỏi lẫn nhau và kết nối sâu rộng trong cộng đồng giảng dạy tiếng Anh.

Trước đó, chiều ngày thứ 14/12/2023, tại Hội trường Levy Đại học Tân Tạo đã diễn ra buổi chào mừng quý Thầy Cô đến từ nhiều cơ sở giáo dục khác nhau trong và ngoài nước, tham dự chương trình Hội thảo mở và tham dự phiên họp trù bị (Pre-Unconference). Thay mặt đơn vị tổ chức là trường Đại học Tân Tạo và đại diện Ban chủ nhiệm dự án, TS. Đặng Thanh Nhơn phát biểu chào mừng đại biểu, và giới thiệu tôn chỉ, mục tiêu, và sứ mệnh của Dự án nhóm đoạt giải Cuộc thi Alumni Engagement Innovation Fund (AEIF) 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như trao đổi cùng đại biểu tham dự các chủ đề, chủ điểm (themes) sẽ thảo luận trong ngày diễn ra Hội thảo chính thức (15/12/2023) với chủ đề “Transforming English Education Together”.

TS. Đặng Thanh Nhơn – Trưởng khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Tân Tạo, Chủ nhiệm dự án tổ chức Hội thảo mở tiếng Anh (TESOL Unconferencevn) chia sẻ trong phiên trù bị Hội thảo ngày 14/12/2023.

Các thành viên của dự án TESOL Unconference

Trong phiên Khai mạc chính thức của Hội thảo (15/12/2023), đại diện của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Jeremy Luna, phát biểu trực tuyến dành cho Hội thảo.

Ngài Jeremy Luna, đại diện của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, phát biểu trực tuyến dành cho Hội thảo.

Đại diện cho Hội giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị tham gia Hội thảo, đồng thời là thành viên của Dự án, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Tài Chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF), phát biểu chào mừng Hội thảo.

TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Tài Chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF), Chủ tịch Hội giảng dạy tiếng Anh Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Với tư cách là đơn vị chủ nhà (host) của Hội thảo, trường Đại học Tân Tạo đã chào đón hơn 120 quý đại biểu Thầy Cô từ nhiều trường Cao đẳng, Đại học, các cơ sở giáo dục hác, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự. Tại buổi khai mạc, thay mặt các thành viên của nhóm dự án TESOL Unconferencevn, TS. John Baker đã trao kỷ niệm chương cho Ban Giám Hiệu nhà trường đã có những đóng góp tích cực cho sự thành công của hội thảo.

TS John Baker (bìa phải) trao kỷ niệm chương cho TS. Nguyễn Mai Lâm (bìa trái), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo

Đại điện các thành viên dự án, TS. Đặng Thanh Nhơn phát biểu cảm ơn đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ dự án, đến Ban Giám Hiệu trường Đại học Tân Tạo đã tạo mọi điều kiện, đến các thành viên của dự án, quý Thầy Cô tham gia làm Chủ trì các phiên thảo luận, các Thầy Cô tham dự hội thảo đã không ngại đường xa có mặt ngay cả phiên trù bị hội thảo, các thành viên truyền thông, các tình nguyện viên và đội hỗ trợ, cũng như tất cả mọi người đã góp phần làm nên thành công của hội thảo.

TS. Đặng Thanh Nhơn, Chủ nhiệm dự án, phát biểu cảm ơn tại Hội thảo
PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ thông điệp “Cùng nhau đổi mới để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh” tại phiên khai mạc Hội thảo.

Tham gia Hội thảo, với đại biểu từ nước ngoài, có PGS. TS. Dhirawit Pinyonattagarn đến từ Thái Lan. Với vai trò là một trong những Chủ trì phiên thảo luận (facilitator), PGS. TS Pinyonattagarn đã bay sang Việt Nam, dự họp phiên trù bị và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ở Thái Lan cùng Hội thảo.

PGS. TS Pinyonattagarn đến từ Thái Lan chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo chào đón Horizon TESOL, văn phòng Hội giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, và Nhà xuất bản National Geographic, và một số đơn vị khác cùng đồng hành tại hội thảo.

Horizon TESOL, văn phòng Hội TESOL Thành phố Hồ Chí Minh và một số đại biểu tại Hội thảo
Ông Trần Thiện Nhân (bìa trái), cố vấn giáo dục khối ELT, đại diện Nhà xuất bản National Geographic Learning và các đại biểu tại hội thảo.

Hội thảo đã quy tụ của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh với vai trò là Chủ trì các phiên tham luận như PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ (Phó Hiệu trường trường Đại học HUFLIT, Chủ tịch hội STESOL), PGS.TS Trần Quốc Thảo (trường Đại học HUTECH), PGS. TS Dương Mỹ Thẩm (trường Đại học UEF), TS. John Baker (trường Đại học Tôn Đức Thắng), TS. Trần Tín Nghị (Trưởng khoa Ngoại ngữ trường Đại học Công Thương Tp HCM), TS. Trần Thế Phi (Trưởng khoa Ngoại ngữ trường Đại học Sài Gòn), NCS Nguyễn Minh Trí (Viện TESOL Quốc tế), Thầy Nguyễn Hữu Phước (Học viện Zim), Thầy Joseph Doerpinghaus, TS. Nguyễn Thanh Long, TS. Đặng Thanh Nhơn (trường Đại học Tân Tạo), v.v. cùng quý Thầy Cô đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận sôi nổi, trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp thiết thực giải quyết những thách thức việc dạy và học tiếng Anh hiện tại và tương lai.

Chủ trì phiên thảo luận (facilitators) được trao chứng nhận tại buổi khai mạc

Với chủ đề Hội thảo “Transforming English Education Together”, các chuyên gia chủ trì phiên thảo luận cùng quý đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề liên quan phát triển chuyên môn và cập nhật cho giáo viên tiếng Anh như áp dụng công nghệ, Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong giảng dạy, các hoạt động và thủ thuật giảng dạy, vấn đề truyền cảm hứng và động lực cho người học, chiến thuật quản lý lớp học hiệu quả, các thủ pháp giảng dạy để tham gia kỳ thi tiếng Anh quốc tế như  IELTS, Toeic và các bài thi khác, đặc biệt vấn đề thảo luận liên quan đến giao tiếp liên văn hoá và việc chuẩn bị cho người học trở thành công dân toàn cầu thu hút nhiều đại biểu tham gia chia sẻ ý kiến.

Ngoài ra, Hội thảo còn tổ chức buổi giao lưu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm cách tổ chức hội thảo, các buổi họp chuyên môn hiệu quả và thiết thực. Với hình thức giao lưu, hỏi đáp, các chuyên gia và đại biểu tham dự cùng bàn luận, giới thiệu hình thức tổ chức cũng như giới thiệu nguồn tài trợ. Ngoài giới thiệu nguồn tài trợ từ một phần của dự án thông qua việc lựa chọn trao giải cho 2 đơn vị trường học làm đề xuất (proposals) để đơn vị tổ chức hội thảo mở tiếp theo (follow-on unconferences), các chuyên gia cũng cung cấp các nguồn tài trợ từ cơ sở giáo dục tại chỗ, các cơ quan , tổ chức, và doanh nghiệp.

Giao lưu hỏi đáp tạo ra tương tác đa chiều và không khí trao đổi sôi động
TS John Baker (giữa) đang trao đổi cùng đại biểu
ThS-NCS Nguyễn Minh Trí (bìa trái), PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (giữa) và TS John Baker (bìa phải) chia sẻ tại buổi giao lưu

Hội thảo mở tiếng Anh (TESOL Unconferencevn) 2023- 2024 là cơ hội để các Quý Thầy Cô trong cộng đồng tiếng Anh cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng, phương pháp và thủ thuật giảng dạy, lồng ghép công nghệ trong giảng dạy. Đồng thời hội thảo cũng đưa ra giải pháp thiết thực cho những vấn đề thường gặp cũng như những khó khăn thách thức trong quá trình giảng dạy. Mục tiêu của hội thảo mở là tối ưu hoá việc dạy và học tiếng Anh để đạt hiệu quả cao nhất.

Với định hướng phát triển sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giảng dạy, các giảng viên trường Đại học Tân Tạo không ngừng nâng cao nghiệp vụ, tham gia các hội thảo, các khóa bồi dưỡng tiếng Anh. Đặc biệt, trong suốt những năm qua, Nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyên đề, các buổi tập huấn với quy mô khác nhau cho cộng đồng giảng viên tiếng Anh, cùng kết nối với các đơn vị bạn, các cơ sở giáo dục, để cùng nhau góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.

Một vài hình ảnh tại Hội thảo và các phòng diễn ra phần trao đổi đề tài:

TS. Thái Công Dân phát biểu trong Hội thảo Tesol