Sinh Viên Tân Tạo tiên phong tìm kiếm nét chấm phá của thanh xuân

48

“Cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi sau khi đi du học. Hãy xách ba lô lên mà đi, hỡi những người đang tìm kiếm nét chấm phá của riêng mình”.

Với tất cả những ai đã trải qua khoảng thời gian sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, những câu hỏi như: “Đi du học như thế nào? Cuộc sống ở bên Hoa Kỳ có tốt không?” và vô vàn câu hỏi giống như vậy chắc hẳn cũng không còn xa lạ nữa. Nhưng đối với tôi, câu trả lời khó có thể trọn vẹn bởi những cảm xúc và trải nghiệm có được tại nước ngoài cực kì đa dạng và phong phú. Có lẽ, từ duy nhất mà tôi có thể dung để tổng kết chuyến hành trình với rất nhiều thử thách và bài học chính là từ “tuyệt vời”

Trở về từ Hoa Kỳ, thật khó cho tôi để miêu tả tường tận về những bài học trải nghiệm, những chuyển biến trong tính cách và suy nghĩ của mình. Tôi đã trở nên khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn và quan trọng nhất là biết nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính đa chiều. Quãng thời gian học tập và làm việc tại Pennsylvania và Illinois cũng như sinh sống cùng cộng đồng Hoa Kỳ đã thay đổi cuộc sống của tôi quá nhiều theo một cách tích cực mà tôi chưa từng nghĩ tới trước đó. Chuyến đi cũng chính là nền tảng cực kì vững chắc để tôi theo đuổi những dự định tiếp theo.

Tôi không còn phán xét nhiều như trước

Người Mỹ có một văn hóa làm việc cực kì độc lập mà tôi được học hỏi từ người thầy cao cả – Giáo sư, Thạch Nguyễn, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo. “Mind your business. Americans don’t care about other’s jobs. You do what you do. I do what I do” (tạm dịch: Hãy lo việc của mình đi. Người Mỹ không quan tâm đến việc của người khác đâu. Anh làm việc của anh. Tôi tập trung làm việc của tôi).

Các sinh viên cùng Giáo sư Thạch Nguyễn – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo

Khi đi du học, tôi biết rằng ngoài nơi tôi đang sống, thế giới ngoài kia hoàn toàn khác biệt và mới lạ. Sự khác biệt không chỉ nằm ở ly cà phê Starbucks hay chiếc bánh hamburger mà còn nằm ở phong cách sống, làm việc và cách nhìn nhận quan điểm đối lập. Nếu đây là lần đầu tiên bạn đến Hoa Kỳ, bạn sẽ nhận xét rằng người Mỹ chi quá nhiều tiền cho công việc giặt ủi, đặc biệt là máy sấy quần áo. Tôi đã nghe một người Trung Quốc nói rằng: “Tại sao người Mỹ không dùng ánh nắng mặt trời để làm khô quần áo? Tại sao họ lại phải tốn tiền cho chiếc máy sấy?”. Nhưng ít ai biết được rằng, Pennsylvania là một khu vực gần thủ đô Washington, nơi có khí hậu lạnh và chỉ có duy nhất 60 ngày nắng, suốt thời gian còn lại là thời tiết lạnh, với tuyết và mưa. Đó cũng là lý do người Mỹ rất thích tắm nắng và tổ chức các hoạt động ngoài trời cho dù đang giữa trưa nắng.

Cuộc sống ở mỗi quốc gia là những bức tranh riêng biệt và những trải nghiệm ở mỗi nơi cũng không bao giờ giống nhau. Từ đó, tôi không bao giờ coi mình là đúng để phán xét mọi người hay phản ứng với những quan điểm đối lập bởi chính những khác biệt đó mới là điều tạo nên sự thú vị trong văn hóa và con người.

Cuộc đời này quá ngắn ngủi để sợ hãi mọi thứ

Lần đầu tiên trong cuộc đời, chàng trai 19 tuổi xách ba lô đến Hoa Kỳ, thực tập tại văn phòng Thượng Nghị sĩ của Tiểu bang và sinh sống tại đó trong 1 tháng. Chắc hẳn các bạn đã nghĩ rằng phải chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng mới dám làm như vậy đúng không? Thực ra thì, chàng trai ấy chẳng có gì trong tay ngoại trừ một trái tim “không biết sợ” và sự kiên định muốn đi đến cùng của con đường mình đã chọn.

Sinh viên TTU với các giáo sư của Trường Đại học Indiana, Pennsylvania

Mahatma Gandi đã từng có một câu nói cực kì nổi tiếng, đã khắc sâu trong tâm trí và trở thành kim chỉ nam sống của tôi: “ Be the change that you wish to see in the world” (tạm dịch: Hãy trở thành nhân tố thay đổi mà bạn muốn thấy). Không giống như Việt Nam, đi bộ qua đường là một nỗi sợ khủng khiếp đối với tôi. Nỗi sợ ấy còn to lớn hơn cả súng đạn bởi vì người Mỹ thường chạy xe rất nhanh, trung bình khoảng 80 km/h. Nếu muốn sang đường ở Hoa Kỳ, đặc biệt ở Pennsylvania, bạn sẽ phải nhấn nút để xin tín hiệu qua đường. Khi nào tất cả xe dừng lại ở đèn đỏ, đó chính là lúc người đi bộ có quyền qua đường. Nhưng tín hiệu đèn đỏ không áp dụng cho xe rẽ trái hoặc rẽ phải, đồng nghĩa với việc bạn có thể gặp tai nạn trong khi đi bộ qua đường. Tôi đã từng bị một tài xế quát mắng khi qua đường lúc ông ấy đang rẽ vào một con hẻm. Tôi đã rất sợ và không dám đi qua con hẻm đó trong vòng 5 ngày. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đã đủ dũng cảm để đối diện với nỗi sợ và bước đi một cách vững vàng trên con đường mình đã chọn.

Các bạn trẻ có thể tự tạo cho mình thật nhiều những trải nghiệm quý giá hơn bằng cách gạt nỗi sợ sang một bên. Cuộc sống này thực sự quá ngắn ngủi để cứ sợ hãi mãi.

Đường phố tại Indiana, Pennsylvania

Bạn nhận ra bạn chẳng là ai cả. Phải học hỏi, học hỏi và học hỏi thật nhiều

Dù bạn có là người nổi tiếng, hay con của ông to bà lớn nào, thì sang nước ngoài, bạn cũng chẳng là ai cả. Hay dù ở nhà bạn có giỏi giang đến mấy, thì qua đây, bạn sẽ gặp những người giỏi hơn bạn gấp trăm nghìn lần. Nền tảng của họ vốn đã ở vạch đích, bạn sẽ thức tỉnh ra bạn chẳng giỏi như mình nghĩ.

Tôi đã bị tát gáo nước lạnh này vào mặt khi thực tập tại Văn phòng của Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Joe Pittman tại Indiana, Pennsylvania. Trước chuyến thực tập này, tôi đã dành thời gian học hết lịch sử thế giới trong vòng 3 tháng, tìm hiểu các vấn đề xã hội cũng như đọc them về cách vận hành bộ máy công quyền Hoa Kỳ. Tôi chắc như đinh đóng cột sẽ hòa nhập và thích nghi nhanh với phong cách làm việc nơi đây dựa trên những điều mình đã chuẩn bị. Nào ngờ, tôi hoàn toàn bị động trước mọi thứ. Văn phòng của Thượng Nghị sĩ giải quyết những vấn đề chủ yếu liên quan đến giấy khai sinh, xử lý khiếu nại về nhà đất, các điều luật và xử lý khiếu nại liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải Pennsylvania (PennDOT). Tôi đã rất “shock” và phải mất tới 1 tuần để làm quen với tất cả các giấy tờ, văn bản và quy trình làm việc. Gáo nước lạnh ấy như làm tôi tỉnh trong cơn mê và bắt đầu xuất phát từ con số 0. Không ai sinh ra đã là hoàn hảo, vì vậy, hãy học, học nữa, học mãi.

Các sinh viên TTU chụp hình cùng Thượng Nghị sĩ Joe Pittman (bên trái, ngoài cùng), đại diện Jim Struzzi (bên phải, ngoài cùng) và đại diện các văn phòng tại Pennsylvania

“Nghi ngờ bản thân” chính là một trong những thành tố ngăn cản các bạn trẻ theo đuổi những hoài bão lớn. Nhưng chuyến du học đã cho tôi thấy tôi có thể làm được: Đi thực tập tại văn phòng Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ, sống một mình ở một đất nước xa lạ và vượt qua những nỗi sợ, những thời điểm căng thẳng nhất ở Mỹ để có thể có được những trải nghiệm độc đáo nhất. Khi trở về, tôi nhận ra mình không thể trì hoãn sự tự tin và khả năng của mình lâu hơn được nữa. Đã đến lúc tôi tin vào bản thân và tìm kiếm thành tựu cho chính mình.

Nếu bất cứ ai hỏi tôi điều gì về du học, tôi sẽ thực lòng khuyên họ hãy theo đuổi cơ hội để ra nước ngoài học tập và khám phá. Những trải nghiệm mà du học mang đến thực sự rất tuyệt vời và chắc chắn nó sẽ thay đổi cuộc sống về sau của bạn hoàn toàn.

Trần Thanh Bình