Chuyện về một người chị, cũng là một người thầy

384

Khi được hỏi rằng được chọn phiên dịch cho tàu bệnh viện lưu động của đội hải quân Mỹ, thủ lĩnh Salt Cancer, hay là thành viên biên dịch của EMW, cái nào làm Nguyên tự hào nhất, Nguyên thoáng nghĩ rồi nói “không cái nào cả”. Vậy còn điều gì lại đặc biệt hơn nữa với cô sinh viên rất đặc biệt này?

Phạm Hồng Gia Nguyên là sinh viên đang hoàn thành nốt những ngày cuối cùng tại Khoa Y Trường ĐH Tân Tạo trước khi cô rất xứng đáng lãnh tấm bằng tốt nghiệp Y Đa Khoa và tiếp tục kế hoạch của cuộc đời mình. Trước khi bắt đầu học chương trình Cử Nhân Y Đa Khoa tại Tân Tạo, Gia Nguyên đã theo học chương trình dự bị y học tại ĐH Debrecen (Hungary) trong vòng hai năm.

Phạm Hồng Gia Nguyên – sinh viên Y khóa 1 trường Đại học Tân Tạo

Khi đọc bảng kinh nghiệm làm việc đáng ghen tị của Gia Nguyên, hẳn ai cũng phải trầm trồ thán phục. Vậy mà khi được hỏi “Nguyên chắc phải năng động đón nhận thử thách lắm mới đạt nhiều thành công đến vậy dù vẫn còn là sinh viên thôi phải không,” Nguyên chỉ cười và trả lời…

Năng động đón thử thách hả? Cũng bình thường mà…

Đó có lẽ là thái độ Gia Nguyên đã dùng để từ tốn mà “dọn sạch” các thử thách trong hàng loạt các kinh nghiệm làm việc và cộng tác trong quãng thời gian Nguyên học tại Tân Tạo. “Thật ra thì đa số cũng chỉ xung quanh việc dịch thuật, bình thường à…”, Nguyên nói khi được hỏi về hàng loạt các vị trí đã cộng tác.

Nhưng “bình thường” của Nguyên là những kinh nghiệm làm việc mà ngay cả những người học dịch thuật chuyên nghiệp nhiều khi còn phải “thèm”. Nguyên đã được chọn để phiên dịch trực tiếp cho đội y-bác sĩ của Mercy-Class Hospital Ship, một dạng bệnh viện lưu động trên tàu thuộc biên chế của Hải Quân Mỹ trong lần tàu này ghé thăm và làm nhiệm vụ tại Đà Nẵng.

Gia Nguyên phiên dịch trực tiếp cho đội y-bác sĩ của Mercy-Class Hospital Ship

Được biết, Mercy-Class Hospital Ship được trang bị một sân đáp trực thăng cho các nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân. Ngoài ra, trên tàu có trang thiết bị đủ dùng cho một ngàn giường bệnh, có thể chăm sóc và chữa trị nội trú cho 200 bệnh nhân cùng lúc mỗi ngày. Trên tàu còn có hai nhà máy sản xuất oxi, đầy đủ các trang thiết bị phẫu thuật, phòng xét nghiệm, cùng các thiết bị chụp quét tiên tiến.

Với những trang bị vô cùng tối tân, một đội các y tá bác sĩ sở hữu vốn kiến thức chuyên môn sâu rộng, Nguyên nói, được làm việc với họ là một dịp rất quý báu để học hỏi thêm.

“Mình không chỉ học được tip về cái gọi là bed-side manner, các quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với bệnh nhân, mà còn là cách hợp tác, làm việc nhóm, cũng như cách làm việc với những người có văn hóa rất khác với nét văn hóa nơi mình sinh ra nữa.”

Gia Nguyên cùng đội y bác sĩ của Mercy-Class Hospital Ship

Kể về cái duyên mang mình đến với những công việc dịch thuật y khoa này, Nguyên nói không thể không nhắc đến cô, mà cũng là chị Đặng Bích Thảo, Cựu giảng viên tại Trường ĐH Tân Tạo. Do muốn mang lại thêm nhiều cơ hội học hỏi cho các bạn đang học ở đây, chị Thảo đã chọn ra một nhóm sinh viên để đào tạo nâng cao kỹ năng dịch thuật chuyên môn y khoa. Sau quá trình đào tạo tập huấn, Gia Nguyên cùng hai bạn sinh viên Y nữa đã được chọn để dịch cho Mercy-Class Hospital Ship.

Đặc biệt nhất phải là SWEC

SWEC (Safety and Wellness Committee, thường được gọi là Uỷ Ban Sức Khoẻ) là một hội hoạt động tại Trường ĐH Tân Tạo dưới hình thức tương đương câu lạc bộ. Gia Nguyên là đồng sáng lập hội, với ba mục tiêu chính là tiếp nhận, tư vấn sức khỏe cả tâm lí và thể chất, nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp thông qua hội thảo, và là nơi lắng nghe chia sẻ của các bạn về các vướng mắc đang gặp phải.

Gia Nguyên cho biết, bản thân cũng là một người học Y, nên rất hiểu áp lực thường trực mà đa số các bạn phải đối mặt. Đó cũng là lí do mà Nguyên cùng với chị Thảo và các bạn sinh viên có cùng chung chí hướng đã thúc đẩy để thành lập nên SWEC hiện đã đi vào hoạt động gần hai năm nay.

Hiện tại, SWEC đã mở rộng hoạt động của hội đến tất cả mọi học sinh đang theo học tại Trường THPT Năng Khiếu ĐH Tân Tạo, và sinh viên thuộc tất cả các khoa Trường ĐH Tân Tạo chứ không chỉ thu hẹp quy mô trong Khoa Y Tân Tạo nữa.

“Mình thích nhất vẫn là lĩnh vực tâm lí, đặc biệt là sức khỏe tinh thần học đường cho học sinh sinh viên. Dự định sắp tới của mình là học thêm văn bằng hai về tâm lí học. Đó cũng là lí do mà SWEC có lẽ là niềm tự hào lớn nhất của mình, vì làm một việc gì đó tốt đã đáng quý, nhưng làm được việc gì vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa phù hợp với sở thích, giúp mình bước gần hơn đến mục tiêu bản thân thì càng đáng trân trọng hơn nữa.” Gia Nguyên bộc bạch.

Trong thời gian vừa qua, SWEC đã có rất nhiều các hoạt động hướng đến các bạn đang học tại trường. Các hoạt động này rất đa dạng như thành lập và đào tạo kĩ năng cho tổ sơ cứu–phản ứng nhanh với các vấn đề sức khỏe tâm lí, tổ chức các buổi khám sức khỏe cho học sinh–sinh viên, khảo sát tình hình sức khỏe tinh thần của sinh viên nhằm định hướng cho các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực…

SWEC tổ chức khám sức khỏe tại Bệnh Viện Tân Tạo

Trong tất cả các hoạt động nói trên, các phòng ban như phòng Sinh Viên Vụ, Khoa Y, đặc biệt là thầy Thạch Nguyễn đã hỗ trợ rất nhiều. Những sự hỗ trợ này trải rộng từ đóng góp quỹ hoạt động, cho đến huy động nhân lực từ các sinh viên, cho đến phòng ốc và phương tiện đưa đón… đóng một vai trò không thể thay thế trong sự thành công của SWEC.

Nói về sự thành công của SWEC, Gia Nguyên cho biết chị Thảo, một lần nữa, lại cũng là nguồn hỗ trợ vô cùng đắc lực. Chị Thảo không những ở bên cạnh chia sẻ và hướng dẫn về việc điều hành của SWEC, mà chị cũng là người giới thiệu SWEC đến với các chuyên viên tâm lí để tư vấn chuyên môn cho các buổi hội thảo mà hội tổ chức.

Nguyên nói: “Trên lớp thì chị là một cô giáo rất tuyệt vời, còn ngoài lớp, chị Thảo rất gần gũi và ấm áp, và mình xem chị Thảo thật sự như một người chị vậy. Cũng nhờ vậy mà mình tự tin và cảm thấy thoải mái cởi mở hơn rất nhiều khi chia sẻ các vấn đề mình đang gặp phải với chị để xin chị lời khuyên.”

Chị Bích Thảo (áo xanh, trái, ngoài cùng) luôn đồng hành cùng cô em nhỏ trên mọi chiến tuyến

Có vậy mới thấy, để tạo ra những điều đặc biệt, cần phải có những người đặc biệt như Gia Nguyên, nhưng để trở thành những người đặc biệt, Gia Nguyên cũng cần những người đặc biệt, “dám” kề cận, luôn bên cạnh để hỗ trợ sinh viên, không khác mấy so với một người bạn, người chị như chị Thảo vậy.

Những câu chuyện như thế này càng làm chúng ta thấm thía hơn câu “học thầy không tày học bạn”. Đôi khi, học bạn không phải là học từ những người bạn theo nghĩa đen, mà là học như cách Gia Nguyên học từ người “bạn” như chị Thảo.