“Niềm đam mê Y khoa trong tôi luôn bùng cháy cùng những hoài bão và dự định tương lai”

214

Đấy chính là những chia sẻ của Võ Minh Việt – sinh viên Y khoa năm cuối của Trường Đại học Tân Tạo trước một trong những bước ngoặt lớn của cuộc đời – tốt nghiệp và tiếp tục sứ mệnh của một bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Dù còn đang là sinh viên nhưng Võ Minh Việt đã là đồng tác giả của hai quyển sách “Management of Complex Cardiovascular Problems” và “Current Pharmaceutical Design” được xuất bản bởi Bentham Science Publishers, chuyên trang về công nghệ và những ứng dụng đột phá trong y học. Cậu bạn tiếp tục những thành công của mình với hai bài báo cáo khoa học được công bố trên tạp chí trường Đại học Tim Mạch Hoa Kỳ (Journal of the American College of Cardiology) trong khi vẫn còn đang theo học ngành Y Đa khoa tại Đại học Tân Tạo.

Minh Việt (giữa) tham dự hội nghị tại Hoa Kì

Minh Việt là một trong những sinh viên ưu tú tiên phong được TTU cử sang Hoa Kỳ để thực tập tại bệnh viện St. Mary Medical Center, tham gia chương trình Phẫu Tích của Giáo sư Talarico và khóa học Hồi Sức Cấp Cứu với Tiến sĩ Quincy Trần. Ở độ tuổi đôi mươi, Việt đã vinh dự trở thành diễn giả tại Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 26 GWICC tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Minh Việt (phải, ngoài cùng) tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Hành trình không dễ dàng

Với xuất phát điểm là “dân trường chuyên lớp chọn”, ngay từ những ngày đầu, Việt đã hình thành niềm say mê với các môn tự nhiên, đặc biệt là bộ môn Sinh học. Nhưng để đam mê không chỉ là lời nói suông, cậu bạn đã nỗ lực rất nhiều, đưa Sinh học cùng mình “chinh chiến” trên mọi “đấu trường” và thu về quả ngọt. Trong hai năm, Việt đã có cho mình giải nhất cuộc thi Sinh học của Thành phố Hồ Chí Minh và huy chương vàng bộ môn Sinh học trong kỳ thi Olympic toàn thành phố. Chính những thành tựu trên đã đưa Việt bén duyên với Y khoa và quyết định “dành cả thanh xuân” để theo đuổi chuyên ngành này tại Trường Đại học Tân Tạo.

Có được một khởi đầu tốt đẹp, nhưng với Việt, con đường đến với ngành Y chưa bao giờ là dễ dàng. “Đối với một môi trường đầy đặc biệt như Tân Tạo, nói riêng với sinh viên Y khoa thì việc học tập luôn luôn là cấp số mũ khi so sánh với thời gian cá nhân”. Bên cạnh bài vở trên giảng đường như bao sinh viên khác, áp lực của các bạn còn đến từ những ngày “sáng đi lâm sàng, chiều lên trường nghe giảng”, những đêm mất ngủ vì trực bệnh viện, vì bài tập chưa xong hay báo cáo thực hành còn dang dở.

“Bận thì bận thật nhưng vẫn có rất nhiều niềm vui trong những ngày tụi mình cùng nhau học tập, chung ca trực bệnh viện đêm. Đó là một lát cắt của cuộc sống sinh viên mà mình khó lòng quên được”, Việt nhớ lại.

Chia sẻ về những đặc sản của “dân học y”, Việt bồi hồi: “Trong ca trực, do ở Việt Nam bệnh viện chưa có phòng cho sinh viên ngủ, nên sinh viên thực tập thường kê ghế lại ngả lưng tạm, hoặc là nằm ra sàn gối đầu lên cặp chợp mắt tạm chờ đêm qua thôi. Để giúp nhau không ngủ gục trong ca, mọi người thường chuyện trò, kể chuyện ma, đố vui hay hát hò. Vất vả như thế nhưng không bao giờ thiếu niềm vui”.

Tất cả những điều ấy, đối với Việt, là những thử thách cần thiết để trui rèn nên một bác sĩ không chỉ có kỹ năng và kiến thức tốt mà còn có một cái tâm sáng đối với nghề.

Người thầy, cũng là người “thợ” khóa mở cánh cửa tiềm năng

“Để có được bảng thành tích lý tưởng cùng với những trải nghiệm độc đáo mà nhiều sinh viên Mỹ cũng chưa có cơ hội đạt được thì Trường Đại học Tân Tạo đóng góp rất lớn vào thành công của mình.” Học ở TTU đã cho Việt được 3 điều mà không phải sinh viên nào cũng có: Thái độ của một người làm nghiên cứu khoa học; Những người thầy vô cùng tài năng, giàu nhiệt huyết và cuối cùng là cơ hội được mở rộng tầm nhìn, được kết nối với nền giáo dục của thế giới.

Việt tham gia khóa học Hồi Sức Cấp Cứu của Tiến sĩ Quincy (Hoa Kì)

Triết lý giáo dục khai phóng là cốt lõi của tất cả các hoạt động giảng dạy tại Đại học Tân Tạo. Người học ở đây không phải chỉ học kiến thức, mà là học “cách học, cách nghĩ, cách sống”, TTU sẽ không dạy sinh viên trở thành bất kỳ ai khác ngoài chính họ. Các giảng viên, bên cạnh là người dạy học, họ còn là những người hướng dẫn, tận tâm giúp đỡ sinh viên để tiềm năng thực sự của họ được tỏa sáng. Việt cho biết, bạn có được các kỹ năng để học, suy nghĩ và giải quyết vấn đề hiệu quả là nhờ Giáo sư Thạch Nguyễn, Quyền Hiệu trưởng của TTU.

Giáo sư Thạch Nguyễn – người soi đường để sinh viên phát triển tiềm năng

“Thầy vô cùng nhiệt huyết với sinh viên, là người đã truyền cho mình niềm đam mê, sự tự do khai phá những sáng kiến mới để nâng cao nền y khoa của thế giới. Quan trọng hơn hết, mình được học tác phong của người làm khoa học-đây là một việc rất thường thấy ở Mỹ nhưng lại trở nên vô cùng lạ lẫm ở Việt Nam. Mình tin rằng hành trình của mình sẽ khó khăn hơn, trắc trở nhiều hơn nếu không có cơ hội được gặp thầy”.

Về dự định tương lai, sau khi tốt nghiệp, Việt sẽ tập trung cho kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề bác sĩ tại Hoa Kỳ USMLE. Chúc cho Việt những điều tốt đẹp nhất trong kỳ thi sắp tới và bước đi thật vững vàng trên con đường mình đã chọn.