Tiến Sĩ Đoàn Văn Khánh: Nghiên Cứu Khoa Học – Khó Khăn Mà Thú Vị

93

Tiến sĩ Đoàn Văn Khánh, một giảng viên trẻ được các sinh viên và cộng đồng nghiên cứu tại Trường Đại học Tân Tạo (TTU) yêu mến, bởi sự “vượt khó” để chạm đến những cột mốc khoa học bằng niềm đam mê với nghề. Gần đây nhất, nhân dịp hoàn thành một đề tài cấp nhà nước “Đường tín hiệu leptin trong điều hòa biểu hiện gen tyrosine hydroxylase và sự sinh tổng hợp các catecholamine” tài trợ bởi Quỹ Phát Triển Khoa Học Và Công Nghệ Quốc Gia (NAFOSTED), Thầy đã có những chia sẻ “rất thật lòng” về quá trình xin tài trợ, thực hiện đề tài cũng như con đường sự nghiệp khoa học của mình ở Việt Nam với các bạn sinh viên TTU.

Được biết, đây là đề tài cấp quốc gia đầu tiên của Khoa Y – TTU được nghiệm thu thành công và cũng là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của cá nhân TS. Đoàn Văn Khánh từ lúc hoàn thành chương trình học tiến sĩ tại Hàn Quốc và trở về Việt Nam làm việc tại TTU. Đề tài nghiên cứu này của TS. Đoàn Văn Khánh tập trung tìm hiểu về cơ chế phân tử mà leptin, một loại hormone tiết ra từ mô mỡ, làm tăng hoạt tính giao cảm thông qua tác động của nó lên sự sinh tổng hợp một enzyme (men sinh học) có tên là tyrosine hydroxylase. Đây là enzyme quyết định vận tốc chu trình sinh tổng hợp các catecholamine, như: dopamine, norepinephrine, epinephrine – các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm. Cơ chế phân tử này chưa được làm rõ trong các nghiên cứu trước đó. Leptin được tiết ra từ mô mỡ và vì thế nồng độ của nó trong máu sẽ tỉ lệ thuận với lượng mỡ của cơ thể. Bình thường, khi một cá thể ăn nhiều và tăng cân, lượng leptin sẽ tăng lên trong máu và tác động chủ yếu trên thần kinh trung ương nhằm giảm sự ngon miệng và ức chế hành vi ăn uống. Ngoài ra, thần kinh giao cảm cũng được kích thích làm tăng vận động và tiêu thụ năng lượng. Từ đó, leptin giúp cân bằng tình trạng năng lượng và duy trì cân nặng cho cơ thể. Tuy nhiên, ở đối tượng béo phì có sự đề kháng leptin, tức là nồng độ leptin tăng cao trong máu theo lượng mỡ trong cơ thể, nhưng chức năng ức chế hành vi ăn uống và làm tăng vận động, tiêu thụ năng lượng của nó sẽ giảm đi. Nhưng thực tế là thần kinh giao cảm ở đối tượng béo phì vẫn bị hoạt động quá mức và leptin được cho rằng có liên quan đến sự kích thích giao cảm này (tức không bị đề kháng). Chính sự hoạt động giao cảm quá mức này ở đối tượng béo phì là một trong những yếu tố đưa tới sự căng thẳng thần kinh, hoạt động quá mức của hệ tim mạch, rối loạn chuyển hóa và rối loạn của hệ miễn dịch và đưa tới nhiều hệ lụy lâu dài cho cơ thể như lo âu mạn tính, trầm cảm, tăng huyết áp và bệnh tim mạch, rối loạn điều hòa glucose-lipid, đề kháng insulin và tăng sinh ung thư. Hiểu biết về cơ chế phân tử của leptin trong việc kích thích thần kinh giao cảm ở đối tượng béo phì (có tăng leptin máu và đề kháng leptin) là bước đầu quan trọng trong việc phát triển phương pháp điều trị béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch do béo phì gây ra một cách phù hợp và an toàn hơn.

TS. Khánh và GS. TS. Ki Woo Kim (Đại học Yonsei, Hàn Quốc) tham dự Hội nghị Khoa học Y Sinh Quốc tế toàn Châu Á lần thứ 4, tại Đà Nẵng, tháng 12 năm 2018.

Chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng nghiên cứu và xin tài trợ, Thầy Khánh cho biết “Trong thời gian làm nghiên cứu tại Hàn Quốc, mình nhận thấy rằng một số nghiên cứu trước đó cho biết leptin làm tăng sinh enzyme tyrosine hydroxylase. Mặt khác, các nghiên cứu trước đó của mình cũng đem lại kết quả là hai chất truyền tin thứ cấp phía dưới của leptin là yếu tố STAT3 và FoxO1. Và chính từ đề tài nghiên cứu tiến sĩ của mình đã khám phá ra sự tương tác giữa FoxO1 và tyrosine hydroxylase trong thần kinh giao cảm hệ dopamine. Từ đó, giả thiết về leptin làm tăng sinh tổng hợp tyrosine hydroxylase thông qua việc điều hòa hai yếu tố FoxO1 và STAT3, từ đó ảnh hưởng lên nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm là norepinephrine đã được hình thành”.

Trong quá trình nộp hồ sơ xin tài trợ và thời gian chờ tin kết quả, dù có những thông tin đa chiều về khó khăn trong việc xin tài trợ của các nhà khoa học trẻ tại Viết Nam nhưng Thầy Khánh vẫn rất tự tin với đề cương nghiên cứu của mình, vì Thầy cho biết bản thân đã viết đề cương nghiên cứu vô cùng kĩ lưỡng và thuyết phục về mặt khoa học. Quả thật, “trời không phụ người có lòng”, đề cương nghiên cứu của Thầy có tên trong danh sách tài trợ. Vượt qua rất nhiều “gương mặt xuất sắc” đến từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo khác trên cả nước, Thầy Khánh vui mừng chia sẻ: “Ngay khi biết tin đề cương nghiên cứu của mình nhận được tài trợ của NAFOSTED – là sau khoảng 4 tháng làm việc tại TTU. Dù rất ngạc nhiên bởi, một tiến sĩ trẻ thì rất khó xin được tài trợ để làm đề tài cấp nhà nước của Quỹ NAFOSTED.”

Tuy vậy, khi niềm vui xin được tài trợ vừa mới “chớm nở”, với thực trạng NCKH ở Việt Nam còn kém xa so với nơi thực hiện nghiên cứu sinh của mình, Thầy sớm nhận ra rằng việc xin được tài trợ để làm nghiên cứu tại Việt Nam là một chuyện, nhưng để hoàn thành được đề tài lại là cả một vấn đề khó khăn đang ở phía trước. Sự lo lắng trong Thầy là có cơ sở, bởi việc triển khai thực hiện đề tài còn phụ thuộc vào điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất… trong khia đó Thầy vẫn là một vị tiến sĩ “trẻ”, vừa về Việt Nam vàchỉ mới bắt đầu sự nghiệp khoa học, chưa có nhiều những mối quan hệ để hỗ trợ nhóm nghiên cứu của mình.

TS. Khánh trình bày nghiên cứu về vài trò của đường tín hiệu leptin trong điều hòa biểu hiện gen tyrosine hydroxylase tại Hội nghị Khoa học Y Sinh Quốc tế toàn Châu Á lần thứ 4, tại Đà Nẵng, tháng 12 năm 2018.

Khó khăn hơn cả và cũng là một nhiệm vụ “ngặt nghèo” mà Thầy phải hoàn thành khi đề tài nhận được tài trợ, đó là, nhóm nghiên cứu phải cam kết công bố được ít nhất 02 bài báo ISI, trong đó phải có ít nhất 01 bài trên các tập san hàng đầu, ít nhất 01 bài báo trong nước và phải hướng dẫn ít nhất 01 học viên sau đại học làm nghiên cứu khoa học trong vòng 2 năm tài trợ ngắn ngủi. Đây quả là một thử thách không chỉ với cá nhân Thầy, mà còn cả đội ngũ nghiên cứu, nhưng… mọi người đã vượt qua tất cả nhờ nỗ lực và sự trợ giúp đến từ GS. Thạch Nguyễn – Quyền Hiệu Trưởng TTU và GS. Ki Woo Kim, cộng tác viên quốc tế của đề tài tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, một trong các trường đại học trên thế giới có kí kết hợp tác với TTU.

Làm Nghiên Cứu Khoa Học Ở Việt Nam Rất Khó Khăn!

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường Đại học tại Việt Nam luôn bị đánh giá thấp không những về “tầm vóc” mà còn về hiệu quả của các đề tài. Bản thân là một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Khánh hiểu rất rõ vấn đề bởi các trường Đại học chỉ mới chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy còn hoạt động nghiên cứu chưa được quan tâm đúng tầm, nên đang yếu cả về “chất” lẫn “lượng”.

Khó khăn thứ hai mà TS. Khánh gặp phải là TTU chưa có hệ đào tạo sau đại học nên không có nguồn sinh viên tham gia nghiên cứu. Vì vậy việc triển khai và thực hiện nghiên cứu rất gian nan và khó khăn. “Lúc đầu, bản thân mình ngoài nhiệm vụ giảng dạy toàn bộ chương trình Dược lý, Dược lâm sàng ở Bộ môn Dược lý cho 2 lớp sinh viên Y3, Y5 (là giảng viên duy nhất trong Bộ môn đảm nhận toàn bộ chương trình giảng dạy cho 2 lớp này) còn phải tự tay làm các thí nghiệm trên chuột. Và một lần nữa, mình phải cảm ơn GS. Thạch Nguyễn và Khoa Y – TTU lúc đó đã chấp thuận cho mình tuyển thêm một trợ giảng là ThS. Nguyễn Văn Linh cho Bộ môn Dược lý mình đảm trách. ThS. Nguyễn Văn Linh đã có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện các thí nghiệm tại Việt Nam, giúp đề tài được thực hiện kịp thời gian”.

TS. Khánh (ngoài cùng bên trái) tiếp đón GS. Stephen Baker (thứ 2 từ bên trái) và nhóm nghiên cứu của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng, ĐH Oxford tại Việt Nam (OUCRU-VN) tới thăm TTU.

Khó khăn thứ ba trong công tác thực hiện nghiên cứu khoa học là về thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu của đề tài. Bởi TS. Khánh vốn là người đầu tiên thực hiện đề tài NAFOSTED có phần thực nghiệm tại TTU nên phải tự “mò mẫm” nhiều hơn. Ngoài ra, cũng vừa trở về Việt Nam nên gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục giải ngân đề tài, đấu thầu mua nguyên vật liệu, hoàn thành hồ sơ – giấy tờ hành chính – kế toán.

Đầu Tư Cho Khoa Học Ở Việt Nam Còn Rất “Yếu”!

Sau khi được đánh giá “Đạt” từ kết quả nghiệm thu của Hội đồng Khoa học NAFOSTED, mình rất vui và tự hào vì cuối cùng những cố gắng của mình và kết quả thực hiện đề tài đã được ghi nhận, Tiến sĩ Khánh chia sẻ. Thế nhưng, để đi đến chặng đường này, bản thân Thầy đã phải đánh đổi và trải qua vô vàn khó khăn, thử thách.

Phải thừa nhận rằng, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học sẽ không thể nhận ngay được kết quả giống như việc đổ cầu, đổ nhà trong xây dựng. Vì thế, chúng ta luôn quan trọng và tập trung vào những mục đích trước mắt, đó là cần đào tạo và đầu tư vào những nhà kinh tế, những kỹ sư giỏi để phát triển đất nước. Điều này vô tình đã khiến chúng ta lãng quên đi những nhà khoa học nghiên cứu cơ bản – nền tảng cốt lõi của mọi sự vật – hiện tượng. Nghe thì có vẻ quá xa vời, nhưng đấy mới là điều cần thiết và tiên quyết. Những chuyên gia kinh tế, kỹ sư, bác sĩ giỏi phải là những người có tầm nhìn xa, biết khái quát vấn đề chứ không đi sâu vào chi tiết vụn vặt. Do vậy bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải có tư duy nghiên cứu và phân tích khoa học.

Minh chứng là, dù chỉ có duy nhất một cơ quan tại Việt Nam có thể tài trợ cho nghiên cứu cơ bản – Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (National Foundation for Science and Technology Development, NAFOSTED) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù nguồn kinh phí có thể cấp cho một đề tài không nhiều (khoảng 600-800 triệu VNĐ/1 đề tài) và thực hiện trong 2-3 năm, tức trung bình chỉ khoảng 300-400 triệu/năm/1 đề tài. Nhưng may mắn, giả thiết nghiên cứu của Tiến sĩ Khánh đã thuyết phục được Hội đồng Khoa học của NAFOSTED và tài trợ cho nghiên cứu với số tiền khoảng 50.000 USD cho 2 năm, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình tài trợ cho một đề tài của NAFOSTED tại Việt Nam.

Đổi lại, NAFOSTED cũng đặt ra những yêu cầu “khắt khe” với các đề tài được phê duyệt. Ví dụ, để được tài trợ thì thường một đề tài phải cam kết công bố được ít nhất 2 bài báo công bố trên các Tập san ISI (Tập hợp các Tập san Khoa học Quốc tế Hàng đầu được công nhận đạt chất lượng khoa học nhất định), chưa kể các nhiệm vụ về hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho học viên sau đại học. Gắt gao hơn là ngay cả khi đã được tài trợ, nếu sau năm đầu tiên vẫn chưa công bố được 1 bài (một nửa yêu cầu về kết quả) thì quỹ cũng sẽ dừng tài trợ. Từ đó mới thấy, việc nghiên cứu khoa học, là cả một công trình và cả một chặng đường gian nan. Và nếu ai chọn khoa học là con đường gắn bó lâu dài, thì họ phải có đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không oán than.

Ở Mỹ và Châu Âu, điều này rất khác biệt bởi vì đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp khoa học, các tổ chức tài trợ thường không tạo áp lực quá lớn về kết quả công bố mà tập trung vào các minh chứng trong việc xây dựng nhóm nghiên cứu, xây dựng phòng thí nghiệm và phát triển sự nghiệp nghiên cứu trong tương lai.” – Tiến sĩ Khánh chia sẻ.

Việc này mình hoàn toàn hiểu và thông cảm vì kinh phí đầu tư tài chính là rất lớn và khó thuyết phục vì nghiên cứu khoa học (nhất là nghiên cứu cơ bản) không “sinh lợi” nhanh và “thấy được” như các hoạt động đào tạo khác” – Tiến sĩ Khánh chia sẻ thêm.

Mơ ước xây dựng được một Phòng Lab nghiên cứu Y sinh phục vụ nghiên cứu cơ bản đạt chất lượng tiệm cận các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài tại Khoa Y – TTU.

Dù vậy, GS. Thạch Nguyễn và TTU cũng đã có những chủ trương và mong muốn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại TTU, nhưng việc đầu tư vào xây dựng phòng thí nghiệm, mua thêm máy móc – trang thiết bị chuyên dụng cho nghiên cứu Y – Sinh – Dược cũng cần một thời gian dài để chuẩn bị. Vì vậy, hi vọng trong tương lai TTU sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả giảng viên và sinh viên trong quá trình nghiên cứu.