Khoa Học Dữ Liệu Và Trí Tuệ Nhân Tạo, Ngành “Hái Ra Tiền”

318

Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đã và sẽ là những lĩnh vực chi phối đời sống, việc làm của con người trong thời cách mạng công nghệ 4.0.

Giảng viên và sinh viên Khoa Kỹ thuật TTU

Hiện nay, công nghệ thông tin nói chung, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo nói riêng đều không thể thiếu cho nhu cầu phát triển của xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng đã và đang được ứng dụng trong nhiều mặt của đời sống, từ công nghệ đến y tế, từ cuộc sống hàng ngày đến những chiến lược kinh doanh tỉ đô la Mỹ. Đó là những lĩnh vực “hái ra tiền”.

Nhu cầu nhân lực cao, thu nhập không giới hạn

Theo Tiến sĩ Cao Tiến Dũng – Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Trường ĐH Tân Tạo (TTU), khoa học dữ liệu là một lĩnh vực liên ngành về các quá trình và các hệ thống rút trích dữ liệu hoặc hiểu biết từ dữ liệu ở các dạng khác nhau, kể cả ở dạng cấu trúc hay phi cấu trúc; là sự tiếp nối của một số lĩnh vực phân tích dữ liệu như khoa học thống kê, khai phá dữ liệu và máy học…

Các tập đoàn lớn như Facebook, Lazada, Tiki, Uber, Grab phát triển rất mạnh trên cái căn bản chính là chú trọng ứng dụng khoa học dữ liệu. Mở rộng câu chuyện, bất kỳ một công ty, một doanh nghiệp nào cũng luôn cần đội ngũ phân tích dữ liệu, phân tích nhu cầu thị hiếu từ đối tượng kinh doanh để tăng lợi nhuận, hay nói cách khác khai thác dữ liệu để làm ra tiền, mang tiền về.

Từ đó, ông Dũng cho rằng: “Đó là lý do một số trường đại học quốc tế và Việt Nam mở ngành đào tạo này, trong đó có TTU. Khi mọi lĩnh vực được số hóa và công nghệ thay thế con người, sinh viên học ngành này được trải nghiệm ngành học mang tính ứng dụng cao, xã hội đang rất cần nhân lực và thu nhập không giới hạn”.

Chia sẻ thêm về ngành đào tạo mới mẻ này, ông Dũng cho biết một sinh viên ngành khoa học dữ liệu có kiến thức khá đa dạng: từ toán thống kê, lập trình, học máy tính hay trí tuệ nhân tạo cho đến kiến thức chuyên ngành ứng dụng.

Trong khi đó, thị trường lao động hiện tại thì lại rất cần đội ngũ nhân lực có các kiến thức này. Từ các công ty công nghệ đến các công ty về thương mại điện tử, quảng cáo, ngân hàng, bảo hiểm, kho vận (logistics)…

“Bất kỳ công ty nào cũng cần đội ngũ phân tích dữ liệu, phân tích nhu cầu thị hiếu từ đối tượng kinh doanh để tăng lợi nhuận, hay nói cách khác khai thác dữ liệu để làm ra tiền, mang tiền về.” – Tiến sĩ Cao Tiến Dũng

Hiện Khoa Kỹ thuật của trường có 2 ngành: Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện. Trong đó ngành Khoa học máy tính có 2 định hướng chuyên sâu là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.

Là người nhiều năm tham gia giảng dạy tại khoa này, tiến sĩ Trần Duy Hiến cho biết học tại TTU, sinh viên đã có khả năng tiếng Anh rất tốt sau khi ra trường. Hiện tại đã có một số cựu sinh viên của khoa đang làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc…

Làm được chứ không phải học tốt

Với ngành đào tạo mới mẻ, đòi hỏi những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực, những giảng viên có chuyên môn cao đảm trách giảng dạy. Theo ông Dũng, 100% giảng viên của khoa đều có bằng tiến sĩ ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Canada…

Từ năm học 2019 – 2020, khoa đã kết hợp hình thức mời một số chuyên gia từ nước ngoài để dạy online cho sinh viên thông qua hệ thống họp trực tuyến.

Điều này giúp sinh viên được học trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu thế giới, có cơ hội tiếp cận các chuyên gia, giúp dễ dàng xin các khóa thực tập ở nước ngoài hoặc học bổng để học lên cao sau này.

Tiến sĩ Cao Tiến Dũng – phó trưởng khoa Kỹ thuật cùng sinh viên Hồ Thiên Lạc tham gia hội nghị quốc tế tại Hà Nội

Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng là lợi thế không nhỏ trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như làm việc và học tập trong môi trường quốc tế sau này.

Theo tiến sĩ Trần Duy Hiến – giảng viên của khoa – tỉ lệ sinh viên/giảng viên tương đối thấp nên các thầy cố vấn học tập theo dõi sâu sát năng lực cũng như sự tiến bộ của từng sinh viên, từ đó định hướng cụ thể ngành nghề chuyên sâu sau này một cách phù hợp nhất với khả năng của mỗi người.

Cũng theo ông Hiến, đối với những sinh viên có tư chất và mong muốn học sau đại học ở nước ngoài, các giảng viên tại khoa với các mối quan hệ sâu rộng với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, luôn sẵn lòng giới thiệu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bạn.

Đánh giá về những giá trị khác biệt của khoa, ông Dũng nhấn mạnh, giá trị cốt lõi cho thành công của người học là giáo dục khai phóng, đẩy mạnh khả năng tự học – tư duy học suốt đời của sinh viên.

Việc đa dạng hóa nguồn giảng viên (thông qua hình thức mời hợp tác dạy online từ xa) giúp sinh viên tự khám phá ra sở thích và năng lực của mình để học và xác định con đường cho bản thân.

“Yêu cầu đối với sinh viên của khoa là: Làm được chứ không phải là học tốt. Khoa tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện mình trước doanh nghiệp và chuyên gia thông qua các khóa thực tập, mời chuyên gia dạy từ xa” – ông Dũng nói thêm.

Như vậy, với một ngành học có sức hút lớn, học hoàn toàn bằng tiếng Anh với những giáo sư, tiến sĩ được đào tạo từ các nước phát triển, chương trình đào tạo linh động, sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật máy tính, điện điện tử của TTU có thuận lợi rất lớn khi tiếp tục theo học cao hơn ở nước ngoài, làm việc trong môi trường quốc tế đầy cạnh tranh nhưng cũng nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.

Học với giảng viên nước ngoài là cơ hội tốt

Hồ Thiên Lạc là sinh viên ngành khoa học máy tính – định hướng trí tuệ nhân tạo của TTU. Nói về quá trình học, Lạc cho biết “các thầy hướng dẫn học tập nhiệt tình, luôn trả lời tin nhắn hỏi bài mọi lúc mọi nơi.

Bên cạnh đó, sinh viên được học online với các thầy ở nước ngoài như Singapore hay Canada giúp sinh viên mở rộng kiến thức cũng như nâng cao khả năng tiếng Anh. Trường cũng hỗ trợ học miễn phí các khóa học online trên Datacamp và Coursera.

Một trong những cơ hội đáng kể đó là sinh viên có cơ hội tham gia các hội nghị, hội thảo về kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội cũng như TP.HCM. Ngoài ra sinh viên cũng được tham gia Trường hè Quốc tế do Viện Toán học Việt Nam tổ chức.