Hợp tác quốc tế – chìa khóa tạo nên sự khác biệt

220

Hơn 9 lần đưa thực tập sinh đến Hàn Quốc, Hoa Kỳ, hàng trăm sinh viên tham gia hội thảo khoa học quốc tế… là những cơ hội cọ xát quý giá do Đại học Tân Tạo mở ra cho sinh viên.

Cùng thực tập với SV quốc tế ngành Y tại Hoa Kỳ – Ảnh: NVCC

Chìa khóa để bước ra thế giới là khả năng hợp tác quốc tế toàn diện cho thầy trò. Đặt tôn chỉ phi lợi nhuận, những người sáng lập mái trường tận dụng mạng lưới chuyên gia khắp thế giới để đan kết học trò vào, mở ra nhiều trải nghiệm học thuật bên kia biên giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, điểm khác biệt về hợp tác quốc tế không chỉ là yếu tố nhận dạng mà còn giúp “tồn tại” giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Thành thạo ngoại ngữ, nghệ thuật giao tiếp

TS Trần Dương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo và đoàn sinh viên khoa kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế MeKong – Ảnh: NVCC

Không ngại ngần ngoại ngữ, không tự ti năng lực, không ngại bắt tay kết nối. Đó là lời nhắn nhủ thường xuyên của GS Thạch Nguyễn – người thầy kèm cặp sinh viên mỗi lần đến Hoa Kỳ thực tập. “Nếu đang đi ngoài đường mà gặp các cậu con trai lái ôtô hỏi lên không, nhất quyết trả lời không. Còn lại, đừng ngại bắt tay với người lạ, nhất là trong các hội nghị khoa học”, vị giáo sư hay nói đùa mà nghiêm túc với nữ sinh như thế.

Để chuẩn bị hành trang lên đường sang Mỹ, từ đầu vào, tân sinh viên được yêu cầu trình độ tiếng Anh tối thiểu. Toàn bộ chương trình đều truyền đạt bằng tiếng Anh, riêng khoa y học song ngữ. Ngoại ngữ không chỉ giúp sinh viên hấp thu kiến thức mà còn nền văn hóa kiểu Hoa Kỳ.

Trải qua hai mùa thực tập ở bang Indiana và Texas, sinh viên Lê Nguyễn Tường Vy chia sẻ: “Mất một tuần đầu để làm quen cách bệnh viện, đại học ở Hoa Kỳ hoạt động. Chẳng hạn buổi sáng có giao ban bác sĩ nội trú, buổi trưa chỉ nghỉ ngơi 30 phút rồi phải vào làm. Đến mỗi chuyên khoa phải chuẩn bị vốn từ vựng chuyên ngành khác nhau. Văn hóa Mỹ ủng hộ người trẻ như mình hỏi han, đề xuất ý tưởng mới. Vì vậy, sinh viên không nên tự ti, e dè, nếu nắm nghệ thuật giao tiếp càng hòa nhập nhanh chóng”.

Theo GS Thạch, để thực tập ở bệnh viện Mỹ, trung bình một sinh viên phải tốn 1.000 USD mỗi tuần. Nhưng nhờ mối quan hệ tốt với lãnh đạo các bệnh viện mà sinh viên ĐH Tân Tạo được miễn học phí, sinh viên chỉ lo chỗ ở, chi phí sinh hoạt. Tận dụng những lần networking trước đó ở trường, sinh viên liên lạc với bạn bè quốc tế để tìm nhà ở giá tốt cho mỗi lần thực tập.

Cơ hội để người trẻ đi xa hơn

GS.BS Thạch Nguyễn – Q.hiệu trưởng – trưởng khoa Y và sinh viên Y khoa TTU – thuyết trình tại Hội nghị lần thứ 18 về tái thông mạch vành – Hàn Quốc – Ảnh: NVCC

Mặc dù trân trọng giá trị Á Đông, người đứng đầu mái trường Tân Tạo thường nhắn học trò, nhân viên đừng nặng nề lễ nghĩa. “Mình quý trọng con người nhưng đừng e sợ. Học trò ở Tân Tạo không nên xưng con, không khúm núm, sợ sệt thầy giáo. Ngược lại, hiệu trưởng có trách nhiệm báo cáo cụ thể, minh bạch với sinh viên, nhân viên vào đầu năm học”. Đó là phong cách giáo dục kiểu Mỹ mà nhà trường cố gắng đạt được.

“Không bao bọc, người thầy ở ĐH Tân Tạo không trông coi học trò mà gợi mở cánh cửa đi đến cơ hội tốt nhất cho mỗi sinh viên”, GS Thạch Nguyễn khẳng định. “Còn chìa khóa nào, cách làm ra sao phải do sinh viên học cách tự làm, tự giải quyết, đi ra thế giới cũng vậy”.

Qua nhiều năm, sinh viên ngành y, công nghệ sinh học, kinh tế lần lượt ra nước ngoài thực tập, tham gia nghiên cứu khoa học, đi báo cáo tại các hội thảo, hội nghị quốc tế ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

“Những chuyến đi đến bệnh viện lớn ở Mỹ cho Vy tiếp cận khoa học – công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, tạo mối quan hệ với thầy cô, bác sĩ uy tín để mở ra nhiều cơ hội để đi xa hơn trong nghề nghiệp tương lai”, Tường Vy sinh viên năm 5 khoa y chia sẻ.

Nền tảng kiến thức, ngoại ngữ, giao tiếp được xây dựng tại ĐH Tân Tạo bước đầu cho trái ngọt khi lớp y khoa đầu tiên sắp tốt nghiệp có 7 sinh viên dự định đến Mỹ thi lấy chứng chỉ hành nghề.

Để chất lượng càng tiệm cận với trình độ quốc tế, trong năm 2019, các bác sĩ, giảng viên tại trường sẽ được cử sang Hoa Kỳ học tập, đến bệnh viện, đại học để phát triển chuyên môn, mang về điều hữu ích cho học trò. Trong hành trình vươn tới chuẩn mực đó, nhà trường hằng tháng đều thỉnh giảng bác sĩ, giáo sư quốc tế về trao đổi học thuật.

Nguồn: tuoitre.vn