Sinh viên TTU trở thành quản lý của P&G

182

Làm việc 8 tháng tại Công ty P&G Việt Nam, trải qua 3 vị trí tại phòng sale, Phương Trúc hiện đang đảm nhận vị trí Quản lý 3 nhãn hàng Gillette, Oral B và Olay tại hệ thống 32 siêu thị Big C. Với phong thái bình tĩnh, tự tin của Trúc bạn sẽ rất bất ngờ khi biết Trúc là sinh viên Đại học Tân Tạo ra trường mới 8 tháng. 3 tháng đầu tiên làm việc tại P&G là nhân viên bán hàng, 3 tháng sau Trúc được đề cử lên vị trí Quản lý kênh bán hàng của P&G tại hệ thống siêu thị Big C trên cả nước.

Phương Trúc chia sẻ với các bạn sinh viên Tân Tạo khóa sau

Sinh năm 1992 nhưng đã đảm nhận vị trí quản lý 67 nhân viên có thâm niên từ 7 đến 8 năm Phương Trúc gặp không ít áp lực, cô chia sẻ: “Khi đảm nhận vị trí này em phải lắng nghe nhiều hơn và hạn chế cái tôi của mình. Mỗi ngày đi làm lại học được một điều mới.”

Phong thái tự tin cần được chuẩn bị kỹ lưỡng

Khi được hỏi về bí quyết làm sao để có thể tự tin Trúc nói: “ Đối với sinh viên, sự tự tin chính là sự chuẩn bị tốt nhất và chắc chắn nhất về những gì mình chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên, khi nói bạn nên quan tâm đến người nghe. Ai đang nghe bạn nói? Họ muốn nghe cái gì? Họ sẽ học được cái gì từ những điều bạn nói?Thời gian, địa điểm nói chuyện? Buổi sáng khán giả của bạn sẽ nhiệt tình tiếp thu hơn so với buổi trưa khi họ mệt mỏi, từ đó bạn điều chỉnh cách nói chuyện cho ngắn gọn. Mỗi người có một cách riêng để luyện nói, em hay đứng trước gương để tập nói và học cách người khác nói trên phim. Đấy cũng là một cách rất tốt để luyện tiếng Anh.”

Công thức 40-60

Việc đi học là hoạt động dài hạn, hoạt động ngoại khóa là hoạt động ngắn hạn. Vậy làm sao cân bằng được giữa cái dài hạn và cái ngắn hạn? Bản thân Trúc không đặt ra mục tiêu phải đạt điểm tuyệt đối tất cả các môn học. Trúc thường giành 40% cho việc học và 60% cho việc tham gia các hoạt động. Nhưng không phải hoạt động nào cũng tham gia, có thể chia 60% quỹ thời gian cho 2 hoạt động thì sẽ hiệu quả hơn.

Học kỹ năng mềm

Điều quan trọng nhất khi tổ chức hoạt động sinh viên là phải thu hút được các bạn sinh viên tham gia. Kỹ năng này rất quan trọng, bạn có thể ứng dụng nó khi đi làm, thuyết phục sếp của bạn hay khách hàng của bạn.

Đối với nhà tuyển dụng, điểm số cao có thể sẽ gây được thiện cảm hơn, nhưng không vì bạn điểm rất cao mà được tuyển thẳng hay điểm quá thấp mà bị loại ra vì khi đi làm bạn cần rất nhiều kỹ năng mềm ngoài những kiến thức trên sách vở.

Lợi thế của sinh viên TTU khi đi xin việc

Theo Trúc, phản xạ tiếng Anh và kiến thức của sinh viên TTU tốt. Nhiều bạn sinh viên ở thành phố có vốn từ vựng nhiều hơn, phát âm tốt hơn, nhưng nhà tuyển dụng nước ngoài thường thích những ứng viên có phản xạ nhanh nhạy. Họ cũng đánh giá rất cao việc sinh viên TTU trải nghiệm một mô hình giáo dục rất mới tại Việt Nam.

Lời khuyên cho các bạn sinh viên khi đi xin việc

Khi còn học tại Đại học Tân Tạo, Trúc tham gia rất nhiều hoạt động không chỉ vì muốn có một cái lý lịch xin việc đẹp mà còn để tìm hiểu từ các anh chị lớn hơn sự khác nhau giữa việc đi làm và đi học. Nhà tuyển dụng cần gì và mình đã có cái gì?

Trước khi nộp đơn xin việc, các bạn sinh viên nên tìm hiểu rất kỹ về công ty từ website, qua những hoạt động cộng đồng hay những bài báo viết về họ. Một lời khuyên “xương máu”:  đừng ảo tưởng về 1 công việc dễ dàng, công việc càng khó thì bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm.

Trúc chia sẻ: “Thường nhà tuyển dụng rất quan tâm đến thái độ của bạn đối với công việc như thế nào? Bạn có cố gắng thử mọi cách để hoàn thành không?”