Trải nghiệm đi Indo: Những dự án “mùi” nhưng “bốc” lửa

258
Sinh viên háo hức cho chuyến đi đến đất nước Indonesia

Ba sinh viên của Khoa Nhân văn và Ngôn ngữ Trường ĐH Tân Tạo (TTU HSL) vừa có một chuyến đi đến Puhsarang, một ngôi làng nhỏ của Indonesia, nơi tất cả họ đã chung tay giúp đỡ trong các dự án cộng đồng vì mục đích phát triển địa phương (CED2019), trong đó có dự án giúp chuyển đổi rác thải thành phân hữu cơ mà một sinh viên đã mô tả là vui “điếc mũi”.

Sinh viên giao lưu để học hỏi

Chuyến đi kéo dài mười ngày với sự tham gia của hơn 40 sinh viên đến từ nhiều quốc gia châu Á khác nhau được tổ chức bởi Viện Công nghệ Sepuluh Nopember (ITS). CED2019 được chia thành hai phần kéo dài trong ba và bảy ngày. Ba ngày đầu là phần giới thiệu cho sinh viên về văn hóa và quy tắc ứng xử mà các sinh viên cần nhớ. Phần sau đó là thời gian để sinh viên triển khai các dự án được giao tại nơi đang cần họ nhất – Làng Puhsarang.

Puhsarang là một ngôi làng cao nguyên nhỏ ở phía tây thành phố Kediri, thuộc một phần Vùng Đông Java của Indonesia. Tiềm lực chính để nền kinh tế của ngôi làng này phát triển nằm ở sự thu hút du lịch. Nhưng do cơ sở hạ tầng phát triển không đủ nhanh để đảm bảo điều kiện phát triển cho người dân địa phương, vì vậy Viện Công nghệ Sepuluh Nopember đã tổ chức Chương Trình Chung Tay Vì Sự Phát Triển Cộng Đồng 2019 (CED2019). Mục đích của chương trình này là giúp khuyến khích trao đổi văn hóa, ý tưởng và kinh nghiệm của sinh viên đến từ nhiều các quốc gia với địa phương, cũng như góp phần vào sự phát triển của người dân nơi đây.

Các bạn sinh viên TTU nhanh chóng hoà nhập cùng bạn bè và môi trường mới

Trong ba ngày đầu tiên, các sinh viên đã dành thời gian của mình ở Thành phố Surabaya, tìm hiểu về các nét văn hóa độc đáo của Indonesia, kết bạn với các thành viên khác trong nhóm và làm các bước chuẩn bị cuối cùng cho dự án mà ban tổ chức đã giao cho nhóm để sẵn sàng triển khai ở Puhsarang trong bảy ngày sắp tới.

Sẵn sàng lên đường đến Puhsarang

“Thành phố Surabaya được dát trong một mặt trời vàng ruộm, rất khác với cái nắng trắng gắt mà mình đã rất quen thuộc ở Việt Nam. Ánh vàng này làm cho khắp nơi ở Indonesia, chỗ nào cũng có một nét quyến rũ rất riêng, đẹp như là tranh vẽ vậy.” Lê Quang Danh, một trong ba sinh viên đến từ Trường ĐH Tân Tạo cho biết.

Sau khi thưởng thức Soto, và đặc biệt là Sate, một món ăn đặc sản mà Danh mô tả là “ngon khó cưỡng”, tất cả họ bắt đầu hành trang lên đường góp tay và trí của họ để giúp người dân Làng Puhsarang trong suốt thời gian bảy ngày.

Bắt tay vào dự án thôi

Giai đoạn chính trong hành trình đến Làng Puhsarang của thành phố Kediri, Indonesia là dành để triển khai tổng cộng tám dự án. Các dự án này gồm cải tạo thư viện, quản lý chất thải rắn, ủ phân bón và tổ chức hội thảo về tiếp thị cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nhóm Lê Minh Nhật dẫn dắt dự án về lập bản đồ vệ sinh. Họ nhận trách nhiệm giúp người dân địa phương xây dựng một bãi rác thải bền vững và thân thiện với môi trường. Kết quả của dự án này sẽ không chỉ thể hiện trong việc giữ gìn cảnh quan ngôi làng, mà còn giúp phát triển du lịch trong khu vực.

Trong khi đó, nhóm của Lê Quang Danh đã giúp tận dụng nguồn thực vật rất dồi dào nơi đây. Họ đã biến những cành cây và lá rụng vô dụng thành phân ủ dạng lỏng để bón cho cây trồng và rau của người dân. Dân làng Puhsarang cũng có thể bán phần còn lại để kiếm thêm thu nhập nếu họ không sử dụng tất cả phân ủ họ làm được.

“Dự án của tụi mình thật sự rất ‘bốc’, nhưng không phải là ‘bốc mùi’ đâu, mà là ‘bốc lửa’. Tụi mình tuy làm việc có vất vả thật, nhưng ai cũng có nhiều thật nhiều niềm vui trong đó.” Danh nói.

Còn nhóm của Trần Thị Thủy Tiên thì lại cố gắng tìm giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế của hồng hoa (roselle flower), một loại cây có mặt rộng khắp trong vùng. Hồng hoa trước đây chỉ được người dân sấy khô và làm thành trà để bán trong vùng, và bán cho một số lượng giới hạn khách du lịch. Nhóm của Tiên đã chủ động giúp tìm thêm các sản phẩm mới làm từ hồng hoa và sau đó hướng dẫn người dân nơi đây làm thương hiệu cùng với những khái niệm cơ bản để tiếp thị sản phẩm. Họ đã thành công trong việc làm ra mứt hồng hoa, kẹo hồng hoa, xi-rô, kem, cà phê không caffein và kem dưỡng ẩm da hồng hoa.

“Dự án của tụi mình ở một mức độ nào đó, là dự án thực tế nhất trong tất cả tám dự án, vì nó đã giúp ích rất nhiều trong việc đa dạng hóa các sản phẩm làm từ hồng hoa. Các sản phẩm mới này sẽ bảo đảm tốt hơn cho sự phát triển về kinh tế của người dân nơi đây.” Tiên nói.

Tiên tự tin cùng dự án của nhóm

Trước khi rời làng Puhsarang để trở về quê nhà, tất cả những người tham gia đã tập trung lại trong đêm gala chia tay vào ngày 27 tháng 7. Họ đã chia sẻ những khoảnh khắc cuối cùng ở tại ngôi làng bé nhỏ này với nhau để tận hưởng những tiết mục truyền thống được các em bé và người dân nơi đây biểu diễn.

Đây sẽ là những trải nghiệm thực sự thú vị và không bao giờ quên của không chỉ các bạn sinh viên TTU mà tất cả những ai đã tham gia chương trình lần này.

“Khi mình rời khỏi Puhsarang cũng là lúc chuyến đi này để lại trong tâm trí mình một ấn tượng thật sâu mà chẳng biết bao giờ mới phai, không phải vì đây là lần đầu tiên mình được đi nước ngoài, mà là vì những thay đổi có ý nghĩa chúng mình đã khởi tạo được vì tương lai tốt đẹp hơn của mọi người Sống trong làng.” Nhật cho biết sau chuyến đi.

Cho dù đó là ủ phân bón, quy hoạch bãi rác thải hay là làm kẹo mứt từ hồng hoa, tất cả các sinh viên ai cũng đã cố gắng hết sức mình để sử dụng bất kỳ kỹ năng cá nhân nào các bạn có để giúp cuộc sống của người dân ở làng Puhsarang tốt lên. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm học tập và làm việc khó quên với mỗi sinh viên tham gia vào chương trình.