Trường Đại Học Tân Tạo thay đổi chương trình đào tạo của Khoa Kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực thời đại 4.0

277

Vừa qua, khoa kỹ thuật – Trường Đại học Tân Tạo đã có buổi họp nhằm kiểm định chương trình đào tạo hướng đến thay đổi một số môn học cho phù hợp nhu cầu nhân lực thời đại 4.0. Sự thay đổi này chủ yếu nằm ở ngành Khoa học máy tính với sự chuyển hướng cũng như cập nhật một số môn học nhằm phù hợp hơn với trình độ của sinh viên cũng như yêu cầu công việc của xã hội.

Buổi họp có sự tham gia của các tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo: TS. Trần Anh Tuấn – ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, TS. Vũ Quang Hiếu – Trưởng bộ phận Khoa học dữ liệu công ty Zalora Việt Nam, TS. Trần Vũ Khanh – ĐH Wollongong Australia, TS. Nguyễn Xuân Hà – công ty Ambyint – Canada.

Bên cạnh đó, còn có sự tham dự của khách mời đến từ doanh nghiệp như ông Phạm Văn Trọng, Trưởng bộ phận IT, Công ty Thế Giới Di Động cùng các giảng viên và cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật của trường Đại học Tân Tạo.

Buổi họp có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Các khách mời tham dự buổi họp

Phát biểu tại buổi họp, TS. Cao Tiến Dũng – Tiến sỹ Khoa học Máy tính (Đại học Bordeaux 1, Pháp) – Phó trưởng khoa Khoa Kỹ thuật cho biết: “Theo quy định của Bộ Giáo dục & đào tạo cứ 2 năm sẽ cập nhật chương trình giảng dạy, đồng thời nhận thấy nhu cầu nhân lực về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang là yêu cầu bức thiết của xã hội, đặc biệt trong thời đại 4.0, Khoa kỹ thuật quyết định thay đổi chương trình đào tạo nhằm định hướng đào tạo nhân lực về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo với bằng cử nhân ngành khoa học máy tính”.

TS. Dũng cũng nhấn mạnh, mặc dù thay đổi theo hướng thực tế, có thể áp dụng làm việc tại các doanh nghiệp nhưng chương trình đào tạo mới này cũng sẽ có phần hàn lâm, chuyên môn cao nhằm tạo thuận lợi cho những sinh viên có mong muốn nghiên cứu sâu rộng hoặc học lên cao hơn.

Chương trình giảng dạy trước đó của ngành Khoa học máy tính giúp sinh viên nắm rất rõ về máy tính, sinh viên ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí ở các công ty công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay, thời đại công nghệ 4.0 đã tới, không chỉ các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà các công ty thương mại điện tử, công ty thanh toán trực tuyến, công ty logistics, công ty startup về công nghệ,… rất cần một lực lượng về phân tích dữ liệu và các giải pháp về trí tuệ nhân tạo. Do đó, chúng ta cũng cần phải cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên có trình độ năng lực cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên sau khi ra trường, TS. Dũng cho biết thêm.

TS. Cao Tiến Dũng – Phó trưởng khoa Khoa Kỹ thuật cho biết sự thay đổi chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thời đại 4.0.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, sự thay đổi cũng như cập nhật của Khoa kỹ thuật – Ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Tân Tạo là phù hợp với yêu cầu công việc hiện nay. TS. Tuấn lý giải: “Rõ ràng việc đào tạo sinh viên cần giúp các em có thể làm việc ngay tại các doanh nghiệp, họ không cần phải mất công chỉ dạy lại, do đó những môn học được thay đổi của ngành Khoa học máy tính là rất hợp lý và cụ thể. Tuy nhiên, các Thầy cũng nên cân nhắc trong việc gọi tên môn học để phản ánh đúng bản chất môn học, giúp sinh viên dễ nhận biết hơn”.

TS. Trần Anh Tuấn – ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM chia sẻ tại buổi họp.

TS. Trần Vũ Khanh – ĐH Wollongong tham dự cuộc họp trực tuyến từ Úc cũng ủng hộ sự thay đổi môn học của ngành Khoa học máy tính. TS. Khanh góp ý: “Hiện tại, tên gọi môn học đang gây sự hiểu lầm và chưa nói đúng bản chất môn học, chỉ cần đặt lại tên và mô tả cụ thể thì khung chương trình sẽ hợp lý hơn”.

Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ các Tiến sĩ giúp xây dựng khung chương trình mới của ngành Khoa học máy tính hợp lý hơn.

Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là một trong những ngành giàu tiềm năng và có cơ hội phát triển cao trong tương lai. Thông qua việc áp dụng các kiến thức (xác suất thống kê), phương pháp (khai phá dữ liệu và học máy), công nghệ và lập trình vào phân tích dữ liệu để sinh ra các giá trị kinh tế, người học có thể làm việc tại các công ty thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, phân tích thị trường, phân tích thói quen người dùng…đặc biệt, nhu cầu nhân lực của ngành này hiện đang rất thiếu.

Khoa Kỹ Thuật của trường Đại học Tân Tạo hiện đang đào tạo sinh viên với 126 tín chỉ (chưa tính những tín chỉ môn học bắt buộc của Bộ), với ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng anh. Việc thay đổi chương trình đào tạo của khoa vừa nắm bắt được xu hướng của thị trường nhân sự trong thời đại 4.0 vừa hướng đến đào tạo những sinh viên có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu lẫn sẵn sàng làm được việc ngay khi ra trường.

Chương trình đào tạo mới của Khoa Kỹ Thuật sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2019.