SỔ TAY SINH VIÊN 2017

Được xây dựng trên tiêu chí không phân biệt chủng tộc, màu da, dân tộc hay quốc tịch, các tiêu chí tuyển sinh, chính sách giáo dục, chế độ học bổng, cho vay, chương trình rèn luyện thể chất hay các chương trình quản lý của Đại học Tân Tạo đều được thực hiện trên cơ sở xem xét các yếu tố trên nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho sinh viên.

1. Hội đồng cố vấn

BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN (A.k.a Maya Dangelas)

Chủ tịch HĐĐH và Tổng Giám đốc

Tập đoàn Tân Tạo

Người sáng lập trường Đại học Tân Tạo

GIÁO SƯ MALCOLM GILLIS

Nguyên Chủ tịch

Trường Đại học Rice

Texas, Hoa Kỳ

TIẾN SĨ CHARLES J. HENRY

Giám đốc

Hội đồng thư viện và lưu trữ thông tin

GIÁO SƯ EUGENE H. LEVY

Nguyên Hiệu trưởng

Trường Đại học Rice

Texas, Hoa Kỳ

2. Ban Giám hiệu

Tiến sĩ Trần Xuân Thảo

Phó Hiệu trưởng thứ nhất phụ trách tuyển sinh và chương trình quốc tế

THẠC SĨ HUỲNH HỔ

Phó Hiệu trưởng phụ trách Sinh viên vụ và Cơ sở vật chất

3. Hội đồng học thuật

Trong bất kỳ trường đại học nào, các quy định về vấn đề học thuật đôi khi cần được đề xuất và thảo luận. Các vấn đề tranh chấp có thể phát sinh, chẳng hạn như sự công bằng về điểm số hay tính linh hoạt của các yêu cầu hoặc trường hợp bị cáo buộc không trung thực trong học tập.

TTU sẽ thành lập Hội đồng học thuật để hỗ trợ Phó hiệu trưởng học thuật, các trưởng khoa và Phòng Học vụ trong việc đề xuất và áp dụng các quy định và thủ tục liên quan tới các vấn đề học thuật, cũng như xem xét các trường hợp khó giải quyết.

Hội đồng học thuật sẽ bao gồm Phó hiệu trưởng học thuật (chủ tịch hội đồng), giám đốc học vụ, các trưởng khoa và hai thành viên là giảng viên của mỗi khoa được chỉ định bởi trưởng khoa, chủ tịch hội sinh viên. Các trưởng bộ môn liên quan được khuyến khích tham dự các cuộc họp của Hội đồng để bày tỏ quan điểm về các quy định được đề xuất hoặc xem xét các trường hợp cụ thể.

Hội đồng học thuật sẽ họp nếu có đủ 60% thành viên.

Hội đồng học thuật sẽ thảo luận và xem xét tất cả các chính sách về học tập, quy tắc và những thay đổi về thủ tục trước khi Phòng Học vụ thực hiện, đồng thời cung cấp lời khuyên cho Phòng học vụ và Phó hiệu trưởng học thuật.

Hội đồng học thuật sẽ lắng nghe khiếu nại của sinh viên liên quan đến điểm số, thôi học và các vấn đề kỷ luật liên quan đến học tập. Hội đồng sẽ mời sinh viên, cố vấn học tập của sinh viên, và trưởng khoa cùng ngồi lại để trình bày quan điểm và yêu cầu của mình. Sau đó, Hội đồng sẽ ghi nhận ý kiến bằng văn bản và nộp lại cho Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật.

4. Phòng học vụ

Phòng Học vụ chịu trách nhiệm lưu trữ tất cả các thông tin liên quan đến sinh viên, bao gồm việc đăng lý môn học, điểm số, việc hoàn tất các môn học và điều kiện tốt nghiệp. Giám đốc học vụ sẽ xác nhận sinh viên tốt nghiệp và chuẩn bị bằng tốt nghiệp cho sinh viên có chữ ký của Hiệu trưởng nhà trường. Sinh viên có thể yêu cầu cấp bảng điểm (các môn học đã hoàn thành và điểm số đạt được) và bản sao bằng tốt nghiệp (sau khi tốt nghiệp).

Trước mỗi học kỳ 01 tuần, sinh viên phải hoàn thành việc đăng ký các lớp học thông qua Phòng Học vụ. Danh sách lớp học của mỗi môn học sẽ được gửi đến cho các giảng viên vào đầu học kỳ. Những đối tượng nằm ngoài danh sách này sẽ không được tham dự lớp học.

Trước buổi học thứ ba của một môn học bất kỳ, sinh viên có thể đăng ký xin hủy môn học đã đăng ký tại Phòng Học vụ.

Để duy trì việc học tập và hưởng chế độ học bổng, sinh viên phải hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ một học kỳ, 33 tín chỉ/năm (bao gồm học kỳ hè).

Phòng Học vụ có trách nhiệm lưu trữ và bảo mật thông tin của sinh viên. Hồ sơ sinh viên chỉ được cung cấp cho chính sinh viên, giảng viên hướng dẫn, Ban Giám hiệu và các đối tượng được nêu trong Sổ tay sinh viên.

Website: www.ttu.edu.vn/academics

4.1 Hình thức học tại TTU

Niên chế: áp dụng cho khoa Y

Sinh viên học theo niên chế sẽ phải học tất cả các môn học theo chương trình đào tạo của TTU.

TÍN CHỈ: ÁP DỤNG CHO CÁC KHOA KHÁC

Thông thường, sinh viên cần đạt 120-128 tín chỉ để tốt nghiệp.

Tín chỉ được định nghĩa như một đơn vị xác định khối lượng học tập của sinh viên trong và ngoài lớp học (đọc sách, chuẩn bị bài tiểu luận và báo cáo kết quả phòng thí nghiệm, học thi). 1 tín chỉ = 3 giờ học (trên lớp + làm bài tập ở nhà) mỗi tuần x 15 tuần = 45 giờ.

Hầu hết các môn học gồm 3 tín chỉ. Mỗi khóa học 3 tín chỉ này = 9 giờ học tập mỗi tuần của sinh viên, thông thường 3 giờ học trên lớp và 6 giờ tự làm bài tập = 135 giờ.

Các khóa học về Khoa học và Kỹ thuật, ngoài giờ học trên lớp thường yêu cầu thời gian thực hành trong phòng thí nghiệm. 3 giờ trong phòng thí nghiệm mỗi tuần tương ứng với 1 tín chỉ. Một khóa học có kết hợp với thực hành phòng thí nghiệm thông thường là 4 tín chỉ.

Thông thường sinh viên học ít nhất 5 môn học trong một học kỳ, đây cũng là điều kiện để được xem xét cấp học bổng.

4.2 Hình thức đào tạo

Từ năm 2011 đến nay: chỉ nhận đào tạo Đại học Hệ chính quy

4.3 Thời gian đào tạo

Y: 06 năm

Các ngành khác: 04 năm

4.4 Bằng cấp

Cử nhân: đối với khoa Kỹ thuật, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Khoa Ngôn ngữ và

Nhân văn, và Khoa Công nghệ sinh học

Bác sĩ đa khoa: đối với Khoa Y

4.5 Các ngành học

Khoa Kỹ thuật

Kỹ thuật điện – điện tử (A, A1) D520201

Viễn thông – D5202011

Khoa học tính toán – D5202012

Mạng & Hệ thống máy tính – D5202013

Khoa học máy tính (A, A1, D1) D480101

Trí tuệ nhân tạo – D4801011

Khoa học tính toán – D4801012

Mạng & Hệ thống máy tính – D4801013

Quản lý kỹ thuật – D4801014

Hệ thống thông tin – D4801015

Kỹ thuật công trình xây dựng (A, A1) D580201

Ngừng tuyển sinh từ năm 2013

Khoa Nhân văn

Ngôn ngữ Anh (D1) D220201

Văn hóa – D2202011

Ngôn ngữ học ứng dụng – D2202012

Viết luận và tu từ học – D2202013

Khoa Kinh tế

Tài chính Ngân hàng (A, A1, D1) – D340201

Từ 2012, gộp với Kế toán thành “Tài chính Kế toán”

Tài chính & Kế toán – D3402011 (120 cr, excl. required courses)

Kinh tế & Phát triển – D3402012 (120 cr, excl. required courses)

Kế toán (A, A1, D1) – D340301

Từ 2012, gộp với Tài chính Ngân hàng thành “Tài chính – Kế toán”

Tài chính & Kế toán – D3402011 (120 cr, excl. required courses)

Kinh tế & Phát triển – D3402012 (120 cr, excl. required courses)

Kinh doanh quốc tế (A, A1, D1) – D340120

Quản trị & Kinh doanh toàn cầu – D3401201

Quản trị kinh doanh (A, A1, D1) – D340101

Marketing & Quản lý chuỗi cung ứng – D3401011

Khoa Công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học (B) – D420201

Công nghệ sinh học sinh sản – D4202011

Dược phẩm sinh học và liệu pháp tế bào – D4202012

Công nghệ sinh học động vật – D4202013

Sinh học ứng dụng (B) – D420203

Khoa Y

Y đa khoa (B) D720101

4.6 Yêu cầu tiếng Anh

Ngành Bác sĩ đa khoa: Không yêu cầu, học song song Anh – Việt

Các ngành khác: Chỉ được học các môn chuyên ngành khi đạt được điểm TOEFL theo quy định như sau:

–  Kỹ thuật và Công nghệ sinh học: TOEFL 500 trở lên

–  Các ngành khác: TOEFL 520 trở lên

–  Các SV có TOEFL dưới 600 bắt buộc học thêm 01 môn tiếng Anh nâng cao bên cạnh các môn chuyên ngành khác

4.7 Cố vấn học tập

Mỗi sinh viên sẽ được chỉ định một cố vấn học tập. Thông thường, cố vấn là một giảng viên trong khoa sinh viên theo học. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cố vấn cho sinh viên năm nhất có thể là giảng viên từ khoa khác.

Cố vấn học tập sẽ giúp sinh viên quyết định những môn học phù hợp nhất với lợi ích và nhu cầu của sinh viên, những môn học trong lĩnh vực sinh viên theo học cũng như những môn học lựa chọn sao cho thú vị và bổ ích nhất. Cố vấn học tập và sinh viên được yêu cầu gặp gỡ ít nhất 3 lần một học kỳ để cùng thảo luận về tiến trình học tập cũng như sự tiến bộ của sinh viên. Sinh viên được khuyến khích gặp cố vấn học tập của mình thường xuyên hơn để thảo luận về kế hoạch học tập hay bất cứ trở ngại nào trong việc học.

Cố vấn học tập được yêu cầu thông báo lịch làm việc tại văn phòng để sinh viên thuận tiện trong việc hẹn gặp. Thông thường, mỗi giảng viên cơ hữu được yêu cầu phải có mặt tại văn phòng ít nhất 08 giờ/tuần để tư vấn sinh viên.

4.8 Lịch dạy và học 2013-2014

Calendar_2013-2014.pdf

4.9 Lịch học

Phòng Học vụ sẽ lập thời khóa biểu cho mỗi học kỳ. Thời khóa biểu sẽ có sẵn để sinh viên tham khảo 02 tuần trước ngày học kỳ bắt đầu.

Hai tháng trước khi học kỳ mới bắt đầu, Trưởng khoa sẽ nộp cho phòng Học vụ danh sách các môn học sẽ được giảng dạy cùng với yêu cầu liên quan.

Phòng Học vụ sẽ cố gắng lên thời khóa biểu phù hợp với yêu cầu của Trưởng khoa và các giảng viên dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên theo học.

Sau khi công bố thời khóa biểu chính thức, giảng viên không được thay đổi thời gian học theo lịch. Trường hợp việc thay đổi lịch học thể hiện nguyện vọng của giảng viên và tất cả sinh viên trong lớp, giảng viên có thể gửi yêu cầu tới Trưởng khoa và đề nghị Phòng Học vụ thay đổi lịch học.

4.10 Các môn học lựa chọn (electives)

Sinh viên cần đăng ký một số môn học ngoài chuyên ngành để có thêm kiến thức. Thông thường, các môn học lựa chọn phải chiếm ít nhất 18 tín chỉ (khoảng 6 môn) và đây là yêu cầu bắt buộc.

4.11 Đăng ký môn học

Khoảng hai tuần trước khi bắt đầu học kỳ, sinh viên sẽ nhận được email thông báo đăng ký môn học. Sinh viên sẽ tham khảo lịch học, gặp cố vấn môn học và đăng ký online trước ngày hết hạn.

Từ năm 2012, việc đăng ký môn học lần đầu sẽ tiến hành online với xác nhận qua email. Nếu không nhận được phản hồi qua email hoặc nhận thấy có sự nhầm lẫn trong việc đăng ký, sinh viên cần báo cho Phòng Học vụ biết trước khi hết hạn đăng ký. Nếu không, dữ liệu đăng ký sẽ được xem là chính thức và buộc sinh viên phải tuân thủ.

Các lưu ý chung bao gồm:

–  Sinh viên chuyên ngành phải đăng ký ít nhất 33 tín chỉ/ năm

–  Sinh viên có trình độ TOEFL vào chuyên ngành nhưng dưới 600 bắt buộc phải tham gia 01 lớp tiếng Anh chuyên ngành.

4.12 Đề cương môn học (Syllabus)

Trước khi bắt đầu học, sinh viên sẽ nhận được đề cương môn học. Đề cương này sẽ trình bày:

–  Mục đích và nội dung môn học.

–  Kỳ vọng của giảng viên đối với sinh viên.

–  Các bài tập, thời gian hoàn thành và phần trăm điểm tích lũy của bài tập.

–  Danh sách tài liệu nghiên cứu và nơi sinh viên có thể tìm kiếm hay tiếp cận tài liệu.

–  Kế hoạch thực hành và thủ tục thực hiện.

–  Kế hoạch bài giảng và thảo luận trong suốt học kỳ.

–  Cách tính điểm cuối kỳ.

4.13 Hủy đăng ký môn học

Sinh viên có thể hủy đăng ký môn học trước buổi học thứ ba của môn học. Sinh viên cần tải mẫu đăng ký hủy môn học, điền đầy đủ thông tin và gởi cho Phòng Học vụ. Đơn đăng ký hủy môn học cần có chữ ký của cố vấn môn học.

Sau thời hạn cho phép, Phòng Học vụ sẽ không tiếp nhận bất kỳ đơn xin hủy môn học nào vì bất cứ lý do gì.

4.14 Tham dự lớp

Nếu không có quy định nào khác, sinh viên phải tham dự tất cả các lớp học.

Sinh viên vắng mặt không lý do quá 5% số buổi của môn học có thể bị phạt bằng cách trừ 10% điểm tổng kết cuối kỳ của môn học đó.

Sinh viên vắng mặt không lý do quá 10% số buổi của môn học sẽ bị loại khỏi danh sách của lớp.

Sinh viên vắng mặt có lý do từ 30% trở lên sẽ phải học lại.

4.15 Hệ thống thang điểm

Đại học Tân Tạo giảng dạy theo hệ thống tín chỉ sử dụng thang điểm 4.0.

Ký hiệu khác về điểm cũng sẽ xuất hiện trên bảng điểm bao gồm W – Thôi học; I – Chưa hoàn thành; S – Đạt, và U – Chưa đạt.

Điểm Trung Bình

Sinh viên có điểm trung bình tổng kết sau mỗi kỳ học và được tích lũy trong suốt các khóa học tại TTU. Với mỗi khóa học, điểm số sẽ được thể hiện như sau:

A+ = 4.0

A = 4.0

A- = 3.7

B+ = 3.3

B = 3.0

B- = 2.7

C+ = 2.3

C = 2.0

C- = 1.7

D+ = 1.3

D = 1.0

F = 0.0

Điểm trung bình (GPA) là điểm số của mỗi môn học nhân với số tín chỉ của mỗi môn học, được cộng dồn cho tất cả các môn sinh viên theo học và chia cho tổng số tín chỉ đạt được.

Để tốt nghiệp tại đại học TTU, sinh viên phải thỏa mãn:

–  Đạt 120-128 tín chỉ tùy theo chuyên ngành; trong đó đạt điểm trung bình ít nhất từ 2.0/tín chỉ đối với toàn bộ chương trình yêu cầu tốt nghiệp đại học. – Đạt 20 tín chỉ những môn bắt buộc theo quy định của MoET; – Đạt điểm ít nhất từ 2.0 đối với các môn học chuyên ngành.

–  Đạt chứng chỉ TOEFL quốc tế từ 600 trở lên hoặc tương đương.

4.16 Thi cuối kỳ

Mỗi môn học tại TTU sẽ có bài thi kết thúc môn.

Điểm bài thi kết thúc môn không chiếm quá 40% số điểm tổng kết của cả môn học. 60% số điểm còn lại dành cho các bài kiểm tra, bài luận, báo cáo thí nghiệm, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, thuyết trình, dự án được giao và đánh giá trong suốt học kỳ.

Bài thi kết thúc môn có thể là bộ câu hỏi, báo cáo tóm tắt, nghiên cứu hay bất kỳ một dạng nào khác phù hợp với nội dung môn học.

Thi viết

Bài thi viết kéo dài 2 giờ. Lịch thi sẽ được công bố 01 tuần trước khi thi.

DỰ ÁN HAY BÀI THI Ở NHÀ

Thay vì làm bài thi viết chính thức trên lớp, giảng viên có thể giao bài tập tình huống, dự án nghiên cứu, bài luận để sinh viên hoàn thành ở nhà, hoặc thuyết trình trên lớp, hay bất kỳ hình thức kiểm tra nào thích hợp. Toàn bộ các bài kiểm tra các dạng khác đều phải được hoàn thành trong kỳ thi cuối kỳ.

Toàn bộ các bài kiểm tra đều phải được nộp trước khi kỳ thi cuối kỳ kết thúc.

4.17 Trung thực

TRUNG THỰC

Hội đồng học thuật sẽ đưa ra quy định về tính trung thực trong học tập. Quy định này sẽ được chuyển đến tất cả sinh viên và giảng viên, và được đính kèm trong Sổ tay Sinh viên và Sổ tay Giảng viên.

Các giáo sư được khuyến khích trao đổi và thảo luận về sự trung thực trong học tập với sinh viên vào đầu mỗi khóa học, và bao gồm một câu tuyên bố về tính trung thực trong đề cương khóa học (giáo trình).

4.18 Đạo văn

Đạo văn có nghĩa là sao chép công việc của người khác và trình bày như là của riêng mình.

Sinh viên không được sử dụng quá 25% kiến thức trên Internet cho bài tập. Nếu dùng quá sẽ bị đánh điểm F.

Trong năm đầu tiên, sinh viên sẽ được hướng dẫn cách thức trích dẫn nguồn thông tin thu thập. Việc này phải được thực hiện bằng các ví dụ và minh họa cụ thể. Các giảng viên không nên giả định rằng sinh viên mặc nhiên đã hiểu sự khác biệt giữa việc tìm kiếm và sử dụng thông tin với việc sao chép bài làm của người khác.

Hình phạt thông thường đối với đạo văn là điểm ‘F’. Trong một số trường hợp như trích dẫn nguồn không chính xác, hình phạt có thể nhẹ hơn.

BÀI TẬP DO MÌNH LÀM

Tất cả bài làm do sinh viên nộp phải là bài làm của chính sinh viên. Việc chép bài từ sinh viên khác hoặc lấy từ bất cứ nguồn nào khác đều không được phép.

Khi sinh viên làm bài tập nhóm, các giảng viên sẽ giải thích cách thức chuẩn bị và đánh giá của từng môn học.

4.19 Gian lận trong thi cử

Đại học Tân Tạo không chấp nhận gian lận trong thi cử. Bất cứ sinh viên nào bị phát hiện gian lận trong khi thi như sử dụng tài liệu bị cấm hoặc chép bài từ sinh viên khác sẽ bị nhận điểm F của môn học hoặc buộc thôi học.

Sinh viên bị buộc thôi học sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ học bổng đã nhận từ trường.

BÁO CÁO VIỆC THIẾU TRUNG THỰC TRONG HỌC TẬP

Giảng viên hướng dẫn khi phát hiện trường hợp không trung thực trong học tập phải báo cáo lại cho Trưởng khoa. Trưởng khoa sẽ thông báo lại cho Phòng Học vụ và Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật. Trưởng khoa sẽ lưu giữ hồ sơ của các trường hợp này trong khoa, và Phòng Học vụ cũng lưu hồ sơ cho trường.

Giấy tờ liên quan đến sự thiếu trung thực trong học tập sẽ bị hủy cho tới khi sinh viên tốt nghiệp.

HÌNH PHẠT

Hình phạt cho trường hợp không trung thực lần đầu trong học tập là điểm ‘F’. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng như gian lận trong thi cử có thể bị buộc thôi học.

Việc thiếu trung thực lặp lại lần thứ hai, sinh viên cũng sẽ bị buộc thôi học.

Hình phạt cho các trường hợp không trung thực trong học tập sẽ được Hiệu phó phụ trách học thuật quyết định sau khi tham khảo ý kiến trưởng khoa và Phòng Học vụ. Nếu sinh viên tin rằng mình trung thực hoặc hình phạt đưa ra quá nặng so với vi phạm, có thể kháng cáo lên Hội đồng Học thuật. Hiệu trưởng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên kiến nghị của Hội đồng.

4.20 Điểm môn học

Điểm môn học của mỗi sinh viên sẽ được giảng viên nộp cho Phòng Học vụ trong thời hạn một tuần sau ngày thi cuối kỳ.

Nếu môn học yêu cầu làm dự án hoặc tiểu luận hoặc các dạng bài tập khác thay cho kỳ thi viết cuối kỳ, điểm cũng phải được gửi trong thời hạn một tuần sau ngày cuối cùng của kỳ thi.

Phòng Học vụ sẽ tiếp nhận điểm từ giảng viên, nhập điểm vào hệ thống và thông báo điểm online cho sinh viên trong vòng 02 tuần từ ngày tiếp nhận bảng điểm.

4.21 Bảng điểm

Trong vòng 03 tuần sau tuần thi cuối kỳ, sinh viên có thể xem điểm của mình trên hệ thống quản lý điểm online của TTU hoặc đăng ký xin cấp bảng điểm chính thức.

Những đối tượng dưới đây được cấp quyền truy cập tài khoản điểm sinh viên:

–  Bản thân sinh viên

–  Theo sự xem xét và quyết định của Ban Giám hiệu

4.22 Điểm F (0 điểm)

Nếu sinh viên bị điểm F sinh viên sẽ phải đóng phí học lại (2.000.000 đồng/tín chỉ). Khoản phí này sẽ không được vay và sinh viên có thể thanh toán thành nhiều đợt.

4.23 Điểm chưa hoàn thành (I)

TTU sẽ tránh tình trạng áp dụng rộng rãi việc cho phép sinh viên hoàn thành khóa học muộn hơn dự kiến, sau khi kết thúc học kỳ và cho điểm “I” (Chưa hoàn thành).

Trong trường hợp bệnh tật, việc khẩn cấp từ gia đình hoặc các công việc cần thiết khác, sinh viên không thể hoàn thành khóa học, có thể đề nghị cho điểm I. Để làm điều này, sinh viên phải:

–  Viết đơn gởi đến trưởng khoa sinh viên theo học

–  Được sự đồng ý của giảng viên môn học

–  Nộp đơn trước khi bắt đầu giai đoạn thi

Nếu được chấp thuận, sinh viên phải hoàn tất phần học còn lại vào cuối tuần thứ ba của học kỳ kế tiếp. Sau đó, giảng viên bộ môn sẽ nộp điểm môn học dựa trên kết quả học tập của sinh viên cho nhà trường.

4.24 Thay đổi điểm số

Sau khi có điểm, sinh viên đôi khi có thể yêu cầu giảng viên xem xét lại bài thi để có điểm cao hơn và điều này đã đặt áp lực lên giảng viên. Áp lực này sẽ trở nên lớn hơn nếu như việc thay đổi điểm số ảnh hưởng đến học bổng và các quyền lợi khác của sinh viên.

Điểm số tại TTU chỉ được thay đổi nếu nguyên nhân do lỗi nhập liệu, tính toán, lỗi do máy tính hoặc trong quá trình lưu điểm. Điểm số có thể thay đổi do việc nộp bài trễ, chỉnh sửa bài tập hoặc nộp thêm bài.

Việc thay đổi điểm phải được giảng viên lập theo mẫu và nộp cho Phòng Học vụ. Mẫu này ghi rõ tên sinh viên, mã số sinh viên, mã số và tên môn học, điểm cũ, điểm mới và ghi rõ nguyên nhân thay đổi điểm cùng với chữ ký của giảng viên và trưởng khoa của giảng viên.

4.25 Khiếu nại điểm

Nếu sinh viên thấy điểm số không công bằng, do giảng viên đánh giá việc học của sinh viên chưa kỹ hoặc chưa chính xác hoặc theo cảm tính, sinh viên có thể khiếu nại để thay đổi điểm. Trong trường hợp này sinh viên cần phải:

–  Tham khảo ý kiến của cố vấn học tập.

–  Nộp Đơn kiến nghị bằng văn bản cho trưởng khoa.

Trưởng khoa sẽ trao đổi ý kiến với sinh viên và giảng viên hướng dẫn. Trưởng khoa sau đó có thể gửi yêu cầu thay đổi điểm cho Phòng Học vụ.

Nếu tình hình vẫn không được giải quyết sau khi tham vấn với trưởng khoa, sinh viên có thể khiếu nại lên Hội đồng Học thuật.

4.26 Cải thiện điểm

Nếu sinh viên muốn cải thiện điểm, sinh viên sẽ phải làm đơn xin cải thiện điểm và đóng phí học lại (2.000.000đ/tín chỉ). Khoản phí này sẽ không được vay và sinh viên có thể thanh toán thành nhiều đợt. Điểm cũ của sinh viên vẫn được duy trì trên bảng điểm, tuy nhiên điểm mới mới được đưa vào tính GPA.

4.27 Duy trì việc học

Để duy trì việc học tại trường, sinh viên phải học toàn thời gian (tối thiểu 33 tín chỉ trong một học kỳ, không bao gồm các môn kỹ năng đại học), tổng thời gian học không quá 6 năm. Riêng khoa Y sinh viên phải học tối thiểu 50 đơn vị học trình, tổng thời gian học không quá 8 năm.

Có điểm trung bình tích lũy tối thiểu là 2.0 và điểm trung bình học kỳ gần nhất ít nhất từ 2.0.

4.28 Thời gian thử thách

Nếu sinh viên không đạt đủ điểm trung bình 2.0 trong học kỳ gần nhất, sinh viên sẽ ở trong giai đoạn thử thách.

Nếu trong học kỳ kế tiếp, sinh viên tiếp tục có điểm trung bình thấp hơn 2.0, sinh viên sẽ không đủ điều kiện tiếp tục theo học tại trường.

Trong trường hợp này, sinh viên có thể được nhập học lại sau một học kỳ hoặc buộc phải thôi học. Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật sẽ quyết định việc chấp thuận hoặc không chấp thuận cho sinh viên tiếp tục theo học tại trường.

4.29 Thi lại

TTU không tổ chức thi lại. Sinh viên bị điểm F (0 điểm) sẽ phải đóng học phí học lại.

4.30 Vắng thi

Bất kỳ sinh viên nào vắng thi cuối kỳ hoặc không nộp bài tập được giao thay bài thi cuối kỳ sẽ phải nhận điểm ‘F’, trừ trường hợp vắng thi vì lý do đặc biệt.

VẮNG THI VÌ LÝ DO ĐẶC BIỆT

Sinh viên chỉ được xin phép vắng thi khi có lý do đặc biệt bất khả kháng như đau ốm nặng, công việc hệ trọng đột xuất của gia đình buộc sinh viên phải lập tức rời trường.

Sinh viên khi vắng thi phải làm đơn xin phép thi bù gửi cho Trưởng khoa. Đơn này phải được Trưởng khoa phê duyệt trên cơ sở trao đổi với giảng viên môn học.

Nếu được duyệt, sinh viên sẽ tạm thời bị nhận điểm ‘X’. Bài thi bù của sinh viên sẽ được tiến hành trong vòng 3 tuần sau kể từ ngày thi chính thức. Đề thi bù phải khác đề thi chính thức. Giảng viên sẽ chịu trách nhiệm chấm bài và thay điểm ‘X’ cho sinh viên.

4.31 Nghỉ học vì lý do sức khỏe

Trong tình huống khẩn cấp vì lý do sức khỏe, sinh viên có thể nộp cho trưởng khoa đơn xin nghỉ học trước khi kết thúc học kỳ bên cạnh giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe được cấp bởi cơ quan y tế có thẩm quyền.

Trong trường hợp này, điểm “W” sẽ được ghi vào cột kết quả của các môn đang theo học.

Khuyến khích sinh viên tiếp tục việc học tại trường ngay sau khi điều kiện sức khỏe cho phép. Sinh viên sẽ tham khảo ý kiến cố vấn học tập của mình để hoàn thành các khóa học bỏ lỡ hoặc đăng ký học lại trong học kỳ sau.

4.32 Thôi học

THÔI HỌC TẠM THỜI

BGH có thể xét duyệt cho sinh viên nghỉ học tạm thời trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở quy định của Bộ và TTU.

Thôi học

Sinh viên phải hoàn thành các thủ tục theo quy định của Bộ và TTU.

BỒI HOÀN HỌC BỔNG

Tất cả những sinh viên thôi học tạm thời hoặc thôi học không vì lý do sức khoẻ (có giám định y khoa), đều phải bồi hoàn học bổng trước khi được nhận quyết định cho thôi học. Mức bồi hoàn sẽ là 60 triệu/12 tháng. Mức bồi hoàn sẽ được tính từ lúc sinh viên nhập học cho đến thời điểm nộp đơn xin thôi học.

Đối với trường hợp thôi học tạm thời, nếu được chấp thuận và quay trở lại trường đúng quy định, sinh viên sẽ được xem xét để cấp lại học bổng theo tiêu chuẩn và chế độ tại thời điểm quay lại trường.

4.33 Xét tốt nghiệp

XÉT TỐT NGHIỆP

Giám đốc học vụ có trách nhiệm xác nhận việc sinh viên đã hoàn thành tất cả các yêu cầu theo quy định của Bộ và TTU để được xét tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.

Xếp Loại Bằng Cấp

Theo quy định của Bộ

LỄ TỐT NGHIỆP

Lễ tốt nghiệp sẽ được tổ chức khi danh sách đề nghị xét tốt nghiệp đã được duyệt.

5. Lưu trú

Tất cả sinh viên năm thứ nhất được yêu cầu sống trong khuôn viên trường, ở đây sinh viên sẽ được cung cấp các bữa ăn, nơi ở và các dịch vụ trong một khu phức hợp. Do vậy, sinh viên sẽ có cơ hội sống, sinh hoạt và học tập cùng với các bạn đồng trang lứa và có những trải nghiệm đại học đẹp cùng những tình bạn sẽ theo các bạn đi suốt cuộc đời. Sau năm đầu tiên, sinh viên có thể lựa chọn ở lại ký túc xá hoặc ở bên ngoài. Tất cả các chương trình lưu trú và dịch vụ được Công ty Taserco phối hợp với Ban Quản lý Ký túc xá, Phòng Sinh viên vụ quản lý và giám sát.

5.1 Ký Túc Xá

Ban quản lý ký túc xá gồm một Trưởng ban, hai giám sát, bảo vệ và các nhân viên hỗ trợ khác. Những nhân viên này sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động hằng ngày của ký túc xá, vệ sinh môi trường, sự an toàn và sức khỏe cho sinh viên và nhân viên sinh sống trong tòa nhà. Nếu sinh viên có thắc mắc về các hoạt động hoặc về các quy định của ký túc xá thì chia sẻ ngay cho Ban Quản lý Ký túc xá hoặc trình bày với Phòng Sinh viên vụ.

Ký túc xá được phân chia khu vực nam – nữ riêng biệt. Ký túc xá cũng có những khu vực sinh hoạt chung như phòng khách, phòng giải trí, phòng thể dục thể thao, bếp, bãi giữ xe và các dịch vụ đa dạng khác. Thêm vào đó, bao quanh ký túc xá là một khoảng không gian xanh đẹp – nơi sinh viên có thể họp nhóm và sinh hoạt tập thể cùng bạn bè.

Mỗi phòng trong ký túc xá được trang bị cho khoảng sáu sinh viên và bao gồm nhà vệ sinh, nhà tắm, bồn rửa mặt và vòi hoa sen. Mỗi sinh viên cư trú sẽ được cung cấp giường, chiếu, mền, một tủ quần áo và bàn học dùng chung với các bạn cùng phòng. Sinh viên nên mang theo gối, khăn tắm và các vật dụng cá nhân khác như đèn học và quạt. Sinh viên luôn phải giữ nơi ở sạch sẽ và gọn gàng và chỉ ăn uống tại nhưng nơi sinh hoạt chung.

Những vật dụng sau không được phép mang vào ký túc xá: thiết bị nấu ăn, thuốc lá, rượu, ma túy hoặc các chất gây nghiện, tài liệu khiêu dâm hoặc bất hợp pháp, các loại vũ khí, … Đánh bài và các hình thức cờ bạc đều bị cấm. TTU là một khuôn viên không thuốc lá.

Nhân viên bảo vệ luôn trực tại cổng ký túc xá. Sinh viên có thể ra vào tòa nhà từ 5h00 sáng 10h00 tối.

Khách tới KTX phải xuất trình CMND/thẻ SV, HS và ký vào sổ của bảo vệ. Giờ tiếp khách từ 7h00 sáng đến 20h00. Sinh viên có thân nhân đến thăm, ở lại tạm trú phải báo trước, phải được sự đồng ý của Ban quản lý KTX và phải làm thủ tục tạm trú theo quy định.

Vào ký túc xá, sinh viên sẽ nhận được Nội quy Ký túc xá. Nội quy này được thiết lập nhằm nuôi dưỡng một môi trường học tập hỗ trợ và đảm bảo sự an toàn cho sinh viên lưu trú tại ký túc xá. Sinh viên phải tôn trọng các quyền, tính bảo mật và tài sản của người khác, cư xử với nhau chân thành và lịch thiệp. Khi nhận được hướng dẫn, mỗi sinh viên sẽ được yêu cầu ký vào Bản cam kết ghi nhận đã đọc và tuân thủ theo Nội quy KTX. Vi phạm nội quy sẽ bị nhắc nhở hoặc nhận các hình thức kỷ luật.

5.2 Nhà Ăn

Nhà ăn sẽ cung cấp cho sinh viên các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và tiện lợi. Sinh viên có chế độ ăn kiêng nên thông báo với quản lý nhà ăn để có các bữa ăn đáp ứng đúng nhu cầu của mình.

Giờ phục vụ sẽ được thông báo tại nhà ăn. Nhà ăn cũng thiết kế các khu vực sinh hoạt chung, dịch vụ lưu trú và các chương trình của Sinh viên vụ. Những khu vực này mở cửa theo lịch trình cụ thể.

Những quy định sau trong nhà ăn nhằm mang đến sự thoải mái cho tất cả mọi người:

  1. Không lãng phí đồ ăn.
  2. Không mang đồ ăn và các trang thiết bị ra khỏi nhà ăn.
  3. Đặt các khay gia vị, ly, tách vào đúng vị trí quy định.
  4. Giữ gìn vệ sinh chung và sắp xếp bàn ghế gọn gàng sau khi ăn.

Nội quy nhà ăn sẽ được bao gồm trong Nội quy Ký túc xá. Sinh viên vi phạm nội quy sẽ phải nhận các hình thức kỷ luật.

Nhân viên và giám sát nhà ăn có trách nhiệm trong việc thiết lập và duy trì bầu khí an toàn và thoải mái trong nhà ăn. Nếu có bất cứ vấn đề phát sinh liên quan đến nhà ăn, nhân viên nhà ăn sẽ thông báo cho Ban Quản lý KTX và Phòng Sinh viên vụ để có hướng giải quyết kịp thời.

5.3 Dịch Vụ tại KTX

Ký túc xá không chỉ đơn thuần là nơi dành cho việc ăn và ngủ, nhiều dịch vụ tiện ích luôn sẵn sàng để phục vụ sinh viên. Sinh viên tại ký túc xá có thể sử dụng dịch vụ internet, truyền hình cáp, điện thoại công cộng, máy ATM, nước uống, photocopy, bưu chính. Bên cạnh đó, dịch vụ y tế, quán cà phê, và tiệm tạp hóa cũng sẽ được đặt trong khuôn viên ký túc xá. Các cơ sở này ra đời nhằm giúp sinh viên tiếp cận được các dịch vụ và tài liệu cần thiết hiệu quả và kinh tế, đáp ứng được nhu cầu để sống và học tập tốt tại TTU. Nhà trường sẽ cung cấp tài liệu học tập với mức giá hợp lí.

Dịch vụ internet được cung cấp miễn phí cho sinh viên nhằm phục vụ cho mục đích học tập. Nhà trường nghiêm cấm sinh viên sử dụng internet để download phim ảnh hoặc phục vụ cho các mục đích khác.

5.4 Phương Tiện Đi Lại

Xe buýt sẽ luân phiên di chuyển giữa ký túc xá và lớp học vào các khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, xe buýt sẽ kín chỗ vào các giờ cao điểm nên sinh viên cần sắp xếp thời gian phù hợp. Đi học đầy đủ là trách nhiệm của mỗi sinh viên và việc trễ xe buýt không phải là lý do hợp lý cho việc đi trễ hoặc nghỉ học.

Sinh viên được khuyến khích sử dụng xe đạp di chuyển trong trường và khu vực Đức Hòa. Sinh viên phải đậu xe đạp và xe gắn máy đúng nơi quy định. Những sinh viên vi phạm và được đội an ninh nhắc nhở đến lần thứ ba do để xe sai quy định sẽ bị cấm mang xe vào trường và ký túc xá.

Sinh viên điều khiển xe gắn máy trong khu công nghiệp Tân Đức phải tuân theo các quy định của pháp luật. Những sinh viên nhiều lần vi phạm luật lệ giao thông hoặc tham gia vào các hành vi mạo hiểm sẽ chịu các hình thức kỷ luật.

5.5 Nội Quy Ký Túc Xá

Trong thời gian cư trú tại ký túc xá (KTX) TTU, sinh viên phải tuân thủ nội quy KTX cũng như những quy định dành cho sinh viên TTU. Những quy định này được thiết kế nhằm tạo môi trường sống và học tập an toàn, giúp sinh viên thúc đẩy sự thành công trong học tập, phát triển bản thân và trở thành những công dân có trách nhiệm.

Quy định tại KTX TTU chia thành 4 nhóm:

A. Quy định chung

B. Quy định về trang thiết bị

C. Quy định việc sử dụng nhà ăn

D Khung xử lý vi phạm

A. Quy Định Chung

1. Thẻ sinh viên: Sinh viên phải xuất trình thẻ sinh viên khi vào khuôn viên KTX.

2. Giờ mở cửa:

  • Chủ Nhật – Thứ Năm: từ 5h00 đến 22h00
  • Thứ Sáu – Thứ Bảy: từ 05h00 đến 23h00

3. Một số những quy định trong phòng ở:

– Sinh viên lưu trú đúng số phòng quy định và không được tự ý di chuyển khi chưa có sự đồng ý từ Ban quản lý KTX. -Không tiếp khách trong phòng.

– Không nấu ăn hay đun nước trong phòng ở và các nơi khác thuộc khuôn viên KTX.

– Không ủi quần áo trong phòng.

– Không treo quần áo trong phòng và các nơi công cộng.

– Không được phép nuôi vật nuôi trong KTX.

– Có ý thức tiết kiệm điện nước. Tắt các thiết bị điện trước khi rời phòng.

– Ánh sáng chính của từng phòng phải được tắt trước 10 giờ đêm. Sinh viên có thể dùng đèn cá nhân để tiếp tục học.

– Sử dụng internet và máy tính cho mục đích học tập.

4. Tiếp khách: Sinh viên chỉ tiếp đón bạn bè, người thân tại phòng tiếp khách. Khách tới KTX phải xuất trình CMND/thẻ SV và ký vào sổ của bảo vệ. Giờ tiếp khách từ

7h00 sáng đến 20h00. Sinh viên có thân nhân đến tạm trú phải báo trước với Ban quản lý KTX ít nhất 24 giờ và làm thủ tục thuê phòng cần thiết.

5. Giữ trật tự: Tất cả sinh viên lưu trú và khách tới tham quan phải có ý thức giữ trật tự chung: không la hét, gây ồn ào trong KTX hoặc mở các thiết bị âm thanh quá mức bình thường. Ban quản lý KTX có quyền tịch thu các thiết bị âm thanh và trả lại vào cuối năm học nếu sinh viên sử dụng không thích hợp. Không tổ chức sinh nhật hoặc các hình thức vui chơi tập thể trong phạm vi KTX khi chưa có sự đồng ý của Ban quản lý.

6. Thể thao: Chơi thể thao đúng nơi quy định.

7. Trang phục: Ăn mặc lịch sự và phù hợp khi tới những nơi công cộng.

8. Trực phòng: Mỗi phòng đều phải có lịch trực phòng. Sinh viên có trách nhiệm làm vệ sinh phòng ở, phòng tắm, ban công và các khu vực được phân công. Ban quản lý KTX có quyền kiểm tra phòng ở của sinh viên mà không cần báo trước.

9. Vệ sinh: Không xả rác, viết, vẽ, dán giấy, tranh ảnh, treo các vật dụng hoặc đóng đinh lên tường. Quần áo, sách vở, đồ dùng cá nhân phải sắp xếp gọn gàng.

10. Đổ rác: Đổ rác hàng ngày đúng giờ và đúng nơi quy định. Thời gian thực hiện từ 18h00 đến 06h00 sáng ngày hôm sau.

11. Rượu, thuốc lá, ma túy: Không tàng trữ/mua bán/sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích gây nghiện.

12. Đánh bài: Không tổ chức hoặc tham gia đánh bài và các hình thức cờ bạc khác.

13. Vũ khí: Không tạo ra, tàng trữ hoặc sử dụng các loại hung khí.

14. Hành vi đe dọa: Những hành vi đe dọa sức khỏe và an toàn của chính mình và người khác đều bị cấm.

15. Quấy rối: Nghiêm cấm các hình thức quấy rối hoặc thiếu tôn trọng giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, sinh viên dưới bất cứ hình thức nào.

16. An toàn về cháy nổ:

– Để đảm bảo an toàn cháy nổ, nghiêm cấm những vật dụng liệt kê dưới đây trong phòng ở:

  • Các thiết bị nấu ăn ( lò vi sóng, lò nướng, vỉ nướng, bình pha cà phê …).
  • Nến và đèn dầu.
  • Chất lỏng dễ cháy như dầu hỏa và xăng dầu.
  • Bàn ủi

B. Quy Định về Trang Thiết Bị và Tài Sản

  1. Tài sản cá nhân. Sinh viên tự bảo quản và tự chịu trách nhiệm tài sản cá nhân.
  1. Tài sản KTX: Sinh viên không được tự ý di chuyển tài sản, trang thiết bị khỏi vị trí được bố trí. Không tự ý sửa chữa, cải tạo phòng ở hay gắn thêm các trang thiết bị khác. Khi phát hiện trang thiết bị hư hoặc đồ đạc bị di chuyển, sinh viên phải báo ngay cho Ban quản lý KTX. Sinh viên chịu trách nhiệm đền bù về những hư hỏng, mất mát do mình gây ra đối với trang thiết bị KTX.
  1. Xe đạp và xe gắn máy: Xe đạp và xe gắn máy phải để đúng nơi quy định.
  1. Sử dụng hành lang: Vì lý do an toàn, không để bất cứ đồ đạc, thiết bị, thùng rác hay bất cứ vật trở ngại gây cản trở tại hành lang, cầu thang và lối đi. Trò chơi và các hoạt động giải trí bị nghiêm cấm tại khu vực này.
  1. Khu vực giới hạn: Để tránh xảy ra tai nạn, không trèo lên mái nhà, sân thượng và cửa sổ tòa nhà cao tầng. Sinh viên không tự ý vào những khu vực đang xây dựng hoặc khu vực nhà trường cấm.

C. Quy Định Việc Sử Dụng Nhà Ăn

Những quy định sau trong nhà ăn nhằm mang đến sự thoải mái cho tất cả mọi người: –       Giữ gìn vệ sinh chung.

– Sắp xếp bàn ghế gọn gàng sau khi ăn.

– Không mang đồ ăn và các trang thiết bị ra khỏi nhà ăn.

– Tôn trọng người khác trong giờ ăn.

D. Khung Xử Lý Vi Phạm

  1. Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên có thể bị:
    1. Nhắc nhở: Ban quản lý KTX thực hiện
    2. Khiển trách: Ban quản lý KTX thực hiện
    3. Cảnh cáo: Ban quản lý KTX thực hiện và báo về Khoa
    4. Buộc ra khỏi ký túc xá
    5. Buộc thôi học Lưu ý:

-Mức độ xử lý “d” và “e” chỉ được quyết định và thông qua bởi Hội Đồng Kỷ Luật của nhà trường.

  • Tất cả các hành vi làm hư hại hoặc mất tài sản và trang thiết bị của nhà trường đều phải trả lại nguyên trạng (bồi thường).
  • Các trường hợp liên quan đến hút thuốc hoặc giữ gìn vệ sinh chung sinh viên sẽ bị phạt như sau:

Lần 1: Phạt 100.000đồng

Lần 2: Phạt 200.000đồng và 1 buổi lao động công ích

Lần 3: Phạt 300.000đồng và 2 buổi lao động công ích, và thông báo về Khoa

Lần 4: Đuổi học

  • Đối với các trường hợp uống rượu bia hoặc đánh nhau trong KTX, mức phạt sẽ gấp đôi:

Lần 1: Phạt 200.000đồng

Lần 2: Phạt 400.000đồng và 1 buổi lao động công ích

Lần 3: Phạt 600.000đồng và 2 buổi lao động công ích, và thông báo về Khoa

Lần 4: Đuổi học

Lưu ý: Những quy định khác về KTX sẽ được nhà trường bổ sung khi cần thiết.

6. Đời sống sinh viên

6.1 Chăm sóc Sức khỏe và Tư vấn

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khuôn viên trường nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về y tế cho sinh viên. Ngoài ra, phòng y tế sẽ lưu giữ hồ sơ sức khỏe sinh viên, khám bệnh và xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe toàn diện cho sinh viên. Khi sinh viên cần được tư vấn và chăm sóc sức khỏe, hãy liên hệ trực tiếp phòng y tế. Trong trường hợp bệnh nặng và vượt ngoài khả năng điều trị của phòng y tế, sinh viên sẽ được giới thiệu tới bác sĩ khác, chuyển sang bệnh viện hoặc gặp tư vấn viên.

Mục tiêu của nhà trường là tăng cường sức khoẻ toàn diện và thúc đẩy sự phát triển của mỗi sinh viên, và chúng tôi hiểu rằng sự khỏe mạnh về vật chất và tinh thần đều là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công trong học tập cho sinh viên. Đó là lý do tại sao TTU cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe. Dù sinh viên đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, xử lý những vấn đề của cá nhân và gia đình hay là cảm thấy choáng ngợp, hãy tới với chúng tôi để chia sẻ! Nếu bạn đang gặp phải những trường hợp kể trên, hãy hẹn với tư vấn viên tại văn phòng Vụ Sinh viên. Giờ làm việc của phòng tư vấn sẽ được thông báo báo cụ thể. Tư vấn là bảo mật thông tin và sẽ không ảnh hưởng tới điểm số.

Nếu sinh viên tạm thời không thể tiếp tục học tại trường do vấn đề sức khỏe hoặc lý do cá nhân, tùy theo trường hợp, học bổng của sinh viên có thể còn giá trị khi sinh viên trở lại trường. Nhà trường sẽ thông tin tới sinh viên về những trường hợp được xem xét cũng như các lý do dẫn tới quyết định cuối cùng.

6.2 Hoạt động Sinh viên

Các hoạt động và đời sống xã hội của sinh viên là một phần rất quan trọng trong chuỗi những trải nghiệm tại trường đại học. Với nhiều mục đích khác nhau từ vui chơi, giải trí, học tập hay phục vụ cộng đồng, những hoạt động này đều giúp sinh viên phát triển các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng lập kế hoạch và kỹ năng tổ chức. Do vậy, sinh viên là nhân tố trọng tâm trong việc lập kế hoạch và đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động liên quan tới đời sống sinh viên, với sự hỗ trợ từ Văn phòng Vụ Sinh viên, giảng viên và cán bộ nhà trường. Sinh viên có thể phải đóng một khoản phí khi tham gia các câu lạc bộ, bộ môn thể thao và các hoạt động khác.

Tất cả các trường đại học tốt nhất đều hiểu rằng giáo dục diễn ra tại mọi thời điểm, cả trong và ngoài lớp học. Sinh viên sẽ có cơ hội tham gia vào các hoạt động diễn ra thường xuyên tại Trung tâm sinh viên. Tùy vào thời điểm thích hợp, nhà trường sẽ tài trợ cho các bài thuyết trình, các diễn đàn, sự kiện âm nhạc, những bộ phim sinh viên yêu thích và khuyến khích sinh viên tham dự các sự kiện này.

6.3 Câu Lạc Bộ và Hội Sinh Viên

Tất cả sinh viên đăng ký vào trường đều trở thành thành viên của Hội Sinh viên. Thông qua đó, sinh viên có cơ hội tham gia vào các hoạt động của nhà trường và tích lũy cho mình những kiến thức bổ ích. Sinh viên sẽ hỗ trợ nhà trường lên kế hoạch tổ chức kỷ niệm các ngày lễ và những sự kiện đặc biệt, bao gồm lễ đón tân sinh viên, liên hoan giữa kỳ và cuối kỳ, lễ tốt nghiệp. Lãnh đạo Hội Sinh viên sẽ được lựa chọn từ chính các thành viên của Hội. Lãnh đạo Hội sinh viên làm việc dưới sự giám sát và hỗ trợ từ cán bộ Văn phòng Vụ Sinh viên.

Ban Tham vấn Sinh viên bao gồm ba đại diện từ ba Khoa, đại diện Hội sinh viên TTU, sẽ làm việc thường xuyên với lãnh đạo nhà trường để đại diện cho quyền lợi của sinh viên. Ban Tham vấn sinh viên sẽ thường xuyên gặp gỡ để trao đổi các vấn đề của sinh viên, là người liên lạc với lãnh đạo nhà trường và cung cấp thông tin phản hồi từ sinh viên. Ban Tham vấn sinh viên cũng sẽ được nhà trường tham khảo ý kiến khi thi hành các biện pháp kỷ luật.

Sinh viên có thể lựa chọn các câu lạc bộ để thành lập và tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ có thể liên quan tới các lĩnh vực học tập và sở thích như âm nhạc, tiếng Anh, kinh doanh; hoặc xoay quanh các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bơi lội, bóng rổ, bóng bàn, bóng đá – hoặc các chủ đề khác. Câu lạc bộ sẽ do sinh viên điều hành với sự hỗ trợ của cán bộ và giảng viên nhà trường. Câu lạc bộ phải đáp ứng các yêu cầu nhất định và sẽ có trách nhiệm đăng ký và báo cáo hoạt động cho Văn phòng Vụ Sinh viên. Một số hoạt động của các câu lạc bộ phải được Văn phòng Vụ Sinh viên chấp thuận trước khi triển khai.

Sinh viên Đại học Tân Tạo không được khuyến khích tham gia vào các tổ chức chính trị và tôn giáo, các diễn đàn trực tuyến cũng như các trang web phi chính thức.

Những quy định bổ sung liên quan đến Câu lạc bộ và Hiệp hội sinh viên sẽ được thông báo tại Văn phòng Vụ Sinh viên.

6.4 Thể Thao

TTU tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao như điền kinh, cử tạ, tennis, bóng đá, cầu lông, bóng bàn và các môn thể thao khác. Tất cả sinh viên đều có thể tham gia và một số trang thiết bị thể thao sẽ được cung cấp cho những sinh viên đăng ký trước. Nếu yêu thích, sinh viên có thể thành lập và đăng ký tham gia vào câu lạc bộ thể thao của nhà trường. TTU cũng sẽ tổ chức giải thi đấu trong phạm vi toàn trường. Điều phối viên Thể thao của Văn phòng Vụ sinh viên sẽ là người phụ trách tất cả các môn thể dục thể thao của nhà trường.

6.5 Thẻ Sinh viên

Mỗi sinh viên sẽ được cấp một thẻ sinh viên. Sinh viên phải trình thẻ trước khi vào các tòa nhà thuộc khuôn viên tòa nhà như ký túc xá và nhà ăn, thư viện và khu thể dục thể thao. Thẻ này cũng được sử dụng cho việc đăng nhập tài khoản email TTU, kiểm tra tài liệu thư viện, mua hàng tại các tiệm sách trong khuôn viên trường và tham dự sự kiện đặc biệt của nhà trường.

Sinh viên có trách nhiệm sử dụng và bảo quản thẻ sinh viên. Nếu thẻ này bị mất, sinh viên phải báo ngay cho phòng phát hành thẻ và trả phí để được cấp lại thẻ mới.

6.6 An ninh

Các nhân viên an ninh trong trường được bố trí để bảo vệ sinh viên, giảng viên và nhân viên nhà trường. Họ sẽ làm việc với tính chuyên nghiệp, và sinh viên phải tôn trọng và tuân thủ theo chỉ dẫn của nhân viên an ninh. Nghĩa vụ của sinh viên là báo cáo bất kỳ hoạt động đáng nghi ngờ, nguy hiểm hoặc đe dọa trong khuôn viên trường cho các nhân viên an ninh.

Sinh viên chịu trách nhiệm về hành vi của bạn bè và người thân khi tới thăm trường.

6.7 Quan hệ Cộng đồng

Đại học Tân Tạo là một thành viên mới trong Thành phố tri thức Tân Đức E-City và thị trấn Đức Hòa. Nhà trường cam kết phát triển mối quan hệ thân thiện với các thành viên trong cộng đồng cũng như các chủ doanh nghiệp, do vậy sinh viên được khuyến khích sử dụng dịch vụ từ các cửa hàng, các hộ kinh doanh của địa phương và phát triển mối tương tác tích cực với cộng đồng xung quanh. Các bạn hãy nhớ rằng, sinh viên là hình ảnh biểu tượng của nhà trường và những hành vi liều lĩnh, thiếu tôn trọng người khác sẽ chịu những hình thức kỷ luật cao nhất. Vì vậy, giữ gìn hình ảnh của bản thân là trách nhiệm của mỗi sinh viên!

7. Khen thưởng

Để góp phần phát triển sinh viên toàn diện và thúc đẩy đời sống sinh viên thật phong phú và mang nhiều ý nghĩa, Văn phòng Vụ Sinh Viên đã thiết kế chương trình khen thưởng cho những sinh viên năng động và xuất sắc. Mục tiêu của chương trình này là khuyến khích, phát hiện, và khen thưởng các hoạt động của sinh viên trong trường.

7.1 Mục Tiêu Chương Trình

KHUYẾN KHÍCH:

  1. Những sinh viên năng động, có kiến thức
  2. Ý thức phục vụ cộng đồng và tham gia hoạt động tình nguyện
  3. Lòng tự trọng của sinh viên
  4. Sự nhiệt tình và lòng tự hào về

PHÁT HIỆN: Sinh viên có nỗ lực xuất sắc trong các hoạt động:

  1. Tình nguyện: Sinh viên tích lũy mỗi học kỳ từ 50, 100, 150 giờ hoặc nhiều hơn trong công tác tình nguyện sẽ được công nhận mức bạc, đồng, và vàng.
  2. Các dự án của trường: Những sinh viên là trưởng nhóm trong các dự án của nhà trường hoặc đại diện trường tham gia các sự kiện/cuộc thi tại cộng đồng sẽ được ghi nhận thành tích.
  3. Đóng góp vào hoạt động sinh viên: Những sinh viên gương mẫu trong sinh hoạt, có những đóng góp tích cực vào hoạt động sinh viên sẽ được khen thưởng.

KHEN THƯỞNG: Trong các lễ trao giải cấp Khoa hoặc toàn trường, sinh viên sẽ được công nhận và khen thưởng, và được trao giấy chứng nhận cho các thành tích xuất sắc của mình.

7.2 Quy Trình Lựa Chọn

  1. Sinh viên có thể được Quản lý ký túc xá, giảng viên và lãnh đạo Hội Sinh viên đề cử. Những sinh viên muốn đề cử bạn bè của mình liên hệ với lãnh đạo Hội Sinh viên.
  2. Việc đề cử sẽ được Hội đồng tuyển chọn – gồm cán bộ Văn phòng Hội Sinh viên xem xét và được Hiệu trưởng đồng ý.
  3. Hội đồng tuyển chọn sẽ đánh giá từng cá nhân được đề cử dựa trên thành tích đóng góp cho trường.
  4. Sinh viên có thể được trao các hạng đồng, bạc và vàng.
  5. Việc khen thưởng sẽ được thực hiện vào cuối mỗi học kỳ. Trong một số trường hợp nhất định, khen thưởng có thể thực hiện trong học kỳ.

8. Nội quy sinh viên

Lịch sự và tôn trọng người khác cùng thái độ tích cực trong nghiên cứu học tập là những nguyên tắc quan trọng nhất trong Nội quy sinh viên. Sinh viên được tạo điều kiện vui chơi trong khuôn viên trường và TTU sẽ là nơi lý tưởng để kết bạn và học hỏi từ các sinh viên khác ngay cả phạm vi ngoài lớp học. Cư xử văn minh và tuân thủ các quy định của nhà trường sẽ góp phần tạo nên một môi trường sống và học tập văn minh và lịch thiệp.

Sinh viên có thể đề xuất những quy định liên quan đến Nội quy sinh viên. Về cơ bản, Nội quy sinh viên gồm có:

  1. Sinh viên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  2. Nghiêm cấm rượu, ma túy, thuốc lá trong khuôn viên trường.
  3. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bài và các hình thức cờ bạc khác.
  4. Nghiêm cấm các hình thức quấy rối hoặc thiếu tôn trọng giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường và sinh viên dưới bất cứ hình thức nào.
  5. Những hành vi đe dọa sức khỏe và an toàn của chính mình và người khác đều bị cấm. Điều này bao gồm, nhưng không giới hạn, việc sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hoặc bản sao vũ khí, các hành vi đe dọa và đánh nhau.
  6. Sinh viên phải tuân thủ theo Nội quy KTX và nội quy sử dụng trang thiết bị của nhà trường, cũng như thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ và giảng viên TTU.
  7. Sử dụng e-mail, internet, hoặc thiết bị điện tử cá nhân phù hợp.
  8. Điện thoại di động để chế độ yên lặng và không sử dụng trong lớp học và trong tòa nhà học thuật.
  9. Có ý thức giữ trật tự chung, không gây ồn ào làm ảnh hưởng tới việc học tập và người khác.
  10. Nghiêm cấm việc sử dụng trái phép, sử dụng sai mục đích, giả mạo, gây thiệt hại hoặc hủy hoại tài sản của TTU hoặc của người khác.
  11. Tất cả các hành vi làm hư hại hoặc mất tài sản, trang thiết bị của nhà trường đều phải trả lại nguyên trạng (bồi thường).

Những quy tắc này được thiết lập nhằm mang đến một đời sống sinh viên sôi động, thú vị và sáng tạo, mà ở đó sinh viên luôn cảm thấy an toàn và được chào đón.

9. Khung xử lý vi phạm

Nội quy sinh viên sẽ được thông báo tại các địa điểm quy định trong khuôn viên trường. Tất cả sinh viên đều được yêu cầu ký vào giấy cam kết sinh viên đã đọc, hiểu, và đồng ý tuân thủ theo quy định nhà trường.

Nội quy sinh viên sẽ được thực thi bởi Hội đồng kỷ luật gồm Hiệu trưởng, Văn phòng Vụ Sinh viên, Trưởng khoa và các bên liên quan. Vi phạm nội quy sẽ bị cảnh cáo và chịu các biện pháp kỷ luật sau:

  1. Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên có thể bị:
    • Nhắc nhở: giảng viên/cán bộ nhà trường thực hiện
    • Khiển trách: giảng viên/cán bộ nhà trường/hội đồng kỷ luật thực hiện
    • Cảnh cáo: Hội đồng kỷ luật thực hiện và báo về Khoa, KTX (nếu sinh viên ở tại KTX) và ghi vào học bạ.
    • Bị quản chế tối đa 16 tuần. Trong thời gian này, nếu sinh viên tiếp tục vi phạm sẽ bị đình chỉ học tập hoặc đuổi học.
    • Buộc thôi học
  2. Tất cả các hành vi làm hư hại hoặc mất tài sản và trang thiết bị của nhà trường đều phải trả lại nguyên trạng và bồi thường.
  3. Sinh viên làm hư hại môi trường (cây xanh, hồ nước…) của nhà trường đều phải trả lại nguyên trạng và bồi thường.
  4. Đối với các trường hợp Hội đồng kỷ luật thấy các biện pháp giáo dục khác là cần thiết, sinh viên có thể được đề nghị lao động công ích từ 2 đến 8 tiếng đồng hồ.

10. Các vấn đề liên quan đến sinh viên

TTU mong muốn sẽ đem đến một môi trường sống an toàn và hỗ trợ cho tất cả sinh viên. Tuy nhiên, nhà trường hiểu rằng những tình huống phát sinh có thể khiến sinh viên cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng. Dù điều này có thể ảnh hưởng tới sinh viên khác, giảng viên, cán bộ nhà trường hoặc bất cứ ai, sinh viên luôn được khuyến khích gặp tư vấn viên hoặc cán bộ văn phòng Vụ Sinh viên để nhận được sự hỗ trợ. Cán bộ văn phòng Vụ Sinh viên luôn làm việc tận tâm để giải quyết các vấn đề một cách nghiêm túc, công bằng, đơn giản và nhất quán, trong thời gian sớm nhất có thể.

Lưu ý: Nội quy sinh viên sẽ được nhà trường bổ sung khi cần thiết.

11. Thư viện

Cũng giống như nhiều trường đại học trên thế giới, thư viện của TTU là kho kiến thức được tập hợp qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Tuy nhiên, khác biệt với thư viện truyền thống của các trường đại học với hàng ngàn cuốn sách, tạp chí, báo và các tài liệu khác; thư viện của TTU là một hệ thống dữ liệu điện tử hiện đại mà trong đó có sẵn những kho tài liệu đã được số hóa nhằm phục vụ tối đa cho việc tìm kiếm dữ liệu của sinh viên ngay tại lớp học và ký túc xá.

Sử dụng thư viện cho việc nghiên cứu, học tập hoặc đọc sách để thư giãn, sinh viên cần biết cách thức tìm kiếm và sử dụng lượng thông tin được lưu trữ trong thư viện dưới hai hình thức:

– Dạng truyền thống: sách báo dùng cho việc tham khảo tại thư viện hoặc có thể mượn về ký túc xá.

– Dạng kỹ thuật số: thông tin được số hóa để sinh viên nhanh chóng truy cập được từ máy tính.

Là một phần của chương trình Kỹ năng đại học, mỗi sinh viên sẽ tự nghiên cứu, học tập thông qua việc làm bài tập trên lớp và tại nhà. Vậy làm thế nào sinh viên có thể sử dụng nguồn tài liệu thư viện, trên Internet và các thông tin kỹ thuật số khác? Sinh viên sẽ được học cách liệt kê những tài liệu tham khảo cho mỗi bài nghiên cứu của mình.

Đi kèm với quyền tự do truy cập vào thư viện chính là trách nhiệm của sinh viên trong việc bảo quản và sử dụng nguồn tư liệu quý giá đúng cách và phù hợp. Thư viện được thành lập cho bạn và sinh viên các khóa sau cùng sử dụng. Chính vì vậy, bất kể tài liệu thư viện nào mà bạn đang sử dụng – tài liệu kỹ thuật số hoặc sách báo, tạp chí mượn từ thư viện, sinh viên cần phải tuân thủ những quy tắc của thư viện như sau:

– Khi muốn sử dụng tài liệu trong thư viện kể cả tại chỗ hay mượn về nhà, sinh viên phải hỏi và trình thẻ sinh viên cho thủ thư.

– Những quy tắc đặc biệt trong việc sử dụng những tài liệu kỹ thuật số được đăng tải trên hệ thống mạng của nhà trường, trách nhiệm của sinh viên là phải hiểu và tuân theo những quy tắc này.

– Sinh viên không nên truy cập hoặc cố tình truy cập những tài liệu liên quan đến cá nhân khác hoặc các phòng ban trong trường.

– Sinh viên không được làm hư hại hoặc mất mát các tài liệu của thư viện nhà trường dưới bất cứ hình thức nào.

– Tài liệu của thư viện không được phép sử dụng cho lợi ích cá nhân.

– Nhà trường nghiêm cấm in sao các tài liệu thư viện có bản quyền dưới bất cứ hình thức nào.

– Tài liệu thư viện – dưới cả hai dạng lưu trữ – chỉ được lưu hành nội bộ trong trường Đại học Tân Tạo.

11.2 Cẩm nang sử dụng thư viện

◦ Mục đích và đối tượng:

  • Nhằm giúp người sử dụng nắm bắt thông tin về hoạt động thư viện, cách thức sử dụng và khai thác thư viện hiệu quả.
  • Đối tượng sử dụng cẩm nang này là sinh viên, nhân viên và giảng viên hoặc tất cả những ai quan tâm đến Thư viện Trường Đại học Tân Tạo.

◦ Giờ làm việc và liên lạc:

  • Giờ làm việc: Từ Thứ 2 – Thứ 6 hàng tuần:

-Buổi sáng: 8h00-12h00

– Buổi chiều: 13h00-14h30

– Buổi tối: 17h30-20h30

Thứ 7 và Chủ nhật Thư viện không phục vụ.

Liên lạc: info.lib@ttu.edu.vn

Chính sách giờ làm việc của thư viện sẽ được áp dụng linh hoạt theo nhu cầu sử dụng của bạn đọc. Mọi thay đổi sẽ được thông báo qua website Thư viện (http://lib.ttu.edu.vn) và email của trường.

◦ Nội quy thư viện:

Điều 1: Thẻ sinh viên cũng chính là thẻ Thư viện, sinh viên sử dụng thẻ này trong suốt quá trình học tập tại Trường cho việc sử dụng các dịch vụ tại Thư viện.

Điều 2: Để sử dụng Thư viện, sinh viên cần làm thủ tục đăng ký tài khoản vào Thư viện và tham gia khóa huấn luyện sử dụng Thư viện và kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet.

Điều 3: Sinh viên, giảng viên và nhân viên của TTU cần có thẻ sinh viên, nhân viên và giảng viên để có thể vào sử dụng Thư viện và thực hiện các giao dịch mượn và trả sách.

Điều 4: Thức ăn, nước uống và các đồ dùng có mùi khác không được đem vào Thư viện

Điều 5: Điện thoại luôn ở chế độ rung khi vào Thư viện. Việc nghe điện thoại không được chấp thuận tại khu vực tự học và nghiên cứu trong Thư viện.

Điều 6: Giữ trật tự và im lặng khi đang ở Thư viện.

Điều 7: Trước khi vào khu vực nghiên cứu của Thư viện, bạn cần để các giỏ sách phía ngoài. Lưu ý Thư viện không chịu trách nhiệm việc giữ cặp sách của bạn.

Điều 8: Để truy cập Internet hoặc Cơ sở dữ liệu Thư viện, bạn cần mang theo máy tính cá nhân đến Thư viện.

Điều 9: Với các sách và tài sản của Thư viện, chúng tôi mong người sử dụng Thư viện giữ gìn trân trọng và bảo vệ đặc biệt. Việc lấy sách ra ngoài hoặc làm hư hại mọi tài sản của Thư viện sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù và kỷ luật từ Trường

◦ Tổng quan về bộ sưu tập tại thư viện:

Thư viện Trường Đại học Tân Tạo thu thập và phát triển toàn diện các loại hình tài liệu phù hợp nhu cầu học và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên theo hướng phát triển của một đại học đa ngành và đa lĩnh vực. Hiện tại Thư viện đang thu thập các tài liệu như sau:

Bộ sưu tập bao gồm sách, các bài báo cũng như tài liệu tham khảo từ các nhà xuất bản nước ngoài.

Bộ sưu tập số:

HINARI là cơ sở dữ liệu bao gồm hầu hết các báo uy tín trong lĩnh vực y khoa và công nghệ sinh học.

  1. SAGE Journals phục vụ cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, y tế và sinh học, khoa học máy tính.
  2. JSTOR: báo và tạp chí quốc tế về lĩnh vực toán, kinh tế, văn học, khoa học xã hội và nhân văn, lịch sử…
  3. Proquest: luận văn, luận án của các trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới, đồng thời cơ sở dữ liệu này còn có các báo cáo và bài nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
  4. STD: tài liệu về Khoa học và Công nghệ do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia xây dựng và cập nhật.
  5. Bộ sưu tập TTU History: cung cấp các báo cáo từ đại học Tân Tạo cũng như từ các tổ chức khác về trường Đại học Tân Tạo
  6. Nguồn học liệu mở của TTU: bộ sưu tập nội bộ của TTU lưu trữ tất cả các bài nghiên cứu của giảng viên, nhân viên và sinh viên. Bên cạnh đó, bộ sưu tập cũng bao gồm các bài giảng, bài tập, bài mẫu và các công cụ phục vụ cho chương trình học.

◦ Dịch vụ thư viện:

Hiện nay, thư viện cung cấp một số dịch vụ sau:

Dịch vụ tham khảo:

  • Dịch vụ cung cấp thông tin: nhận yêu cầu tin, phỏng vấn và thỏa thuận.
  • Hướng dẫn sử dụng thư viện.

Dịch vụ lưu hành:

  • Dịch vụ đọc sách tại thư viện. Các sách được đọc nhiều là giáo trình, sách tham khảo chuyên ngành bằng tiếng Anh.
  • Dịch vụ mượn tài liệu về nhà. Mỗi Sinh viên được mượn giáo trình học hoặc sách tham khảo về nhà.
  • Dịch vụ phòng học nhóm: bạn đọc có thể đăng ký sử dụng các phòng họp nhóm để thảo luận nhóm tại thư viện.

◦ Chính sách của thư viện

Chính sách truy cập cơ sở dữ liệu nghiên cứu và nguồn tài liệu của TTU

Truy cập mở

Đây là những bộ sưu tập mà tất cả những người sử dụng internet đều có thể truy cập dưới dạng tài liệu mở với mục đích hỗ trợ cho hoạt động học tập và nghiên cứu tại TTU. Dưới đây là danh sách bộ sưu tập tài liệu mở hiện có:

Bộ sưu tập

Loại tài liệu

Người sử dụng

Bộ sưu tập lịch sử TTU

  • Tài liệu của TTU và tài liệu về TTU
  • Hình ảnh của TTU và về TTU
  • Video của TTU và về TTU
  • Người sử dụng thuộc

TTU

  • Người dùng internet khác

Các bài nghiên cứu khoa học

  • Bài viết đăng trên các báo
  • Bài viết tại Hội nghị

Dự án và các bài viết

  • Dự án
  • Các bài viết

Luận văn của sinh viên

  • Luận văn cử nhân
  • Luận văn thạc sĩ
  • Luận văn tiến sĩ
TRUY CẬP HẠN CHẾ

Từ lúc mới hình thành bộ sưu tập, TTU đã tậpt rung xây dựng một cơ sở dữ liệu bao gồm tài liệu các môn học nhằm hỗ trợ cho các hoạt động dạy học và đây cũng được coi là nguồn tài liệu cho cộng đồng TTU. Theo đó, để truy cập được toàn bộ tài liệu, người sử dụng cần truy cập bằng tài khoản sử dụng và mật khẩu của mình.

Dưới đây là danh sách chi tiết những bộ sưu tập có thể truy cập nội bộ:

Bộ sưu tập

Loại tài liệu

Người sử dụng

Tài liệu môn học

Đề cương chương trình

Bài giảng, đề cương

Bài thi – đáp án

Bài tập – đáp án

Tài liệu giảng dạy

Giảng viên

Ban Giám hiệu

Gởi yêu cầu cung cấp tài khoản trên Dspace cho nhân viên thư viện

Bài thi điển hình của sinh viên

3 mức điểm (thấp nhất, trung bình, và cao nhất)

Trưởng khoa

Ban Giám hiệu

Gởi yêu cầu cung cấp tài khoản trên Dspace cho

nhân viên thư viện

Sách điện tử miễn phí

Sách điện tử hợp pháp thuộc các lĩnh vực khác nhau dùng để tham khảo

Giảng viên

Sinh viên

Gởi yêu cầu cung cấp tài khoản trên Dspace cho nhân viên thư viện

JSTOR

Các bài báo

Truy cập tại trường

ProQuest

Luận văn, bài báo, tin tức

Truy cập tại trường

HINARI

Bài báo, sách điện tử và báo cáo

Gởi yêu cầu qua email cho nhân viên thư viện

SAGE

Các bài báo

Truy cập tại trường

STD

Các bài báo và báo cáo tiếng Việt

Truy cập tại trường

LƯU HÀNH

Đối với giảng viên và nhân viên:

Thể loại cho mượn

Thời gian cho mượn

Số lượng sách mượn/lần

Phạt trễ hạn

Phạt về làm hư hỏng và mất sách

Giáo trình

3 tháng

2

1 ngày / 5000 đồng

Đền tiền theo đúng giá trị của sách

Sách tham khảo

2 tuần

2

1 ngày / 5000 đồng

Đền tiền theo đúng giá trị của sách

Đối với sinh viên:

Thể loại cho mượn

Thời gian cho mượn

Số lượng sách mượn/lần

Phạt trễ hạn

Phạt về làm hư hỏng

Giáo trình

1 tuần

1

1 ngày / 5000 đồng

Đền tiền theo đúng giá trị của sách

Sách tham khảo

1 tuần

1

1 ngày / 5000 đồng

Đền tiền theo đúng giá trị của sách

Trên gáy sách có dán nhãn các thông tin sau: Thư viện TTU, số phân loại, mã tên tác giả/ nhan đề. Ngoài các thông tin trên còn có thể có chữ “Reserved”, nghĩa là sách này không thể cho mượn về nhà. Sách không có chữ “Reserved” là sách có thể mượn về nhà.

Những sách không được mượn về nhà:

  • Sách tặng của các nhà hảo tâm
  • Sách giáo trình chuyên ngành chỉ có 1 bản
  • Từ điển, bách khoa toàn thư
  • Luận văn, luận án
  • Báo và tạp chí in
  • Các tài liệu quý hiếm khác.
  • Và những tài liệu theo quy định mượn về nhà.

Chính sách bổ sung tài liệu:

1. Mục đích:

Mục đích của chính sách bổ sung tài liệu là để cho nhân viên thư viện tham khảo và thực hiện khi có nhu cầu bổ sung cho bộ sưu tập của thư viện, bao gồm sách in, sách điện tử hoặc các nguồn tài liệu khác. Chính sách bổ sung tài liệu cũng cung cấp hướng dẫn về việc nhận và xử lý nguồn sách tặng.

2. Mục tiêu:

Thư viện bổ sung tài liệu nhằm:

ñ  Phục vụ nhu cầu học và giảng dạy theo các môn học của học sinh và giảng viên

ñ  Phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên

ñ  Cung cấp kiến thức phổ thông trong các lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, xã hội, khoa học cho sinh viên, nhân viên của Trường.

3. Trách nhiệm lựa chọn bổ sung:

Trách nhiệm lựa chọn nguồn tài liệu của thư viện chủ yếu thuộc về nhân viên thư viện dưới sự hướng dẫn của phụ trách thư viện. Quá trình lựa chọn/ bổ sung là sự kết hợp giữa các giảng viên và nhân viên thư viện. Giảng viên, nhân viên, và sinh viên được khuyến khích gởi đề nghị cho nhân viên thư viện. Giảng viên được khuyến khích đánh giá sự đầy đủ của nguồn tài liệu, bao gồm cả việc tham gia vào việc lọc lại và loại bỏ những sách đang trong danh sách lựa chọn bổ sung.

4. Hướng dẫn lựa chọn

Thư viện cần bổ sung tài liệu in (sách, tạp chí, bản đồ…), tài liệu nghe nhìn (vi phim, băng cát-sét, DVD…) và các nguồn tài liệu điện tử. Thư viện nhận biết được sự thay đổi và quá trình phát triển liên tục của khoa học công nghệ để tìm kiếm những phương thức mới hỗ trợ tốt hơn cho sứ mệnh của thư viện.

5. Tiêu chí lựa chọn:

  • Nguồn bổ sung đáng tin cậy
  • Đề xuất từ các khoa
  • Đề xuất từ sinh viên, các nhân viên
  • Sự phù hợp với các môn học
  • Số lượng bản sách trên 1 nhan đề
  • Giá trị của tài liệu
  • Sự quan tâm của bạn đọc đối với tài liệu ñGiá cả.
  • Đối với sách giáo khoa thư viện sẽ chọn từ 3 đến 5 cuốn cho một tựa ñĐối với sách tham khảo, thư viện sẽ chọn từ 1 đến 3 cuốn cho một tựa

6. Những tài liệu không đưa vào bổ sung:

Hiện tại, Thư viện không có nhiệm vụ thu thập số lượng lớn các giáo trình cho chuyên ngành. Thư viện sẽ giữ 2 đến 3 bản trên 1 cuốn giáo trình để làm tham khảo.

7. Vấn đề bản quyền:

Thư viện sẽ tuân thủ việc mua, sử dụng tài liệu theo đúng quy định Pháp Luật về Luật Bản Quyền của Việt Nam và Quốc tế. Những nội dung và quy định cụ thể sẽ được thông tin tại website của thư viện.

8. Hướng dẫn đề xuất bổ sung tài liệu

Dành cho giảng viên và nhân viên: Thư viện sẽ gởi email để thu thập đề xuất từ các trưởng phòng ban/khoa. Các trưởng khoa/ trưởng phòng ban sẽ làm việc với khoa/ban của mình để tìm ra tựa, tác giả, nhà xuất bản… của tài liệu yêu cầu. Sau đó trưởng khoa/phòng ban làm việc trực tiếp với thư viện.

Vui lòng ghi nhớ những thông tin sau:

– Giảng viên của các môn học nộp kế hoạch giảng dạy cho thư viện trước khi học kỳ bắt đầu 6 tháng

– Đối với sách phải nhập từ nước ngoài về, thư viện sẽ cần ít nhất 7 tháng để đặt mua

– Đối với sách có sẵn tại Việt Nam, thư viện cần 1 tháng

– Nếu gởi yêu cầu muộn, trưởng khoa/ phòng ban sẽ chịu trách nhiệm cung cấp sách cho môn học trong học kỳ đó. Vì vậy danh sách yêu cầu có thể được sử dụng cho học kỳ tiếp theo.

Đối với sinh viên: vui long gởi yêu cầu cho thư viện qua email hoặc gởi trực tiếp. Cần ghi rõ tựa sách, tác giả, nhà xuất bản và thời gian xuất bản

9.Quà tặng, đóng góp cho thư viện:

Thư viện hoan nghênh tất cả những đóng góp cho thư viện, đặc biệt là sách tặng theo đúng chuyên môn và lĩnh vực đào tạo của Trường như: kinh tế, kinh doanh, lãnh đạo và truyền thông, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Anh, khoa học xã hội và nhân văn, toán học, vậy lý học, khoa học máy tính và kỹ thuật.

CAM KẾT HIẾN TẶNG TÀI SẢN

Tôi/ chúng tôi …………………………………., xác nhận rằng tôi/ chúng tôi là chủ sở hữu của tài sản được mô tả trong văn bản này hoặc tài liệu đính kèm, giao và hiến tặng vô điều kiện cho Thư viện trường Đại học Tân Tạo những nội dung sau:

————————————— TỔNG GIÁ TRỊ ƯỚC TÍNH: ———————————–

Tôi/ chúng tôi hiểu rằng Thư viện chỉ bổ sung vào bộ sưu tập của mình những tài liệu cần thiết để hỗ trợ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và các dịch vụ của Đại học Tân Tạo. Tôi/ chúng tôi hiểu rằng việc ký bản cam kết này đồng nghĩa với việc chúng tôi chuyển giao tất cả bản quyền chúng tôi có thể có đối với tài liệu cho Thư viện trường Đại học Tân Tạo.

Tôi/ chúng tôi muốn có thư xác nhận sự đóng góp. ………. Có ………… Không

Ký tên: ……………………………………………

Ngày …………………………………………….

Số điện thoại: …………………………………. Địa chỉ: ……………………………………………

12. Sử dụng thư điện tử và Internet tại TTU

E-mail – thư điện tử thông qua mạng nội bộ của TTU là phương thức truyền đạt thông tin chính trong việc học tập tại trường. Trung tâm Công nghệ Thông tin sẽ cung cấp địa chỉ       e-mail cá nhân cho tất cả sinh viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong trường.

E-mail sẽ được sử dụng như phương tiện truyền thông chính thức về thông tin lớp học, nộp bài tập, kế hoạch các cuộc họp và sự kiện liên quan, thông báo từ bộ phận hành chính/Ban Giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, thư điện tử không thay thế cho những cuộc trò chuyện và gặp gỡ trực tiếp giữa các cá nhân, một phần quan trọng trong chương trình học tập cũng như trong đời sống sinh viên.

Sinh viên có thể lên mạng tìm hiểu phần mô tả khóa học, đề cương khóa học và danh sách những sách tham khảo, điểm số và nhận xét từ các giáo sư. Hầu hết các bài tập sẽ được nộp qua hình thức thư điện tử.

Mỗi lớp sẽ được xây dựng một trang thông tin trong diễn đàn của sinh viên trên website TTU để trao đổi thông tin về các hoạt động lớp học.

Các biện pháp an ninh đã được thiết lập để bảo vệ hệ thống e-mail của trường và dữ liệu được lưu trữ trên mạng nội bộ của TTU. Nhà trường cũng có những quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng thư điện tử như sau:

  1. Tài khoản e-mail do TTU cung cấp cho mỗi sinh viên là tài khoản cá nhân của mỗi người và sinh viên có trách nhiệm trong việc sử dụng cũng như nội dung của tài khoản này. Không ai có thể sử dụng tài khoản của bạn.
  2. Nội dung e-mail không được bao gồm những lời lẽ hoặc hình ảnh thô tục, xúc phạm người khác hoặc bất cứ tài liệu nào gây hại hoặc khiến người khác lo lắng, bất an.
  3. Sinh viên không được truy cập vào bất cứ hệ thống máy tính hoặc dữ liệu nào nếu như chưa có sự cho phép.
  4. Sinh viên không được cố gắng truy cập hay phá vỡ hệ thống an ninh của trường.
  5. Sinh viên không được sao chép hoặc sử dụng phần mềm khi chưa được phép.
  6. Nghiêm cấm việc tải, in và sao chép tài liệu, bài báo, sách, hình ảnh hoặc tài liệu khác có bản quyền được bảo vệ.
  7. Nghiêm cấm làm gián đoạn hoặc phá hủy bài tập của sinh viên khác.
  8. Trong việc sử dụng Internet và e-mail, tất cả sinh viên phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.

Vào thời điểm nhận được địa chỉ e-mail cá nhân từ TTU, sinh viên sẽ được yêu cầu ký vào văn bản bao gồm những quy định được cập nhật trong việc sử dụng e-mail và internet. Trách nhiệm của sinh viên là hiểu và tuân theo những quy định của nhà trường.

13. Tài chính

13.1 Học bổng

Chính sách học bổng áp dụng kế từ ngày14/01/2014

Hiện nay, tại TTU sinh viên được hưởng hai loại học bổng sau:

– Học bổng cho sinh viên khoa Y: Học bổng TTU-IMI được tài trợ bởi Quỹ ITA và International Medicine Institute.

– Học bổng cho sinh viên các khoa khác: Học bổng TTU-US Global Institute được tài trợ bởi Quỹ ITA và U.S. Global Institute.

Quỹ ITA và U.S. Global Institute cấp học bổng năm đầu cho sinh viên TTU dựa theo tiêu chí xét tuyển của TTU. Học sinh trúng tuyển vào TTU hội đủ điều kiện để được xét cấp học bổng cho năm học đầu tiên tại trường. Từ năm thứ hai trở đi học bổng sẽ được xét theo kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên.

Tiêu chí xét cấp học bổng chung của Quỹ ITA và U.S Global Institute là dành cho những sinh viên tài năng mà nghèo khó, có ý chí vươn lên. Do vậy, các điều kiện để được xét học bổng như sau:

  • Được đánh giá đạo đức, nhân cách tốt
  • Không bị bất kì hình thức kỷ luật nào
  • Không vi phạm nội quy về vệ sinh phòng ở tại kí túc xá
  • Không bị điểm C- trở xuống của bất kì môn học nào trong học kỳ xét học bổng.

Tiêu chí để định mức học bổng: dựa vào điểm trung bình chung của kết quả học tập.

Chính sách học bổng cụ thể như sau:

I. KHOA Y

Mốc thời gian

Mức điểm (GPA)

Học bổng áp dụng

Thời điểm

xét học bổng

Năm

thứ nhất

Cấp tối đa 50 học bổng toàn phần cho năm thứ nhất

Các học kỳ tiếp theo

Nguyên tắc xét học bổng:

– Lấy trung bình cộng chung tất cả những môn chính khoá chưa xét học bổng của các học kỳ trước đó, kể cả kết quả thi USMLE (trừ kết những môn thi lại).

– Thời điểm xét học bổng cho học kỳ I: cuối học kỳ hè II của mỗi năm

–                      Những môn học không có điểm số thì phải đạt mới được xét học bổng.

–                      Điều kiện để được xét học bổng cho năm thứ 3: TOEFL≥ 520

–                      Trên cơ sở điểm trung bình cộng (tổng (điểm x số tín chỉ)/ tổng số tín chỉ), mức học bổng được xét như sau:

– Thời điểm xét học bổng cho học kỳ II: cuối học kỳ I mỗi

năm

Từ 3.8 đến 4.0

Được cấp tiếp học bổng 100%

Từ 3.6 đến dưới 3.8

Được cấp tiếp học bổng 75%

Từ 3.0 đến dưới 3.6

Được cấp tiếp học bổng 50%

Dưới 3.0

Không được cấp học bổng

II. CÁC KHOA KHÁC

Mốc thời gian

Mức điểm

Học bổng áp dụng

Thời điểm

xét học bổng

1. Trường hợp 1: Sinh viên thuộc diện cấp học bổng (tối đa 25SV/ khoa) và đạt TOEFL theo quy định

1.1 Năm thứ nhất

TOEFL ≥ 500 (khoa Kỹ thuật và CNSH)

TOEFL ≥ 520 (các khoa khác)

Học bổng 100% cho năm thứ nhất (bao gồm học kỳ I, II và học kỳ hè)

1.2 Các học kỳ tiếp theo

Nguyên tắc xét học bổng: Lấy trung bình cộng chung tất cả những môn chính khoá chưa xét học bổng của các học kỳ trước đó. Riêng những môn học không có điểm số thì phải đạt mới được xét học bổng. Trên cơ sở điểm trung bình cộng (tổng (điểm x số tín chỉ)/ tổng số tín chỉ), mức học bổng được xét như sau:

–                      Thời điểm xét học bổng cho học kỳ I: cuối học kỳ hè II của mỗi năm

–                      Thời điểm xét học bổng cho học kỳ II: cuối học kỳ I mỗi

năm

Từ 3.6 đến 4.0

Được cấp tiếp học bổng 100%

Từ 3.3 đến dưới 3.6

Được cấp tiếp học bổng 75%

Từ 3.0 đến dưới 3.3

Được cấp tiếp học bổng 50%

Dưới 3.0

Không được cấp học bổng

2. Trường hợp 2: Các sinh viên thuộc diện được cấp học bổng (tối đa 25SV/khoa), nếu chưa đạt điểm TOEFL theo quy sẽ được cấp học bổng toàn phần để học tiếng Anh không quá 02 học kỳ.

2.1 Đối với sinh viên đạt điểm TOEFL theo quy định sau học kỳ I của năm thứ nhất:

TOEFL ≥ 500 (khoa Kỹ thuật và CNSH)

TOEFL ≥ 520 (các khoa khác)

Học bổng toàn phần học chuyên ngành 1 năm (bao gồm học kỳ II, học kỳ hè năm nhất và học kỳ I của năm hai)

Học bổng các học kỳ tiếp theo: xét như mục 1.2

2.2 Đối với sinh viên chưa đạt điểm TOEFL theo quy định sau học kỳ I của năm thứ nhất sẽ được cấp học bổng học tiếng Anh cho học kỳ II năm thứ nhất. Sau học kỳ II:

TOEFL ≥ 500 (khoa Kỹ thuật và CNSH)

TOEFL ≥ 520 (các khoa khác)

Học bổng học chuyên ngành 1 năm (học kỳ I, học kỳ II và học kỳ hè của năm thứ hai)

SV không đạt điểm TOEFL theo quy định phải đóng học phí 1.600.000VND/ tháng cho khóa học hè. Nếu sau học kỳ hè mà sinh viên vẫn không đạt điểm TOEFL theo quy định thì sẽ được phân lớp Anh văn theo trình độ của các em và tiếp tục rèn luyện thêm một học kỳ trong chương trình IEP (Intensive English Program) của trường. Trách nhiệm học phí của sinh viên được phân chia như sau:

+ Sinh viên đạt điểm TOEFL – ITP từ 480 đến 519 sẽ đóng 1.600.000 VND/ tháng. Sinh viên đạt được điểm TOEFL – ITP từ 400 đến 479 sẽ đóng 3.200.000 VND/ tháng.

+ Vào cuối học kỳ I của năm hai, trường sẽ tổ chức thi TOEFL lần chót để xét trình độ anh văn của sinh viên. Những sinh viên không đạt điểm TOEFL theo quy định sẽ bị buộc rời khỏi trường và hoàn lại học bổng đã cấp.

Học bổng các học kỳ tiếp theo: xét như mục 1.2.

III. LƯU Ý CHUNG
  1. Học bổng toàn phần bao gồm: học phí, chi phí ăn, ở trong thời gian học tập tại TTU.
  2. Học bổng chỉ xét cấp cho sinh viên theo học toàn thời gian tại trường, tức phải học tối thiểu 33 tín chỉ cho một năm học, trong đó số lượng tín chỉ tối thiểu cho một học kỳ chính thức là 15. Riêng sinh viên khoa Y mỗi năm phải học tối thiểu 50 đơn vị học trình mới được xét cấp học bổng.
  3. Nếu được xét chọn, học bổng tối đa để hoàn tất chương trình học cử nhân tại TTU là 5 năm (bao gồm cả năm học tiếng Anh), riêng ngành Bác sĩ Đa khoa là 6 năm.
  4. Mọi trường hợp vi phạm kỷ luật đều bị cắt học bổng ngay lập tức (có nghĩa là việc cấp học bổng sẽ bị dừng lại tại thời điểm ra quyết định kỷ luật). Sinh viên do vậy phải đóng phần học phí còn lại của kỳ cấp học bổng đó và không được xét học bổng cho kỳ tiếp theo.
  5. Cơ quan tài trợ học bổng sẽ định kỳ xem xét và điều chỉnh chính sách và quy trình cấp học bổng cho thích hợp với hoàn cảnh thực tế, và sẽ có thông báo khi có sự thay đổi. Mọi thay đổi, nếu có, không áp dụng cho những học bổng đã được cấp mà sẽ áp dụng cho những học bổng được tái cấp hoặc cấp mới sau ngày sự thay đổi có hiệu lực.
  6. Chính sách này áp dụng kể từ ngày14/01/2014, bãi bỏ và thay thế các chính sách trước đây trái với chính sách này.

13.2 Hỗ trợ cho vay đóng học phí

Nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng đóng tiền học phí do không đạt tiêu chuẩn được cấp học bổng, Quỹ ITA Vì tương lai triển khai chương trình hỗ trợ sinh viên vay đóng học phí như sau:

A.QUY TRÌNH HỖ TRỢ CHO VAY ĐÓNG HỌC PHÍ

I. Điều kiện

Các sinh viên phải đảm bảo được đầy đủ tất cả các điều kiện sau:

1. Đang bắt đầu theo học từ năm thứ 2 trở đi tại Trường Đại Học Tân Tạo – Khu Đô Thị Ecity Tân Đức – huyện Đức Hòa – tỉnh Long An;

2. Có kết quả rèn luyện/ hạnh kiểm đạt loại khá trở lên;

3. Kết quả học tập của học kỳ trước không có môn nào trong tất cả các môn học bị điểm F (0 điểm);

4. Là con của gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc một trong các trường hợp sau:

– Con thương binh, liệt sĩ;

– Con của gia đình hưởng chính sách như thương binh;

– Con của gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi cha mẹ sinh viên làm việc hoặc của chính quyền địa phương nơi Sinh viên sinh sống;

– Mồ côi cả cha lẫn mẹ;

– Con của gia đình thuộc diện có sổ xóa đói giảm nghèo.

5. Thuộc một trong các đối tượng sau đây:

– Đối với trường hợp được hỗ trợ vay đóng học phí lần đầu tiên: Thuộc đối tượng: Không được nhận học bổng hoặc chỉ được nhận học bổng một phần theo quy chế cấp học bổng của Trường Đại Học Tân Tạo.

– Đối với các trường hợp đã được ký hợp đồng hỗ trợ cho vay đóng học phí: chỉ được Bên A xem xét hỗ trợ cho vay cho đợt đóng học phí của học kỳ tiếp theo nếu thuộc trường hợp: Được cấp học bổng một phần.

Những sinh viên đã được Bên A hỗ trợ cho vay để đóng học phí cho học kỳ này nhưng sang học kỳ sau vẫn không đạt tiêu chí để được cấp học bổng một phần theo quy chế của Trường Đại Học Tân Tạo thì sẽ không thuộc đối tượng được xét duyệt cho vay.

II. Hồ sơ vay:

1. Sinh viên điền đầy đủ các thông tin vào Đơn xin hỗ trợ vay đóng học phí (theo mẫu đính kèm);

2. Điền đầy đủ thông tin trong Đơn xác nhận (theo mẫu đính kèm) được ký xác nhận bởi 02 giảng viên, Trưởng khoa và được Hiệu Trưởng Trường Đại Học Tân Tạo duyệt;

3. Chuẩn bị hồ sơ gồm:

– Bảng điểm của kỳ học trước có xác nhận của Trường Đại Học Tân Tạo;

– Bản photo có công chứng các giấy tờ: Chứng minh nhân dân (CMND), Hộ khẩu thường trú/Giấy đăng ký tạm trú;

– Bản chính học bạ cấp 3, Bản chính Bằng Tốt nghiệp Phổ thông trung học, Bản chính Bằng tốt nghiệp trung học;

– Giấy xác nhận của địa phương thuộc một trong các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn theo quy định tại phần I

– Các giấy tờ khác (nếu có) theo yêu cầu của Qũy ITA vì tương lai tùy theo từng thời điểm.

4. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ và tổ chức (dự kiến): 2đợt/năm học vào đầu mỗi học kỳ của năm học

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên sinh viên gửi toàn bộ hồ sơ cho Ban điều hành Quỹ ITA vì tương lai trước ngày ….. tháng ….. năm 2013.

III. Thời hạn thanh toán

Sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày tốt nghiệp ra trường Bên B có nghĩa vụ trả nợ cho Bên A theo thời hạn như sau:

  1. Trường hợp Bên B được vay từ 101 triệu đến 150 triệu để đóng học phí thì Bên B phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền đã vay cho Bên A trong thời hạn tối đa 05 (năm) năm;
  2. Trường hợp Bên B được vay từ 46 triệu đến 100 triệu trên tổng học phí phải đóng, thì Bên B có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền đã vay cho Bên A trong thời hạn 03 (ba) năm;
  3. Trường hợp Bên B được vay từ 7.5 triệu đến 45 triệu trên tổng học phí phải đóng, thì Bên B có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền đã vay cho Bên A trong thời hạn 02 (hai) năm;

Ghi chú: Thời hạn cụ thể sẽ căn cứ vào hợp đồng cho vay của từng sinh viên B.Quy trình thực hiện cho vay:

1. Sau 3 tuần sau khi kết thúc Học Kì, Bộ phận Giáo vụ căn cứ vào chính sách học bổng của TTU trình danh sách SV đề nghị cấp học bổng lên BGH.

2. Sau khi được BGH duyệt danh sách, giáo vụ gởi danh sách cho Chủ tịch xin cấp học bổng.

3. Sau khi được duyệt học bổng, Giáo vụ gởi kết quả xét học bổng đến sinh viên. Đồng thời Giáo vụ sẽ gởi danh sách SV phải nộp tiền học phí cho Kế toán;

4. Kế toán căn cứ vào danh sách cấp học bổng:

  • Nhắc nhở SV nộp tiền đúng thời hạn.
  • Căn cứ điều kiện cho vay, hướng dẫn SV thực hiện thủ tục vay vốn đóng học phí.
  • Thu tiền và xuất hóa đơn từ sinh viên hoặc đơn vị cho vay.

Thông báo cho bộ phận Giáo vụ danh sách các Sinh viên chưa nộp tiền đóng học phí để Giáo vụ trình BGH xử lý.

BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN

Chủ tịch HĐĐH và Tổng Giám đốc

Tập đoàn Tân Tạo

Người sáng lập trường Đại học Tân Tạo

GIÁO SƯ MALCOLM GILLIS

Nguyên Chủ tịch

Trường Đại học Rice

Texas, Hoa Kỳ

TIẾN SĨ CHARLES J. HENRY

Giám đốc

Hội đồng thư viện và lưu trữ thông tin

GIÁO SƯ EUGENE H. LEVY

Nguyên Hiệu trưởng

Trường Đại học Rice

Texas, Hoa Kỳ

X