Bản lĩnh của ông Tây dám “mất” để “được”

73
Trong khi bao người tài Việt Nam đang tìm đủ cách để “thoát” ra nước ngoài, có một người Mỹ lại dành hơn 12 trong quãng đường 15 năm làm việc của mình góp sức xây dựng giáo dục Việt Nam. Vì sao vậy?

Người đàn ông với tấm lòng yêu thương Việt Nam vô bờ ấy chính là Thầy Jonathan Lankford. Hiện tại, thầy đang đảm nhận vị trí Phó Phòng Đào Tạo, kiêm giảng viên của Khoa Nhân văn và Ngôn ngữ Trường Đại học Tân Tạo (TTU). Cảm nhận về thầy Jonathan Lankford thoạt tiên là một người nghiêm nghị, một tình yêu “khe khắt” với sinh viên và kể cả với người vợ Việt Nam thân yêu của mình. Nhưng không khó để cảm nhận được sự ấm áp, hiền lành và tốt bụng của những người con vùng Nashville (Bang Tennessee, Hoa Kỳ) như thầy khi thực sự hiểu được trái tim nhân hậu đằng sau vẻ ngoài nghiêm khắc đó.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thần Học, thầy đã tiêu tốn 3 năm để làm một công việc bàn giấy nhàm chán và không hề đem lại bất cứ nguồn cảm hứng sống nào. Nhưng rồi một ngày, cố vấn của thầy hỏi: “Này Jon, sao anh vẫn còn ở đây nhỉ?”. Và đó cũng là câu hỏi đã làm thầy suy nghĩ lại về bản thân mình, từ đó dám mạnh dạn quyết định “bay ngược chiều” đến Việt Nam, bắt đầu những ngày gầy dựng sự nghiệp bằng đồng tiền tiết kiệm “còm” của mình.

Trong khoảng thời gian này, thầy vẫn đang phải chi trả khoản vay sinh viên hơn 1000 đô mỗi tháng. Để tiết kiệm, thầy Jonathan đã chọn bắt ba chuyến xe buýt để đi đến chỗ làm thay vì xe ôm – phương tiện di chuyển tiện lợi hơn nhiều với một người nước ngoài nhưng chi phí cao hơn. Thầy còn “thắt lưng buộc bụng” khi chỉ cho phép mình tiêu 50.000 đồng cho tiền ăn mỗi ngày.

Bất chấp tất cả những khó khăn ấy, thầy đã “cân” tất và thậm chí còn cảm thấy thoải mái,dễ chịu hơn so với công việc cũ tại Hoa Kỳ.

Thầy Jonathan tiếp xúc và gần gũi với sinh viên Trường Đại học Tân Tạo

“Được” hay “Không”?

Thầy Jonathan luôn có niềm đam mê mãnh liệt với giáo dục, vì vậy thầy đã chọn môn học tự chọn trong ngành này. Những người bạn trong lớp, “quay sang tôi và nói rằng ‘Cậu sau này có trở thành giáo viên được đâu, sao cậu lại học môn này làm gì’?” Thầy kể.

“Và hôm đó cũng là ngày mà tôi đã quyết định mình sẽ trở thành giáo viên bằng bất cứ giá nào”.

Đến giờ cũng đã 12 năm rồi, kể từ ngày thầy bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình, khởi đầu là một giáo viên dạy Tiếng Anh. Thầy sau đó lấy bằng thạc sĩ Giáo dục và bắt đầu giảng dạy những sinh viên đầu tay tại Trường Đại học  Tân Tạo (TTU) vào năm 2015.

Thầy “khắt khe” hay tình yêu của thầy “khe khắt”?

Một trong những điều thầy thích nhất khi giảng dạy tại TTU là có thời gian nghỉ hè để “tự nâng cấp bản thân”. Thầy tận dụng mùa hè được nghỉ của mình để học nhiều thứ, và “thật lạ là tôi bắt đầu dấn thân học marketing”.

“Ý thức về việc tự trau dồi suốt đời là điều kiện tiên quyết để trở thành một giáo viên giỏi. Nếu không, chúng ta hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về chữ tâm và ngọn lửa nghề giáo của người này”, thầy nói. Hơn nữa, nếu không luôn trau dồi và áp dụng các kiến thức đã được học, mọi thứ sẽ trôi dần vào quên lãng chỉ sau một năm. Đây cũng là tôn chỉ mà Quyền Hiệu Trưởng TTU – Giáo sư, Bác sĩ Thạch Nguyễn đang triển khai rộng khắp các hoạt động đào tạo, điển hình là việc đưa thật nhiều sinh viên đến Hoa Kỳ thực tập cũng như đưa các giảng viên giàu kinh nghiệm từ các học viện Hoa Kỳ về TTU.

Một lớp học của thầy tại TTU

“Liên kết hợp tác là yếu tố quan trọng không kém gì việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn trong các hoạt động như thế này.” Thầy Jonathan chia sẻ.

Ấn tượng của các sinh viên TTU về thầy có lẽ thường chỉ xoay quanh một từ: “nghiêm”. Đâycũng ít nhiều là ấn tượng của chính người viết bài này trong một lần có dịp được học với Thầy. Jon nói rằng đó là “tình yêu thép” mà Thầy dành cho các sinh viên, lắm lúc cả với người vợ Việt của mình. Nó nhắc tôi nhớ về khoảnh khắc thầy quyết tâm sẽ trở thành một người thầy; và dù rằng có nhiều cách truyền động lực khác nhau phù hợp với mỗi người thì nó vẫn không thay đổi cách thầy giảng dạy kể cả khi thầy đứng lớp với toàn sinh viên Việt Nam.

“Em nghĩ là em làm được sao? Không! Em không làm được đâu!” Jon nói về “tình yêu thép” của mình.

“Điều mà tôi mong được nghe phải là ‘Lầm to! Em sẽ làm được cho xem!’” Jon tiếp. “Nhưng câu trả lời mà tôi thường nghe lại là ‘Đừng nói như vậy với em chứ, nghe buồn lắm.’”

Thầy Jonathan tin rằng bằng cách này, các sinh viên sẽ dần làm quen để đối mặt với hiện thực nghiệt ngã của thế giới rộng lớn ngoài kia. Với việc thiết lập mối quan hệ thầy – trò một cách thẳng thắn và “thực tế” nhất, thầy  hy vọng các sinh viên của mình sẽ bước những bước đi chập chững đầu tiên trên con đường trở thành người có ích – là phiên bản hoàn hảo nhất của mình trong tương lai.

⅘ quãng đời lao động dành tại Việt Nam. Vì đâu?

Ngoài mùa hè được nghỉ thầy Jon dành để “Chơi Hè Kiểu Mỹ”, thầy cũng rất thích Chương trình giảng dạy của khoa mình và những nỗ lực mà TTU đang đặt vào việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc ngay từ địa phương.

Thầy Jonathan thật sự trân trọng việc TTU đang dành phần lớn ngân sách của trường để giúp các sinh viên đến từ nông thôn với điều kiện hạn chế để bước ra sân chơi thế giới.

TTU tọa lạc ở một nơi tuyệt vời để sinh viên có thể “tập trung tối đa vào việc học”, Thầy Jon nói.

“Việc TTU tọa lạc tại Long An có thể là một điểm trừ đối với những sinh viên luôn thích sự náo nhiệt của đô thị,” Thầy nói thêm, “Nhưng có phải là làm sinh viên để ‘chơi tới sáng’ vào những ngày trong tuần?”

Nói về một điều mà nếu thay đổi, TTU sẽ hoàn thiện hơn, thầy Jonathan cho rằng: “Đó là tính chuyên quyền trong hệ thống quản trị.”

“Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời rất đáng tự hào và họ hoàn toàn có quyền tự hào về những truyền thống này.” Và thầy nói thêm rằng nhưng chúng ta cũng cần có đủ bản lĩnh, phải dám can đảm đón nhận các thay đổi nếu có nhân tố nào đó làm cản trở sự phát triển và lợi thế của mình. Các tổ chức càng lớn thì càng khó thay đổi, vì vậy, với ưu thế còn trẻ và năng động, TTU có tiềm năng rất lớn để thực hiện bước chuyển mình mà các tổ chức cồng kềnh khác luôn ao ước.

Thầy Jonathan trò chuyện với Tân sinh viên trong Tuần Lễ Định Hướng 2018

Kiến thức chuyên môn về sự khác biệt văn hóa đã giúp ích rất nhiều cho Thầy Jon trong việc chuẩn bị và tiên liệu trước bất cứ điều gì – cho dù là văn hóa công sở trong đó mọi đề xuất và tiến trình thường chỉ được xúc tiến và tiếp nhận thông qua các kết nối  trực tiếp chứ không phải thông qua những mối quan hệ thuần túy dựa trên công việc mà thầy đã rất quen thuộc.

Thầy Jon thoáng cười và nói rằng sự hiểu biết về văn hóa đó lại không giúp gì được về mặt cảm xúc.

“Chúng ta vẫn sẽ cảm thấy bị cô lập; chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được cú sốc văn hóa; và chúng ta vẫn sẽ thấy như mọi người đang chống lại chúng ta mặc dù họ không hề có ý đó.”

Sau thời gian “trăng mật” thường là hai năm, người nước ngoài đến sống tại Việt Nam thường sẽ “cuốn gói” rời đi.

“Nhưng tôi thì không giống thế, và 12 năm rồi, tôi vẫn ở đây” Jon nói.

“Tôi không muốn mình tập quen từ bỏ mọi thứ khó khăn trong cuộc sống này.”

Nói về những dự định trong tương lai, Jonathan cho biết mình dự định sẽ trở về quê nhà ở Nashville vào mùa hè năm tới. Cha mẹ Thầy đang rất cần Thầy bên cạnh vào cái tuổi “xế chiều” của cuộc đời họ.

Kết lại, thầy nói: “Tôi chắc sẽ không quay lại Việt Nam vì điều gì ngoài TTU và để thăm gia đình vợ tôi ở Đà Lạt”.

Tôi, người viết bài này luôn hy vọng những điều tốt nhất sẽ đến với Thầy trong những năm tháng sắp tới, kể cả những mong ước của thầy cho gia đình và đặc biệt cho các sinh viên tại TTU. Hy vọng một ngày nào đó, các sinh viên sẽ nhận ra rằng “tình yêu thép” của thầy Jon là một nhân tố góp vào thành công của mình – những trái ngọt trong cuộc sống mà các bạn đang gặt hái; cũng giống như cách mảnh đất khô cằn cho những trái nho và từ đó làm ra những chai rượu vang hảo hạng. Và một điều chắc chắn, Trường Đại học Tân Tạo sẽ luôn luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người thầy vĩ đại của chúng ta.