Công Nghệ Sinh Học Tân Tạo – Làm Chủ Tri Thức – Đẩy Lùi Dịch Bệnh

50

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dẫn đến sự đình trệ của các hoạt động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến công việc giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên ở các trường đại học. Chung tay cùng cộng đồng để ngăn ngừa thiệt hại gây ra bởi đại dịch, các nhà nghiên cứu về Công nghệ Sinh học trong nước cũng như quốc tế đã gấp rút và đi tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất các bộ kit chẩn đoán Covid-19 và Vaccine ứng dụng trong phát hiện nhằm ngăn ngừa dịch phát triển, đồng thời cũng đóng góp mạnh mẽ trong các phác đồ điều trị cho những trường hợp bị nhiễm virus.

Mặc dù việc đến lớp vẫn chưa thể thực hiện được, nhưng không vì thế mà giảng viên cũng như sinh viên khoa Công nghệ Sinh học – Đại học Tân Tạo phải ngừng toàn bộ công tác giảng dạy và học tập. Đồng hành cùng khẩu hiệu “We stay at work for you. Please stay at home for us”, khoa Công nghệ Sinh học đã cùng nhà trường sớm triển khai thực hiện phương pháp dạy và học Online. Việc dạy và học trực tuyến tại đại học Tân Tạo được triển khai rất nhanh chóng, đặc biệt khoa Công nghệ Sinh học đã phối hợp rất chặt chẽ với phòng đào tạo và các phòng ban để có những hướng dẫn rất cụ thể cho toàn bộ sinh viên của Khoa, nhằm cập nhật phương pháp học mới một cách hiệu quả nhất.

Chúng ta hãy cùng đến với các lớp học Online và lắng nghe những cảm nhận của các Thầy, Cô – những người không những tài năng mà còn rất tận tuỵ với nghề tại Khoa Công nghệ Sinh học – Đại học Tân tạo TTU:

Học online giúp cả thầy và trò linh động trong dạy và học, tránh việc tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch này. Đồng thời bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc trong công tác phòng chống dịch của Chính Phủ, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới WHO”, TS. Nguyễn Đình Trường – Quyền Trưởng Khoa Khoa Công nghệ Sinh học chia sẻ. Lớp Di Truyền học của Thầy còn rất đặc biệt bởi không chỉ có sinh viên Việt Nam mà còn có cả sinh viên quốc tế theo học. “Chất lượng luôn là tiêu chí hàng đầu tại Khoa Công nghệ Sinh học dù là học Online hay Offline” – TS. Nguyễn Đình Trường cho biết thêm. Sử dụng phương pháp dạy học trực quan dựa trên giải quyết vấn đề (Problem-Based Learning) cho từng tình huống cụ thể (phương pháp dạy theo Case Study) kích thích tư duy cho sinh viên khi phải liên tục “động não – brainstorming” tạo cho giờ học luôn thú vị và đầy ắp tiếng cười thông qua các cuộc “tranh luận nảy lửa” để đánh tan không khí có phần tẻ nhạt khi đối diện với các bạn chỉ là chiếc máy tính đôi khi có phần “vô hồn”. Quan trọng hơn, “Tất cả các bài giảng của TTU đều được lưu lại trên hệ thống, việc này giúp cho sinh viên có dịp được xem lại nội dung bài giảng khi không thể tham gia lớp học vì một số lý dó bất khả kháng nào đó” – TS. Trường cũng cho biết thêm.

Thảo luận về Case Study trong Lớp Di Truyền học của TS. Nguyễn Đình Trường – Quyền Trưởng Khoa Khoa Công Nghệ Sinh học

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2013 Đại học Konkuk, Seoul, Hàn Quốc, TS. Trường bắt đầu nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm về Sinh học Bộ gen (Genome Biology Lab). Nghiên cứu của Tiến sĩ Trường tập trung về Di Truyền học (Genetics), Di truyền Miễn dịch (Immunogenetics), Epigenetics, Sinh học Tiến hóa (Evolutionary biology), Hệ genome (Genomics) và Phân tích dữ liệu lớn (Bigdata analysis)… Là một nhà nghiên cứu trẻ tài năng, Ông còn cộng tác với nhiều nhà nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm Hàn Quốc và nhiều nước khác để công bố nhiều công trình khoa học tai các hội thảo quốc tế cùng các tạp chí ISI/Scopus nổi tiếng như Nature, BMC Genomics, BMC Genetics, Animal Genetics, Oncotarget, DNA Research, Nanomaterilas, Tissue Engineering Hiện tại, TS. Trường đang tập trung nghiên cứu các mảng liên quan đến bệnh ung thư sử dụng mô hình động vật, các thuật toán AI, Machine Learning; và cùng nhiều dược chất có cấu trúc Nano định hướng ứng dụng trong hỗ trợ sức khoẻ trên người và động vật khác.

Nguyễn Đình Trường – Quyền Trưởng Khoa Khoa Công Nghệ Sinh Học TTU
(Chương trình Tư vấn Hướng nghiệp 2019)

Bên cạnh đó, lớp học về An toàn Sinh học (Biosafety) của TS. Nguyễn Minh Nam và Sinh hóa (Biochemistry) của TS. Tạ Văn Quang cũng là hai lớp học mà các sinh viên của Khoa yêu thích trong học kỳ này. Bởi nó hướng đến giúp các em hiểu được các nguyên tắc trong dịch tễ học, các nguyên tắc an toàn sinh học để có thể tự bảo vệ mình nhằm từng bước vượt qua mùa dịch.

Ngoài việc giúp giảng viên, phụ huynh và sinh viên an tâm trong việc phòng tránh Covid-19, dạy online giúp tránh được những bất tiện mà phương pháp truyền thống không có được như việc đi lại xa xôi, chỉ cần thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet là sinh viên có thể tham gia lớp học mọi nơi. Thầy và trò chủ động hơn trong giờ giấc. Sinh viên có thể xem lại bài giảng nhiều lần và ôn bài trước khi thi.” – TS. Nguyễn Minh Nam nói về chương trình dạy học Online của Khoa Công nghệ Sinh học TTU. Với việc lớp học 100% tiếng Anh và ứng dụng dạy học Zoom, tất cả các sinh viên đều có cơ hội thảo luận, nói lên ý kiến cá nhân cũng như đặt câu hỏi để tìm hiểu vấn đề sâu rộng hơn. Cũng nhờ vậy mà những phần tranh luận càng trở nên sôi nổi và thú vị.

Nguyễn Minh Nam – Chuyên gia Nghiên cứu Ung Thư, Big Data và Machine Learning Khoa Công nghệ Sinh học TTU

Với bảng thành tích “khủng” mà nhiều nhà nghiên cứu hằng ao ước: Tốt nghiệp Tiến sĩ Y Sinh tại Đại học Kyung-Hee, Hàn Quốc; Giáo sư Nghiên cứu tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Minh Nam sở hữu một nền tảng học thuật sâu rộng về Công nghệ Sinh học cùng với kinh nghiệm làm việc mang tính ứng dụng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực Sinh học Ung thư. Bằng cách phân tích Dữ liệu lớn kết hợp với sử dụng công cụ Học máy, ông đã thiết lập được nhiều loại chỉ thị phân tử ứng dụng trong tiên lượng/chẩn đoán sớm nhiều bệnh ung thư khác nhau như ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư liên quan đến não bộ nhằm hướng đến phát triển các phác đồ điều trị bổ trợ cho điều trị ung thư theo hướng cá thể hoá bệnh nhân ung thư.

Không chỉ dừng lại ở đó, là một trong những Giảng viên được sinh viên yêu mến trong Khoa vì biệt danh “Gấu”, lớp học Sinh Hóa của TS. Tạ Văn Quang lúc nào cũng đầy đủ mọi người mà không cần phải điểm danh. “Phương pháp học Online khắc phục những nhược điểm của việc học truyền thống. Khoảng cách địa lý được rút ngắn, có thể chuyển tài liệu giảng dạy nhanh chóng nhưng đôi lúc hệ thống máy tính chưa được đồng bộ nên giảng viên khó có thể đánh giá được mức độ tập trung của sinh viên” TS. Quang chia sẻ.

Tạ Văn Quang – Giảng viên Khoa Công Nghệ Sinh Học, chuyên gia giảng dạy về Ung Thư, Vi Sinh và Sinh học Phân tử

Tạ Văn Quang tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Quốc Gia Pukyong, Busan, Hàn Quốc. Ông làm việc trong phòng thí nghiệm Sinh hoá Nghiên cứu về Ứng dụng Sinh vật từ Đại dương. Tiến sĩ đã cộng tác với các thành viên của lab Dược Lý phân tử – Đại học Sungkyunkwan, Viện Nghiên Cứu Thực Phẩm Hàn Quốc, và các thành viên trong phòng thí nghiệm Sinh hoá – Đại học Quốc Gia Pukyong cùng nghiên cứu và đăng tải công trình trên các tạp chí quốc tế như American Journal of Physiology-Lung Cellular and Molecular Physiology, European Journal of Pharmaceutical Sciences, Marine Biotechnology, Life Sciences, Cellular Immunology. Hiện tại, Ông đang tập trung vào nghiên cứu về bệnh ung thư và các hợp chất tự nhiên có thể mang lại ứng dụng có lợi đối với sức khoẻ con người.

Đinh Thị Yến Phương – Chuyên gia về Bệnh học Thực vật tại Khoa Công nghệ Sinh học TTU

Cũng đồng quan điểm đó, theo TS. Đinh Thị Yến Phương “Dạy Online an toàn cho sinh viên và giáo viên trong giai đoạn dịch cúm CoRona này. Thuận tiện cho mọi người, có thể tham gia lớp mọi nơi là điểm khác biệt nhất so với lớp truyền thống”. TS. Đinh Thị Yến Phương tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Washington State, Hoa kỳ về Sinh học Phân tử của bệnh cây, về mối tương tác giữa cây trồng và dịch hại. TS. Phương cùng các Giáo sư và đồng nghiệp của mình đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế như Bioscience Reports, Journal of Nematology, Phytopathology, Nematology, AoB Plants và Plant Growth Regulation. Sau hơn 10 năm làm việc trong phòng thí nghiệm về Công nghệ Sinh học, TS. Phương đang có định hướng ứng dụng Công nghệ Sinh học ra thực tế sản xuất, nhất là tại các nông trường lớn. Hiện nay, các tập đoàn nông nghiệp của Việt Nam và cả trên thế giới đang có nhu cầu cao về lực lượng kỹ sư chất lượng cao ngành Công nghệ Sinh học nông nghiệp vì sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản mà vẫn bảo vệ tốt môi trường xung quanh. Do đó, TS. Phương đang nỗ lực định hướng cho các mầm non Công nghệ Sinh học TTU để trưởng thành và trở thành những trụ cột trong công cuộc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao.

Tìm hiểu thêm về Khoa Công Nghệ Sinh Học TTU